| Hotline: 0983.970.780

'Mổ xẻ' nhiều vấn đề về công tác quản lý hồ Dầu Tiếng

Thứ Tư 20/11/2019 , 09:14 (GMT+7)

Sau gần 35 năm sử dụng, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng đã trở thành công trình đa mục tiêu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về công tác phối hợp quản lý công  trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà ngày 18/11.
 
Do đó, nhiều vấn đề cấp thiết được đặt ra nhằm bảo vệ an toàn và sử dụng hiệu quả công trình.
 
Đó là lý do chính khiến Bộ NN-PTNT thời gian qua dành nhiều thời gian, họp bàn với các địa phương có lợi ích từ công trình này ở quanh hồ nhằm có những giải pháp toàn diện nhất trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ công trình.
 
Ngày 18/11/2019, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp sau khi có chuyến khảo sát quanh hồ, đã tổ chức buổi hội nghị về công tác phối hợp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa. Ngoài sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Thuỷ lợi, còn có lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, đại diện Sở NN-PTNT, Sở TN-MT các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bình Phước, và TP.HCM.
 
Hội nghị diễn ra khá “nóng” và rất thẳng thắn, đại diện các tỉnh đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực trong công tác phối hợp quản lý công trình. Trong đó, mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả trong công tác chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản lòng hồ, nhưng chưa cao.
Nguyên nhân chính là do chưa có một quy chế bằng văn bản về công tác phối hợp, việc quản lý công trình còn chồng lấn giữa các địa phương do công tác phân ranh, cắm mốc chưa hoàn tất, ranh giới chưa rõ ràng, khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
 
Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đi khảo sát tình hình trên hồ Dầu Tiếng chiều 17/11.
 
Bình Dương và Tây Ninh Thời là 2 tỉnh có quyền lợi và trách nhiệm lớn nhất đối với công trình. Thời gian qua, sau khi chính quyền 2 tỉnh này vào cuộc quyết liệt, nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác ồ ạt, tình hình đã tạm lắng. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ hơn. Đó là hoàn thành việc phân ranh, cắm mốc, sau đó xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương. Từ đó, việc quản lý, khai thác và xử lý các sai phạm sẽ rõ ràng hơn, không chồng lấn.
 
“Như vậy, sẽ tránh được tình trạng sử dụng chồng chéo, bảo vệ, quản lý chồng chéo. Đặc biệt, khi đã phân ranh cắm mốc rõ ràng, việc giám sát, xử lý các vi phạm dễ dàng hơn. Tránh tình trạng như thời gian qua, các tàu, ghe hút cát do tỉnh này cấp phép nhưng lại sang địa phận hồ tỉnh khác khai thác. Hoặc ghe hút cát trái phép ở tình này, khi bị truy đuổi, chạy sang hồ thuộc tỉnh khác để né tránh. Nên việc quản lý hay xử lý sai phạm gặp không ít khó khăn”, đại diện tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị.
Quan điểm này của tỉnh Bình Dương được tỉnh Tây Ninh đồng tình và mong sớm xây dựng xong quy chế phối hợp, phân ranh, cắm mốc hồ. 
 
Sau 35 năm sử dụng, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng từ nhiệm vụ thuỷ  nông là chính, nay đã trở thành công trình đa mục tiêu, nhiệm vụ. 
 
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu: Dầu Tiếng – Phước Hoà là công trình thuỷ lợi lớn nhất nước, quan trọng nhất, dung tích gần 2 tỷ m3 nước. Nhưng sau 35 năm sử dụng, nhiều hạng mục đã xuống cấp, phía hạ du thay đổi. Đặc biệt, mục tiêu, nhiệm vụ của công trình đã thay đổi, không đơn thuần chỉ là thuỷ lợi phục vụ nước cho nông nghiệp, sinh hoạt nữa, mà đã khác trước rất nhiều. Đó là ngoài nhiệm vụ cũ, nó còn thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng khác về kinh tế như đất đai, du lịch, năng lượng (điện mặt trời)… Do đó, công tác phối hợp quản lý là việc quan trọng, cần hoàn thiện trong thời gian sớm nhất, nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả các nguồn lợi từ công trình.
 
Cần hoàn thiện sớm các quy định chặt chẽ về giấy phép khai thác và quản lý hoạt động khai thác cát trong lòng hồ. Chứ như thời gian qua, chúng ta không quản lý được nên buộc phải tạm thời đóng cửa mỏ cát, như vậy cũng là chưa đúng. Phải có hoạt động khai thác cát, nhưng khai thác trong khuôn khổ, trong tầm kiểm soát của cơ quan thẩm quyền, và phải quản lý bằng công nghệ. Làm sao mỗi tàu hút cát dúng số lượng, đúng vị trí ghi trong giấy phép…
 
Sau khi khảo sát tình hình quản lý và khai thác công trình, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, hiện công ty khai thác nguồn lợi thuỷ sản Dầu Tiếng - Phước Hòa còn quá lạc hậu trong công tác quản lý.
“Công trình thuỷ lợi lớn nhất nước nhưng vấn đề quản lý lại kém nhất nước. Tôi đi 1 công trình thuỷ lợi rất nhỏ thôi, nhưng đã áp dụng công nghệ quản lý 4.0, ngồi trong phòng cũng quản lý được, thấy hết mọi hoạt động trên toàn công trình. Còn ở đây, chỉ cần đi khỏi tầm mắt là xong, không thấy gì. Lạc hậu lắm. Vấn đề quản lý bằng công nghệ hiện đại là vấn đề cấp bách cần làm ngay trong năm 2020, hết bao nhiêu tiền cũng phải làm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.