| Hotline: 0983.970.780

Công ty Cấp nước Ninh Thuận 'gây khó' ký kết hợp đồng cung cấp nước thô

Thứ Hai 03/04/2023 , 17:44 (GMT+7)

Công ty Thủy lợi Ninh Thuận cho rằng, Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận "gây khó" việc ký kết hợp đồng cung cấp nước thô và đòi hỏi không có cơ sở pháp lý.

Đến bao giờ Công ty CP cấp nước Ninh Thuận mới ký kết hợp đồng cung cấp nước thô?

Nhiều lần làm việc trực tiếp giữa Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Ninh Thuận (gọi tắt Công ty Thủy lợi Ninh Thuận) và Công ty CP cấp nước Ninh Thuận về việc ký kết hợp đồng cung cấp nước thô năm 2023 nhưng cả hai bên đàm phán không đạt kết quả.

Đến nay, Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận vẫn chưa ký kết hợp đồng cung cấp nước thô với Công ty thủy lợi Ninh Thuận theo quy định. Ảnh: KS.

Đến nay, Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận vẫn chưa ký kết hợp đồng cung cấp nước thô với Công ty thủy lợi Ninh Thuận theo quy định. Ảnh: KS.

Theo Công ty thủy lợi Ninh Thuận thì Công ty CP cấp nước Ninh Thuận vẫn gây khó khăn trong quá trình thương thảo, ký kết hợp đồng nên việc ký kết cung cấp nước thô vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, để cung cấp nước thô, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận đã lắp đặt xong đồng hồ đo lưu lượng nước tại vị trí trạm bơm thượng lưu đập Lâm Cấm - nhà máy nước Tháp Chàm theo yêu cầu Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận. Tuy nhiên với yêu cầu, đòi hỏi không có cơ sở pháp lý và quy định của pháp luật thì Công ty Thủy lợi Ninh Thuận không thực hiện được.

Cụ thể, Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận yêu cầu nước thô phải xét nghiệm đủ chuẩn theo 36 chỉ tiêu nằm trong giới hạn cột A2 QCVN: 08:2015 của Bộ Tài nguyên Môi trường - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Công ty thủy lợi Ninh Thuận lắp đặt xong đồng hồ đo lưu lượng nước tại vị trí trạm bơm thượng lưu đập Lâm Cấm - nhà máy nước Tháp Chàm. Ảnh: KS.

Công ty thủy lợi Ninh Thuận lắp đặt xong đồng hồ đo lưu lượng nước tại vị trí trạm bơm thượng lưu đập Lâm Cấm - nhà máy nước Tháp Chàm. Ảnh: KS.

Trong khi đó, QCVN 08:2015 quy định giới hạn 36 thông số chất lượng nước mặt, không bắt buộc phải thực giám sát đầy đủ 36 thông số và cột A2 QCVN: 08- 2015 BTNMT là quy định dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý. Do vậy vấn đề này không thuộc trách nhiệm của Công ty Thủy lợi Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, dịch vụ cung cấp nước thô cho sinh hoạt và công nghiệp do Công ty Thủy lợi thực hiện là cấp tạo nguồn, cung cấp cho Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận với mức giá 900 đồng/m3 là căn cứ theo Quyết định số 134/2017/QĐ. UBND ngày 11/12/2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên việc Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận yêu cầu giảm sản lượng nghiệm thu nước thô (theo tỉ lệ %) so với chỉ số trên đồng hồ đo lưu lượng nước, do hao hụt, xử lý, tuần hoàn nước 2 lần, thất thoát nước cũng không có cơ sở pháp lý, quy định pháp luật để đáp ứng nội dung yêu cầu này...

Theo Công ty Thủy lợi Ninh Thuận, việc thu tiền sản phẩm dịch vụ thủy lợi của Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận là đúng theo quy định tại Khoản 2, Điều 37 Luật Thủy lợi năm 2017. Và, từ khoản thu này, Công ty có thêm nguồn để chủ động phục vụ các nhiệm vụ quản lý, khai thác và tu sửa các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý.

Công ty CP cấp nước Ninh Thuận tự ý thay đổi 2 nội dung ĐTM

Trước vụ việc trên, ngày 15/2 vừa qua, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chủ trì tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc trong việc ký hợp đồng cung cấp nước thô.

Tỉnh Ninh Thuận nhiều lần có cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc tuy nhiên đến nay 2 bên vẫn chưa ký hợp đồng cung cấp nước thô. Ảnh: KS.

Tỉnh Ninh Thuận nhiều lần có cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc tuy nhiên đến nay 2 bên vẫn chưa ký hợp đồng cung cấp nước thô. Ảnh: KS.

Đến ngày 27/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đã chủ trì cuộc họp để nghe các ý kiến giữa 2 Công ty và có kết luận tại Thông báo số 67 9/3/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo đó, Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu quy định, hồ sơ môi trường liên quan của 2 Công ty, các giấy phép khai thác sử dụng nước, có ý kiến hướng dẫn cụ thể, khẳng định trách nhiệm phải quan trắc, xử lý nguồn nước, các thủ tục về môi trường mà từng Công ty phải thực hiện theo quy định.

Đồng thời rà soát, kiểm tra hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường nhà máy nước Tháp Chàm và các hồ sơ liên quan, xem xét sự phù hợp, việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường và các quy định pháp luật hiện hành đối với việc xử lý, tuần hoàn nước 2 lần tại nhà máy nước Tháp Chàm…

Đến ngày 14/3, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận về hướng dẫn thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước mặt. Trong văn bản này đã hướng dẫn Công ty Thủy lợi Ninh Thuận thực hiện quan trắc (12 chỉ tiêu), báo cáo kết quả quan trắc các thông số: pH, DO, TSS, COD, BOD5, P-PO43-, N-NH4+, N-NO2- , N-NO­3­-, Fe, tổng dầu mỡ và Coliform theo Quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1 (đối với nguồn nước dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi) về Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Riêng Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sông Cái Phan Rang (36 chỉ tiêu), gồm: pH, SS, BOD5, COD, Fe, Cu, Mn, Pb, PO43-, tổng Phospho, tổng Nitơ, Coliform theo Quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A2 (đối với nguồn nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp) và báo cáo hàng quý về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Đến ngày 16/3, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận. Trong văn bản này cho thấy qua kiểm tra, rà soát, Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận tại nhà máy nước Tháp Chàm có 2 nội dung thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt.

Qua rà soát, kiểm tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường Ninh Thuận tại nhà máy nước Tháp Chàm cho thấy, Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận tự ý thay đổi 2 nội dung trong DTM. Ảnh: KS.

Qua rà soát, kiểm tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường Ninh Thuận tại nhà máy nước Tháp Chàm cho thấy, Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận tự ý thay đổi 2 nội dung trong DTM. Ảnh: KS.

Một là, theo quy trình xử lý nước cấp của nhà máy nước Tháp Chàm tại báo cáo ĐTM được phê duyệt thì vị trí tiếp nhận nước thải (được tuần hoàn tái sử dụng) từ bể lắng bùn (bể này tiếp nhận hỗn hợp bùn, nước thải phát sinh từ quá trình lắng cặn tại các bể lắng lamen, bể lọc nhanh; nước rửa lọc và vệ sinh bể để tách hỗn hợp này thành cặn và nước) là “bể trộn” (đặt phía sau thiết bị đo lưu lượng và đo độ đục của nguồn nước lấy từ sông Cải cấp cho Nhà máy nước Tháp Chàm).

Tuy nhiên hiện Công ty thay đổi vị trí tiếp nhận nguồn nước thải này từ xả vào “bể trộn” sang xả vào “mương dẫn nước lấy từ sông Cái cấp cho nhà máy nước Tháp Chàm” (điểm xả này nằm trước trạm bơm cấp I, cách bờ sông Cái khoảng 5 m và trước thiết bị lưu lượng và đo độ đục).

Theo Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận lý do thay đổi vị trí tiếp nhận nguồn nước thải này là để thiết bị đo được độ đục của nguồn nước lấy từ sông Cái cấp cho nhà máy nước và nguồn nước thải từ bể lắng bùn sau khi hoà trộn với nhau để việc xử lý độ đục tại các công đoạn phía sau của nhà máy cho đúng thực tế.

Mặt khác, qua rà soát, báo cáo ĐTM được phê duyệt chỉ mô tả sơ đồ quy trình tuần hoàn tái sử dụng nguồn nước thải từ bể lắng bùn, không có số liệu về lượng nước tuần hoàn, tái sử dụng hằng ngày của nguồn nước thải từ bể lắng bùn. Thế nhưng theo báo cáo của Công ty, tổng lượng nước thải phát sinh từ bể lắng bùn hàng ngày được tuần hoàn tái sử dụng khoảng 4.000 m3/ngày.

Hai là, Công ty này là thay đổi phương án thoát nước mưa từ “thoát ra sông Cái” sang thải đổ vào “mương dẫn nước thải từ bể lắng bùn” để tận dụng nguồn nước mưa cấp cho nhà máy nước Tháp Chàm xử lý thành nước sạch cấp cho sinh hoạt.

Tại biên bản cuộc họp ngày 23/3 tại Công ty thủy lợi Ninh Thuận với sự tham gia 2 Công ty cùng đại diện các Sở NN-PTNT, Tài Chính, Tư Pháp và Tài Nguyên và Môi trường, đại diện Sở Tư pháp có ý kiến: “Việc Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận tự ý thay đổi vị trí tiếp nhận nguồn nước thải mà chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là không đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét hướng xử lý đối với vấn đề này”.

Liên quan vấn đề trên, Công ty thủy lợi Ninh Thuận đã có báo cáo tại Văn bản số 149 ngày 27/3/2023 đến Sở Tài chính đề nghị xem xét, hướng dẫn 2 Công ty thực hiện. Bởi theo Công ty Thủy lợi Ninh Thuận việc chậm ký kết hợp đồng cung cấp nước thô năm 2023 của Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận sẽ làm khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị. Do đó, vấn đề này Công ty Thủy lợi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của tỉnh quan tâm hướng dẫn giải quyết để đảm bảo hài hòa lợi ích của 2 Công ty, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.