| Hotline: 0983.970.780

Công trình xử lý nước thải tê liệt, nguy cơ đóng cửa cảng cá

Thứ Sáu 17/03/2023 , 13:32 (GMT+7)

Hệ thống xử lý nước thải tê liệt, hai cảng cá Cửa Tùng và Nam Cửa Việt dù mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa sẽ phải đóng cửa.

Empty

Hệ thống xử lý nước thải thô sơ tại cảng cá Cửa Tùng đã bị tắc hoàn toàn, không còn công năng sử dụng. Ảnh: Võ Dũng. 

Cảng cá tắc đầu ra

Quảng Trị hiện có 3 cảng cá lớn, phục vụ phát triển kinh tế cho trên 15 nghìn hộ dân tại 14 xã và 2 thị trấn vùng biển các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng và Triệu Phong với hàng chục cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, bất cập trong đầu tư xây dựng, nâng cấp khiến các cảng cá này đang có nguy cơ bị đóng cửa.

Cảng cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được đầu tư xây dựng từ năm 2008. Đến năm 2020, từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Hiệp Formosa Hà Tĩnh, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, sửa chữa với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi công trình được gia hạn thêm 1 năm (hạn cuối đến tháng 6/2023 phải bàn giao đưa vào sử dụng), hệ thống xử lý nước thải cũ của cảng cá đã tê liệt hoàn toàn nhưng khu xử lý nước thải mới chưa được đầu tư xây dựng. Tỷ lệ giải ngân vốn tính đến tháng 6/2022 cũng mới chỉ đạt 65,1%.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, cảng cá Cửa Tùng hiện đã được đầu tư nhiều hạng mục công trình như đường giao thông nội bộ; công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình dân dụng; công trình công nghiệp…

Thế nhưng, một trong những hạng mục quan trọng nhất đảm bảo bàn giao dự án và đi vào hoạt động theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là hệ thống lý nước thải hiện đang chỉ là bãi đất trống.

Dẫn chúng tôi đi xem khu vực thu gom, xử lý nước thải nằm dưới lòng đất, bên trên là nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ hàng chục năm nay, từ lâu đã “cửa đóng then cài”, ông Nguyễn Tiến Long, cảng trưởng cảng cá Cửa Tùng cho biết, hệ thống xử lý nước thải với công nghệ cũ, thô sơ, dung tích 70m3 hiện nay đã tắc hoàn toàn. Công nghệ cũ chỉ có thể giúp nguồn nước thải được lắng lọc thủ công nhưng lâu nay không có kinh phí duy tu bảo dưỡng đã ngừng hoạt động.

Do không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng nên lâu nay toàn bộ nước thải của các hoạt động hậu cần nghề cá và sản xuất chế biến hải sản của một đơn vị có tới 500 công nhân nằm trong khu vực cảng đều lắng lọc qua hệ thống xử lý nước thải của cảng cá. Đến nay, hệ thống xử lý nước thải này đã ngừng hoạt động, toàn bộ nước thải đều xả thẳng ra môi trường.

Empty

Xây dựng đường thu gom nhưng không có công trình xử lý nước thải, nước thải tại cảng cá Cửa Tùng xả tự do ra ngoài môi trường. Ảnh: Võ Dũng.

Hệ thống gom nước mưa mới được xây dựng và đường gom nước thải tại các gian nhà phân loại cá do chưa có bể xử lý để kết nối nên cũng cũng bị tắc. Dưới nhà phân loại cá được lợp bằng mái tôn, lác đác xác cá chưa được thu gom, ruồi muỗi bay nhặng xị, mùi cá bốc lên tanh tưởi.

“Để thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa Cảng cá Cửa Tùng, Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị đã bàn giao 3.000m2 mặt bằng cho chủ đầu tư để xây dựng công trình xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi đã gần đến hạn bàn giao công trình, chủ đầu tư mới xây dựng xong phần tường rào bao quanh; đường dẫn thu gom và chưa có hệ thống xử lý nước thải. Nếu không có công trình xử lý nước thải, cảng cá đi vào hoạt động sẽ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020", ông Long cho hay.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Điều tương tự cũng đang xảy ra tại cảng cá Nam Cửa Việt. Cảng cá này được đầu tư nguồn vốn 130 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa và mở rộng tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Sau khi được gia hạn thêm 1 năm (hạn cuối đến 31/12/2023 phải bàn giao đưa vào sử dụng), dự án này hiện mới chỉ giải ngân được 50% vốn đầu tư.

Empty

Các cơ sở chế biến tại cảng cá Nam Cửa Việt dùng máy bơm, bơm nước thải ở hệ thống đường gom nước. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam vào giữa tháng 3, hoạt động trên công trường dự án đã ngừng hẳn; không bóng dáng công nhân và máy móc. Nhà thầu mới chỉ đóng được các trụ bê tông cầu cảng cạnh cầu Cửa Việt. Các ống cống phục vụ xây dựng hệ thống thoát nước, gom nước đang nằm phơi sương phơi nắng. Sắt thép đã hoen gỉ theo ngày tháng. Vật tư tập kết thực hiện dự án nằm ngổn ngang cùng với việc cảng cá bị bồi lấp phần nào khiến các hoạt động cập cảng của tàu thuyền và các dịch vụ hậu cần nghề cá trong khu vực cảng cá bị cản trở.

Bí “đầu ra” cho nước thải, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá Nam Cửa Việt hiện phải cho nước sản xuất chảy tràn, gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống xử lý nước thải được đầu tư xây dựng với dung tích 50m3 từ hàng chục năm nay hiện cũng không thể hoạt động. Các nắp đậy đường dẫn nước thải bị vỡ, lộ thiên; đường dẫn bị tắc. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, giòi bọ nhung nhúc trong đường dẫn.

Để tạm thời giải quyết tình trạng này, các hộ kinh doanh trong khu vực cảng các Nam Cửa Việt đã phải dùng máy bơm, hàng ngày hút nước thải đổ đi. Ống hút nước vì thế kéo khắp cảng cá.

“Nước thải không thông, không biết chuyển đi đâu nên rất hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các hộ sản xuất ở đây phải sắm máy máy bơm công suất lớn, hút nước thải. Về lâu về dài, nếu không giải quyết được tình trạng này, ô nhiễm môi trường sẽ càng nghiêm trọng”, ông Nguyễn Văn Tới, nhân viên lò hấp cá Đông Nhụy nằm trong khuôn viên cảng cá Nam Cửa Việt cho hay.

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quảng Trị cho biết, hiện tại các cảng cá Cửa Tùng và cảng cá Cửa Việt đang nợ một số tiêu chí cảng cá loại II, trong đó có tiêu chí môi trường.

Empty

Trong khi đó, hệ thống dẫn nước và bể xử lý nước thải chưa được xây dựng. Ảnh: Võ Dũng.

Cuối năm 2021, sau khi kiểm tra thực địa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản kết luận Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đơn vị này có muốn tuân thủ đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường cũng nằm ngoài khả năng bởi công trình xử lý nước thải hiện nay không cho phép.

Cũng theo ông Sơn, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đặc biệt là sau đợt kiểm tra của Cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường; Sở Tài nguyên mô trường tỉnh và văn bản 4417/STNMT-KS ngày 22/12/2021, Ban Quản lý Cảng cá, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã gửi Tờ trình đề nghị cấp trên ưu tiên triển khai hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cảng cá trước lúc bàn giao đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, đến nay, nguyện vọng của ngành nông nghiệp Quảng Trị vẫn chưa được đáp ứng. (còn nữa)

Kiến nghị xây dựng gấp công trình xử lý nước thải

"Đến tháng 6/2023 này, cảng cá Cửa Tùng sẽ bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng hệ thống xử lý nước thải chưa được triển khai xây dựng; một số tuyến thu gom nước thải không có bể chứa và thoát nước thải nên gây ô nhiễm trầm trọng hơn. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cảng cá, đảm bảo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường trước lúc thực hiện bàn giao công trình đưa vào sử dụng”, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quảng Trị.

Xem thêm
Tôm hùm, cá biển chết ở Phú Yên không phải do dịch bệnh

Tôm hùm, cá biển chết ở vùng nuôi thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) không phải do dịch bệnh mà do môi trường vùng nuôi thiếu oxy.

Ngư dân làm gì khi thiết bị giám sát hành trình mất kết nối?

Để ngư dân vươn khơi bám biển, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đang nỗ lực hỗ trợ bà con trong thời gian mất kết nối thiết bị giám sát hành trình.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Giải cứu đồi mồi dứa nặng 6,2kg

Ngày 19/5, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang bàn giao 1 cá thể đồi mồi dứa (vích) cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.