| Hotline: 0983.970.780

Dân khát bên công trình nước sạch trên trăm tỷ đồng

Thứ Ba 13/12/2022 , 16:00 (GMT+7)

Mặc cho Bí thư tỉnh ủy Kon Tum ra “tối hậu thư” nhưng đến nay, công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, Kon Tum) vẫn… “dậm chân tại chỗ”.

Dự án nhà máy nước sạch chậm tiến độ hơn 3 năm.

Dự án nhà máy nước sạch chậm tiến độ hơn 3 năm.

3 năm “lỗi hẹn”

Năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án cấp nước sinh hoạt huyện Sa Thầy. Theo đó, công trình này có tổng mức đầu tư 116 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, công suất 5.100 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho hơn 27.000 hộ dân tại 3 xã Sa Bình, Sa Nghĩa, Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy, thuộc huyện Sa Thầy. Công trình này được giao cho Ban Quản lý các dự án 98 làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019.

Dự án này khi triển khai đã nhận được rất nhiều kỳ vọng, bởi nơi đây hay xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô. Đây được đánh giá là công trình lớn và hết sức thiết thực, đặc biệt là đối với vùng luôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng như ở các địa phương nêu trên.

Ông Tô Văn C, một người dân ở xã Sa Nghĩa chia sẻ: “Ban đầu, người dân chúng tôi rất vui khi được biết sẽ có công trình cung cấp nước sạch để bà con trên địa bàn có nước phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Ai cũng hồ hởi đợi đến ngày được mở van là sẽ có nước sạch, thoát cảnh thiếu nước từ trước đến nay”. Tuy nhiên, sau nhiều lần công trình được gia hạn thì đến nay, người dân nơi đây vẫn… dài cổ chờ nước sạch để sử dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra tiến độ dự án nhà máy nước sạch huyện Sa Thầy.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra tiến độ dự án nhà máy nước sạch huyện Sa Thầy.

Trong chuyến đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý tình trạng chậm tiến độ tại công trình cấp nước sạch Sa Thầy vào ngày 20/7/2022, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đã nhắc nhở việc triển khai, bàn giao công tình chậm tiến độ. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã lưu ý: Chậm nhất đến ngày 15/8, công trình sẽ được vận hành, bàn giao cho huyện Sa Thầy, nếu chủ đầu tư không hoàn thành đúng hẹn, tỉnh sẽ tiến hành xử lý. Tuy nhiên đến ngày 13/12/2022, UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết, công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy vẫn chưa được bàn giao chính thức cho địa phương.

Ngoài chậm tiến độ, dự án này còn phát hiện hàng loạt lỗi. Trung tâm Môi trường  và Dịch vụ đô thị (thuộc UBND huyện Sa Thầy) cho biết, quá trình vận hành thử đến thời điểm ngày 11/12/2022, tuyến đường ống dẫn nước của công trình này vẫn chưa thực sự ổn định, gặp các sự cố như bục mối hàn, rò rỉ nước… Ngoài ra, người dân nơi đây trong quá trình đào lấp, xây dựng các công trình khác cũng đã làm hư hỏng đường ống dẫn nước của công trình này.  

Cách chức Trưởng ban Quản lý dự án

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Kon Tum khóa 12, nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra mới đây, công trình cấp nước sinh hoạt huyện Sa Thầy đã được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm, nhiều đại biểu đã nghiêm túc chất vấn về tiến độ thi công đối với công trình này. Trả lời các đại biểu, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, hiện Chủ đầu tư đã tạm bàn giao công trình nhà máy nước Sa Thầy. Dự kiến chủ đầu tư sẽ bàn giao chính thức cho địa phương (huyện Sa Thầy) vào tháng 12/2022.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, nguyên nhân nhà máy nước Sa Thầy chậm tiến độ là do có tới hơn 800 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Dự án cũng được đầu tư trên địa bàn phức tạp, ảnh hưởng đến thi công. Khi vận hành thử xảy ra rò rỉ đường ống, bục mối hàn….,tuy nhiên do đường ống dài 60km nên công tác khắc phục mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, sau khi hoàn thiện, nhà máy nước bị sét đánh làm cháy tủ điện.

UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, trách nhiệm để dự án chậm trễ đưa vào khai thác, sử dụng thuộc về Trưởng ban Ban quản lý các dự án 98.

Hơn 27.000 hộ dân mong mỏi dự án nước sạch.

Hơn 27.000 hộ dân mong mỏi dự án nước sạch.

Đại biểu A Thái, Tổ đại biểu huyện Sa Thầy nêu quan điểm: Trong buổi làm việc tại huyện Sa Thầy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum- ông Lê Ngọc Tuấn yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành và bàn giao công trình cho huyện trước ngày 15/8, nếu không hoàn thành thì tỉnh sẽ xử lý, kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Đến hết tháng 11/2022, một số khu vực tại thị trấn Sa Thầy và các xã lân cận đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tuy nhiên người dân vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Tại Nghị trường, đại biểu A Thái nhấn mạnh: “Đề nghị UBND tỉnh cho biết, khi nào dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động, đã xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư chưa”?

Trả lời chất vấn của đại biểu A Thái, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trách nhiệm để chậm trễ trong việc đưa dự án vào hoạt động thuộc về Trưởng ban Ban quản lý các dự án 98. Đến nay, UBND tỉnh đã xử lý trách nhiệm của Trưởng ban Ban Quản lý các dự án 98 với hình thức cho thôi giữ chức Trưởng ban và đã chuyển công tác khác. “Chủ đầu tư dự kiến bàn giao công trình trong tháng 12/2022. Trưởng ban Ban Quản lý các dự án 98 là ông Phan Thanh Hùng cũng đã bị cho thôi chức Trưởng ban”- trong phần trả lời với đại biểu A Thái, ông Nguyễn Ngọc Sâm đã cho biết như trên.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đã ra “tối hậu thư”: Nếu đến cuối tháng 12/2022, Chủ đầu tư không hoàn thành dự án, người dân không có nước sạch để dùng, đề nghị UBND tỉnh xem xét kiểm điểm, kỷ luật các đơn vị liên quan.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.