| Hotline: 0983.970.780

Cu Ba, chuyện của người trong cuộc: Cuộc sống bên trong ốc đảo

Thứ Ba 23/12/2014 , 14:02 (GMT+7)

Taxi là một khái niệm xa xỉ ở đây. Giá taxi ở Cu Ba cứ đi mỗi km tương đương một đô la Mỹ nhưng khách nào lên tính khách ấy, cả nhóm cùng đi vẫn tính tiền theo công thức mỗi khách một cây số, một đô la.

Bao vây, cấm vận ngặt nghèo đã biến Cu Ba trở thành một ốc đảo biệt lập với thế giới suốt mấy chục năm ròng. Ở đó có những câu chuyện lạ lẫm mà rất nhiều người chưa được biết.

Taxi rơi cả cửa

Chặng đường từ thủ đô La Habana về tỉnh Santi vượt hơn 500 km cao tốc với 6 làn đường, cao ốc rồi làng mạc cứ vùn vụt qua cửa kính nhanh như chớp. Đường sá ở Cu Ba thường rộng thênh thang do quy hoạch theo kiểu Liên Xô cũ nhưng lại có rất ít ô tô nên không bao giờ bị tắc.

Giao thông tốt nhưng do chính sách cấm vận nên phương tiện đi lại của Cu Ba còn tồi tàn hơn cả Việt Nam những năm đầu thập niên 80 (TK XX). Xe ca cũ mèm dành cho khách đường dài còn cánh công nhân thường là ngồi chật kín trong các thùng xe tải.

Taxi là một khái niệm xa xỉ ở đây. Giá taxi ở Cu Ba cứ đi mỗi km tương đương một đô la Mỹ (21.000 đồng) nhưng khách nào lên tính khách ấy, cả nhóm cùng đi vẫn tính tiền theo công thức mỗi khách một cây số, một đô la.

Một dịp, chúng tôi hai người nam đã tế nhị nhường ghế cho một đồng nghiệp nữ để chị ngồi cạnh cửa xe. Ô tô vừa chạy được một lúc bỗng nghe “xoảng” một cái. Ngoảnh lại, nắng gió thông thốc ùa vào còn mặt người đồng nghiệp nữ cắt cũng không ra nổi một giọt máu. Cánh cửa bên phía cô đã rơi tự lúc nào. Người lái xe phanh lại, nhặt cửa xe lên lắp vào rồi điềm nhiên đi tiếp.

Thời chiến tranh chống Mỹ, Việt Nam từng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Cu Ba từ đường, sữa, máu khô (dùng trong cấp cứu) đến hạ tầng giao thông, bệnh viện, khách sạn. Tình nghĩa ấy không thể nào quên.

Dân Cu Ba chủ yếu là người gốc Tây Ba Nha. Trước đây, Cu Ba được Liên Xô giúp đỡ rất nhiều từ quy hoạch đồng ruộng, kênh mương, giao thông nội đồng đến máy móc cỡ lớn. Khi Liên Xô sụp đổ, viện trợ không còn, hệ thống này đã xuống cấp khá nhiều.


Máy móc trên nông trường

Đến Cu Ba mới thấy cái máu thèm đất cố hữu của người Việt Nam lại trỗi dậy, rần rật trong người. Một công nhân nông trường trung bình canh tác 15-20 ha còn một nông dân tối thiểu cũng có 13 ha và tối đa không được quá 50 ha.

Ở đây người ta trồng một vụ bỏ hóa hai ba vụ rồi mới trồng lại bởi quảng canh, không có phân bón hữu cơ còn phân vô cơ phải nhập khẩu giá đắt nên đây cũng là cách để cho đất nghỉ, phục hồi.

Gieo hạt, phun thuốc bằng máy bay

Pinar del Rio là một tỉnh thuộc miền Tây của Cu Ba với dân số 152.200 người được chọn là địa phương chính để triển khai Dự án hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo Việt Nam - Cu Ba từ năm 2011.

Có hai hình thức sản xuất ở đây là nông trường và HTX. Nông trường có nhiều máy móc được tài trợ từ thời Liên Xô còn HTX thì hầu như không. HTX phải dựa vào nông trường để có máy móc còn hộ nông dân lại dựa vào HTX để có thể thực hiện các khâu làm đất, thu hoạch đến bán sản phẩm.

Được quy hoạch khá tốt với bờ lô chính trên đồng hai ô tô tải tránh nhau thoải mái, dọc theo bờ là mương nước rộng 4-5 m, hệ thống mương nhỏ dẫn vào ruộng rộng ít nhất cũng 1m.

Đồng ruộng bao la đủ để người ta làm đất, thu hoạch, vận chuyển bằng máy móc công suất lớn. Đồng ruộng bao la đủ để người ta gieo giống, bón phân, phun thuốc trừ cỏ, phòng trừ sâu bệnh hầu hết bằng máy bay.

Máy bay gieo hạt, bón phân, phun thuốc xuống rộng cũng đồng thời gieo, bón, phun luôn lên cả đường sá, mương máng kia nên lượng vật tư tăng khoảng 30% so với làm ở dưới mặt đất.


Chuyên gia Nguyễn Hùng (dưới) trong một buổi đi dân vận

Thóc thu hoạch từ các lô thửa đều đưa thẳng về các nhà máy sấy công nghiệp chạy bằng dầu hoặc điện có công suất 120-130 tấn/ngày. Đất đai khá tốt, khí hậu đặc biệt phù hợp với gieo trồng lúa quanh năm với nhiệt độ trung bình 21-28 độ C, độ ẩm trung bình 71-81% đặc biệt thời gian chiếu sáng trong ngày từ tháng 4 đến tháng 8 có ngày lên tới 13 tiếng. Đã từng đi nhiều nước nhưng chưa ở đâu có điều kiện tuyệt vời để canh tác lúa như ở đây. Trời phú nó hợp với lúa như ở Đồng bằng sông Cửu Long của ta vậy.

Đồng ruộng tuyệt vời, máy móc to lớn nhưng bởi sản xuất theo kế hoạch hóa nên thường người ta không lường hết được sự cố bất ngờ xảy ra như thời tiết, như dịch bệnh... Mọi vật tư đều được lên kế hoạch cả năm trước nên lúc cần bón phân thì không có phân bởi chưa hình thành thị trường tự do, phân bón đều do nhà nước quản.

Khi có rầy phá hoại, cần thuốc trị nhưng nếu không có trong kế hoạch thì phải điều chuyển từ nơi khác về (thường là rất chậm trễ) hoặc đành chịu. Bởi thế diện tích mở ra nhiều mà năng suất lúa chỉ lẹt đẹt 2,2-2,4 tấn/ha.

Chửi rồi lại cảm ơn

Chúng tôi được bố trí ở trong một khu nhà khá tốt với phương tiện đi lại là xe máy mang từ Việt Nam sang và xe ô tô bán tải. Chuyên gia Việt Nam đã phối hợp với điều phối viên phía bạn và lãnh đạo các đơn vị tham gia dự án xây dựng kế hoạch sản xuất, chăm sóc lúa, cùng bàn bạc tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất để đưa ra giải pháp thực hiện.


Giảng cho bà con nghe

Tiêu chí của chúng tôi phải là đồng ruộng bằng phẳng, liền vùng, chủ động được nước tưới. Kế hoạch chăm sóc lúa trong mô hình được lên theo hằng tuần, hằng tháng.

Có hai kỹ thuật làm đất: khô và ướt. Làm đất khô là cày phá đất, băm nhỏ, san phẳng, bón phân lót, vùi phân, đánh rãnh thoát, cho nước vào rồi gieo. Làm đất ướt là cày phá đất, cho nước vào lồng lần một, ngâm ruộng trong nước 15-20 ngày, lồng lần hai rồi gieo hạt.

Thường các đơn vị chủ yếu áp dụng phương pháp làm đất khô nhưng do khó khăn về máy móc, xăng dầu nên không thể thực hiện được đúng yêu cầu, mặt ruộng không phẳng, rơm rạ chưa kịp phân hủy.

Vì phải thay đổi tập quán canh tác nên mỗi năm chúng tôi tập huấn cho khoảng 500-600 người. Tập huấn ở hội trường thường rất khó khăn do thiếu phương tiện đi lại. Công nhân dậy từ 6h sáng leo lên thùng ô tô tải từ nhà đến chỗ làm khoảng 15-20 km là đúng 8 h.

Lôi bánh mì ra ăn xong một lúc mới xuống đồng rồi lại chờ 11h30 leo lên xe tải để về. Chiều trên đồng tịnh không một bóng người.

Tôi đã từng gặp lãnh đạo Bộ Nông nghiệp của Cu Ba để phản ánh chuyện công nhân nông trường làm việc không quá 3 tiếng mỗi ngày sao có năng suất. Ông gật gù bảo vì chưa có chính sách thỏa đáng...


Chuyên gia Nguyễn Hùng (đứng giữa)

Nếu xe tải hỏng, nhiều ngày trên cánh đồng rộng cả ngàn ha chỉ có bóng hai chuyên gia Việt Nam. Chúng tôi đốc thúc công nhân phát bờ lô, bờ thửa, điều khiển nước nhiều người còn mắng: “Chúng mày là cái gì mà bắt tao phải khổ thế?”.

Sau này, Chính phủ Cu Ba có cơ chế thưởng theo sản phẩm, năng suất lao động tăng, tiền thưởng người ít cũng được 18.000 pê sô (tương đương 18 triệu đồng), người nhiều được tới 50.000 pê sô (tương đương 50 triệu đồng) mỗi vụ thì ai cũng tranh nhau mời chuyên gia Việt Nam đi liên hoan, đi nghỉ mát.

Hỏi: “Có còn chửi mắng chuyên gia nữa không?” thì ai nấy đều bảo: “Giờ chúng tao hiểu rồi, cảm ơn nhiều nhiều nhé”.

(*) Kỹ sư Nguyễn Hùng nguyên là cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT). Ông vừa trở về Việt Nam sau khi có thời gian công tác 2 năm tại tỉnh Santi và Pinar (Cu Ba).

NGUYỄN HÙNG (*)

Xem thêm
Tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thu hồi 139 mã vùng trồng và 192 mã nhà đóng gói vi phạm quy định

Năm 2024, các cơ quan chức năng đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói nhưng cũng thu hồi nhiều mã vùng trồng, nhà đóng gói vi phạm quy định.

Dự kiến thông đèo nối Nha Trang - Đà Lạt vào chiều 17/12

Khánh Hòa Sau khi kích nổ phá khối đá khổng lồ chắn ngang đường do sạt lở, lực lượng chức năng nỗ lực thi công cả ngày lẫn đêm, dự kiến chiều 17/12 thông đèo Khánh Lê.