| Hotline: 0983.970.780

Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng: Đa mục đích - Nhiều tiềm năng

Thứ Tư 04/12/2019 , 08:54 (GMT+7)

Ngoài nhiệm vụ ban đầu là cung cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, chống xâm nhập mặn, công trình đang hướng tới đa mục đích, phát huy hết tiềm năng.

Sứ mệnh lịch sử

Tính đến nay, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà đã sử dụng được gần 35 năm. Công trình đã làm tròn trách nhiệm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và các tỉnh, TP HCM, Long An, tuy nhiên tiềm năng của công trình còn rất lớn. Sắp tới đây, hồ nước nhân tạo này sẽ được đầu tư và khai thác thêm nhiều tiềm năng để phục vụ lợi ích xã hội.

17-23-16_nh_1
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (hàng đầu, thứ 3 từ phải qua) kiểm tra dự án điện mặt trời vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thủy.

Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1985, có diện tích mặt nước là 270 km2 (27.000ha), cấp nước tưới trực tiếp cho 100.000ha đất nông nghiệp của các tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và Long An; cấp nước tạo nguồn nước tưới cho gần 25.000ha của các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An; tạo nguồn nước cho vùng hạ du của sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Ðông với diện tích hơn 40.000ha; cấp 43 m3 nước mỗi giây cho sinh hoạt dân cư và công nghiệp trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, tương ứng 3,7 triệu mét khối nước/ngày đêm.

Đặc biệt, công trình còn có 27.000ha đất bán ngập. Đây là diện tích chuyên canh tác cây ngắn ngày, mang lại nguồn sống cho hàng ngàn hộ dân từ mấy chục năm qua.

Hồ Dầu Tiếng là nguồn mưu sinh cho cả ngàn người dân nghèo sinh sống ven hồ qua việc đánh bắt cá. Hằng năm, Chi cục Thuỷ sản Tây Ninh đều thả khoảng 10 tấn cá giống với nhiều chủng loại (tương đương 1 triệu con) vào hồ nước này, nhằm cân bằng sinh thái, cải tạo nguồn lợi thuỷ sản trong hồ và giúp các ngư dân nghèo cải thiện đời sống.

Những năm qua, hồ Dầu Tiếng còn là mỏ “vàng” về khoáng sản cát của nhiều công ty khai thác cát. Từ vài ba công ty, doanh nghiệp tư nhân, đến nay, trong công trình thuỷ lợi này đã có đến hơn chục doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khai thác.

Đặc biệt, một nguồn lợi rất lớn từ công trình thuỷ lợi rộng này, đó là tạo ra nguồn năng lượng điện mặt trời từ khoảng không cực lớn trên mặt nước hồ và vùng bán ngập. Hiện đã có vài dự án điện mặt trời được cấp phép, trong đó, vùng bán ngập hiện có 3 dự án điện mặt trời được đầu tư, trong đó 2 dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động.

17-23-16_nh_2
Hệ thống điện mặt trời chạy quanh bờ hồ, vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Ảnh: Thanh Sơn.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, trong chuyến làm việc tại công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những đánh giá thiết thực về công trình hồ Dầu Tiếng. Theo Bộ trưởng, hồ Dầu Tiếng là nguồn tài nguyên rất quý giá. Bộ ủng hộ việc phát triển đa mục tiêu công trình này. Nhưng công trình có tầm ảnh hưởng lớn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố nên bài toán đặt ra là quản lý công trình thế nào? Cơ chế hợp tác giữa các địa phương, các ngành, các lĩnh vực ra sao?
 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, công trình đã trải qua mấy chục năm hoạt động nên cần đánh giá tổng quát. Công tác quản lý công trình cũng là vấn đề cần bàn bạc kỹ lưỡng. Quy trình vận hành cũng đang là một vấn đề khó khăn.
“Cần sớm có đề án đánh giá tổng quát công trình này, bao gồm: những tồn tại, những nhu cầu mới và những thách thức. Việc khai thác cát sỏi trong hồ cần quản lý chặt chẽ, nếu không, mỗi doanh nghiệp hút cát một chỗ, sẽ gây sạt lở bờ đập. Việc vận hành, điều tiết nguồn nước hồ trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay đã lạc hậu, không kịp thời; công tác quản lý, khai thác ở từng địa phương còn chồng chéo, chưa thống nhất, kém hiệu quả...”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Nhiều việc cần làm ngay

Mới đây, trong buổi làm việc với đại diện đơn vị quản lý hồ và các địa phương có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến công trình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ ra nhiều bất cập, nhiều nhiệm vụ phải làm trong thời gian tới.

Tại hội nghị này, Thứ trưởng đánh giá, Công ty Quản lý và kai thác nguồn lợi thuỷ sản Dầu Tiếng – Phước Hòa, đơn vị quản lý công trình còn nhiều yếu kém, lạc hậu về công nghệ. Việc này cần thay đổi về tư duy quản lý và nguồn lực đầu tư, làm ngay trong thời gian sớm nhất.

“Vấn đề quản lý công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng bây giờ là hết sức cấp thiết. Nhưng tôi thấy các địa phương còn rất lúng túng trong công tác phối hợp.

Hiện nay, riêng ở lòng hồ, có đến 3 dự án điện mặt trời, quanh hồ có đến 5 công ty, chủ yếu là sản xuất củ mì, mủ cao su, phía đầu nguồn thì chăn nuôi rất nhiều, rất nguy hiểm. Rồi nguồn lợi từ diện tích đất bán ngập, và nhất là khai thác cát trong lòng hồ. Vậy thì bây giờ ta phối hợp quản lý thế nào?

Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà là đơn vị quản lý và khai thác chính của công trình. Muốn quản lý tốt hơn, khai thác hiệu quả hơn công trình, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ.

Đó là phải phối hợp chặt chẽ với địa phương. Hiện nay, quanh hồ có 9 xã, gồm 6 xã của tỉnh Tây Ninh, 2 xã của Bình Dương và 1 xã của Bình Phước, Công ty Thủy lợi Dầu tiếng Phước Hòa phải ký cam kết về công tác phối hợp với lãnh đạo các xã này.

UBND các tỉnh, huyện quanh hồ cũng phải có những chỉ đạo sát sao đối với chính quyền các xã do huyện quản lý về công tác phối hợp bảo vệ công trình. Đây là một lực lượng vô cùng quan trọng trong việc góp phần bảo vệ tốt nhất cho công trình”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Tây Ninh là tỉnh hưởng lợi nhiều nhất từ công trình. Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, tỉnh đánh giá rõ được tầm quan trọng của hồ Dầu Tiếng với việc phát triển kinh tế- xã hội địa phương nên đang thực hiện các kế hoạch cụ thể.

Trong đó, có việc tỉnh Tây Ninh đang thực hiện việc cấp phép khai thác khoáng sản (cát) cho các doanh nghiệp. Sau khi cấp giấy phép hoàn tất, tất cả các tàu ghe không có giấy phép bắt buộc phải di chuyển ra ngoài khu vực lòng hồ.

Ngoài ra, tỉnh đang đầu tư gói thầu hơn 20 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống an ninh, gắn camera xung quan hồ để giám sát mọi hoạt động khai thác cát trong lòng hồ.

17-23-16_nh_3
Ông Nguyễn Thanh Ngọc (phải), đang trao đổi sôi nổi với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tại hội nghị về công tác phối hợp quản lý, bảo vệ công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Ảnh: Thanh Sơn.

Nói về công tác phối hợp quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ công trình, Thứ trưởng cho rằng: Cần phải phê duyệt lại nhiệm vụ của công trình. Vì bây giờ đã khác với 35 năm trước. Công trình này là đa mục tiêu, đa nhiệm vụ. Theo như báo cáo của công ty quản lý công trình thì vấn đề quản lý, khai thác đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng chẳng có khó khăn nào không giải quyết được.

“2 người cùng làm một việc thì thích nhau, nhưng 2 người cùng thích 1 việc thì ghét nhau”, như vậy mình cùng làm đi thì sẽ phối hợp với nhau tốt hơn. Ai cũng muốn được khai thác cát trong hồ thì đương nhiên sẽ không thích nhau, còn minh bạch ra, ai làm việc nấy, không ai đụng đến quyền lợi của ai thì sẽ hợp tác hiệu quả, vì cái chung. Cho nên, cần có giải pháp phối hợp khả thi, trên tinh thần là cùng làm chứ không phải cùng thích”.

“Năm 2020 phải có kết quả đánh giá tiềm năng, kế hoạch sử dụng đa mục đích của công trình; phối hợp chặt chẽ trong quản lý; phải phê duyệt lại nhiệm vụ của công trình, kèm theo đó là quy trình vận hành công trình liên hệ thống.

Công ty cần ký hợp đồng phối hợp với 9 xã của 3 tỉnh trong nhiệm vụ bảo vệ công trình, ứng dụng ngay công nghệ vào quản lý. Một số nhiệm vụ cần làm ngay, là rà soát lại 16 giấy phép khai thác cát, tuân thủ đúng Luật Thuỷ lợi, Luật Khoáng sản về cấp phép, giấy phép, toàn bộ thông tin về các phương tiện khai thác khoáng sản phải truyền thông tin qua hệ thống camera về cơ quan quản lý, nhằm giám sát khối lượng khai thác, vị trí khai thác”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất