| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre: Phần lớn lúa đông xuân đã thoát được hạn mặn

Thứ Năm 22/02/2024 , 17:34 (GMT+7)

Hiện nay, nông dân tỉnh Bến Tre đang bước vào thời điểm thu hoạch lúa đông xuân sớm với niềm vui trúng mùa, trúng giá và thoát được hạn mặn.

Giá lúa ở Bến Tre hiện đạt 10.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Giá lúa ở Bến Tre hiện đạt 10.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Lúa được mùa nhờ né được hạn mặn

Vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, bà con nông dân tỉnh Bến Tre gieo sạ không nhiều, chủ yếu tập trung tại vùng phía đông thường bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Do thời tiết thuận lợi, đủ nước ngọt và giá lúa cao nên bà con có lãi khá.

Những ngày này, tại ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh (huyện Ba Tri), nhiều diện tích lúa đông xuân sớm đã được thu hoạch. Theo chia sẻ của bà con, năng suất lúa tươi đạt từ 5,5 – 6 tấn/ha, lúa khô khoảng 5 tấn/ha. Lúa tươi (tùy giống) được các thương lái thu mua với giá trung bình 10.000 đồng/kg. Nhờ thời tiết thuận lợi, cây lúa ít bị sâu bệnh và lượng phân bón giảm hơn cùng vụ các năm trước nên nhà nông ở đây có lãi hơn 40%.

Xen giữa cánh đồng lúa vàng tươi đang chờ máy gặt là ruộng lúa 1.500m2 của ông Nguyễn Văn Ninh vừa được gặt xong. Những mớ lúa gặt bằng tay đang được phơi cho héo rơm để chuẩn bị gom cho vào máy tuốt (đập). Ôm mớ lúa trong tay, ông Ninh hồ hởi khoe: “Mùa này hột lúa chắc lắm, thấy vậy chớ nó nặng trịch hà”.

Dẫu chưa tuốt, chưa cân nhưng nhìn là biết lúa trúng bởi miếng đất hầm này lúa trúng quá nên bị sập mấy chỗ, chủ ruộng phải gặt tay bằng lưỡi hái (liềm) chứ máy gặt đập liên hợp không xuống được. Ông Ninh phỏng đoán, năng suất lúa có khi đến 30 giạ một công (6 tấn/ha). Ở vùng đất này, lúa đạt năng suất như thế là trúng rồi.

Ông Nguyễn Văn Ninh đang gom lúa chuẩn bị tuốt. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Ninh đang gom lúa chuẩn bị tuốt. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Ninh, để vụ lúa đông xuân này an toàn, không bị nước mặn ảnh hưởng, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đã vận động bà con không gieo sạ vụ thu đông 2023 để đẩy lịch xuống giống vụ này sớm hơn. Hầu hết bà con xã Mỹ Chánh đều tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo chỉ làm 2 vụ lúa trong năm và xuống giống đúng lịch thời vụ.

Ông Ninh phấn khởi: “Nhà nước khuyến cáo làm 2 vụ để tránh nước mặn, thất bát. Bà con Mỹ Chánh mình chấp hành tốt. Giờ cắt rồi, nước dư sức rồi. Ở đây sạ lúa đông xuân sớm, sạ mùng 10 tháng 10 âm lịch. Tôi làm giống OM 6162. Bà con xung quanh đa số sạ giống OC 10. Năm nay nói chung sạ xuống lúa tốt, không bị sâu bệnh, nhẹ phân và thoát hạn mặn. Lúa trúng lút luôn, chắc khoảng 6 tấn/ha. Hôm rồi ai bán cũng vậy, giá hơn 11.000 đồng/kg”.

Bà Trần Thị Nhạn cũng tại ấp Gò Da vừa thu hoạch xong đám ruộng 1.400m2 chung nhận xét, vụ lúa này thấy rất thuận lợi, không có sâu bệnh. Lúa cắt được 20 bao (hơn 800kg), tăng 5 bao so với vụ đông xuân năm trước.

“Do mình làm 2 vụ nên lượng phân bón cũng nhẹ hơn, lúa như thế này cũng thuộc dạng trung bình khá, như vậy là đạt rồi. Mấy ngày trước lúa được 11.000 đồng/kg, nay giảm còn 10.000 đồng/kg, vậy là rất cao rồi”, bà Nhạn nói.

Rời xã Mỹ Chánh, chúng tôi đến xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, nơi đây cũng có những cánh đồng đang chuẩn bị bước vào thời vụ thu hoạch. Địa phương này có người làm 2 vụ, có người tiếc giá lúa cao làm 3 vụ. Theo khảo sát của chúng tôi, đợt sạ sớm lúa đã chín vàng, còn những đồng sạ muộn lúa cũng đã được hơn 50 ngày, đang bước vào thời kỳ làm đòng chuẩn bị trổ.

Lúa đông xuân sớm ở ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri đã chín vàng, trĩu hạt. Ảnh: Minh Đảm.

Lúa đông xuân sớm ở ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri đã chín vàng, trĩu hạt. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trương Văn Khánh ở ấp Xóm Mới vừa thu hoạch xong 3 công lúa, giống OC 10. Ông cho biết, giống lúa này được bà con địa phương đưa vào sản xuất nhiều năm nay vì dễ trồng, ít sâu bệnh mà chất lượng gạo cũng khá ngon.

“Lúa nằm giá 11.000 đồng, có lời 2 triệu đồng/công, nếu xuống giá nữa thì lời khoảng 1,5 triệu đồng/công. Năm nay nước đầy đủ. Mấy người sạ sau lúa đang trổ, chắc khoảng 1 tháng nữa thu hoạch, nước đầy đủ như thế này thì lúa tương đối có hột”, ông Khanh nói.

Ông Phan Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết, vụ lúa này bà con trong xã gieo sạ được 300ha. Nhờ có đê bao khép kín ngăn mặn nên trà lúa của bà con được đảm bảo, rất yên tâm sản xuất. Lúa đang trong quá trình thu hoạch, cơ bản năng suất ổn định. “Trà lúa trễ nhất cũng gần trổ đến trổ đều nên cơ bản đủ nước. Nói chung bà con Mỹ Hòa rút kinh nghiệm hạn mặn các năm nên ý thức chống mặn tốt”, ông Sang cho biết thêm.

Phần lớn các trà lúa đã an toàn với hạn mặn

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có diện tích lúa đông xuân chỉ hơn 7.700ha, chủ yếu tại huyện Ba Tri 7.500ha và huyện Giồng Trôm 230ha. Đến ngày 15/2, lúa đang làm đòng chiếm 4.100ha, trổ 3.000ha.

Đáng lo, lúa giai đoạn mạ 180ha, đẻ nhánh 450ha có nguy cơ thiếu nước nếu diễn biến xâm nhập mặn gay gắt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở NN-PTNT Bến Tre chưa ghi nhận thông tin phản ánh của các địa phương, đơn vị về tình hình lúa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn.

Nước trong kênh nội đồng ở xã Mỹ Hòa dồi dào. Ảnh: Minh Đảm.

Nước trong kênh nội đồng ở xã Mỹ Hòa dồi dào. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với công tác ứng phó xâm nhập mặn, cấp nước phục vụ sản xuất trong thời gian tới, Sở NN-PTNT kiến nghị một số giải pháp. Theo đó, thường xuyên tăng cường công tác thông tin về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là công tác dự báo sớm, chính xác về thời gian, độ mặn cao nhất, mức độ xâm nhập sâu trên các sông chính để các cấp chính quyền địa phương và người dân kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó cho phù hợp. Trong giai đoạn mặn diễn biến gay gắt, cần dự báo chính xác thời điểm xuất hiện nước ngọt (hoặc nước có độ mặn thấp) để kịp thời có giải pháp lấy, trữ nước.

UBND các huyện, thành phố kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch, đồng thời chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, đảm bảo tích trữ tối đa nguồn nước ngọt vào hồ chứa Kênh Lấp, sông Ba Lai để phục vụ trong mùa hạn mặn.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.