| Hotline: 0983.970.780

Cửa khẩu Lào Cai rút ngắn thời gian thông quan, ưu tiên nông sản tươi

Thứ Ba 27/06/2023 , 19:31 (GMT+7)

Tỉnh Lào Cai ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đặc biệt là mặt hàng nông sản tươi đang vào mùa vụ.

Những chuyến xe chở vải thiều từ Bắc Giang được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Những chuyến xe chở vải thiều từ Bắc Giang được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Ưu tiên xuất vải thiều, tránh nắng nóng 

7h sáng, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) đã nhộn nhịp, những xe chở vải thiều đi xuyên đêm đã có mặt tại đây, chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mặt hàng vải thiều được ưu tiên số 1 tại cửa khẩu này, trong thời điểm thu hoạch chính vụ loại quả của bà con nông dân Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… đang diễn ra.  

Chất lượng vải thiều năm nay cao hơn, cùi dày, mọng nước, hạt nhỏ và mẫu mã đẹp do người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP...

Ông Vũ Văn Dỹ, thương nhân có thâm niên tại cửa khẩu Kim Thành, từ sớm đã đón những chuyến xe vải thiều từ Bắc Giang lên. Số vải thiều này do ông tự tới nhà vườn thu mua, đặt hàng sau đó làm thủ tục thông quan để xuất khẩu và đưa sang nước bạn để bán tại bãi Phú Quý, chợ Bắc Sơn của Hà Khẩu (Trung Quốc).

“Mặt hàng của chúng tôi được ưu tiên so với các mặt hàng khác, do quả vải tươi không bảo quản được lâu, nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay. Các thủ tục để xuất được vài thiều sang Trung Quốc nhanh và thuận lợi, trong đó có cả khâu kiểm dịch và tờ khai hải quan thì làm trực tuyến, không phải chạy đi chạy lại như những năm trước đây”, ông Vũ Văn Dỹ cho hay.

Sau khi xe hàng sang đến nơi được đưa vào chợ, ông Dỹ sang Hà Khẩu để giao dịch trực tiếp với bạn hàng. Quả vải tươi khá được ưa chuộng tại đây vì thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, giá mặt hàng này lên xuống theo ngày nên thương lái phải bám sát mỗi chuyến hàng. 

Ông Trần Văn Hoàng, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 cho hay, Chi cục đã tăng cường, tập trung nhân lực ưu tiên kiểm dịch mặt hàng quả vải tươi xuất khẩu để mặt hàng này được thông quan sớm để tránh nắng nóng, làm giảm chất lượng.

Ngoài ra, cơ quan kiểm dịch thực vật chủ động phối hợp với các cơ quan triển khai hệ thống ECERT để trao đổi các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật điện tử rút ngắn các thủ tục thông quan hàng hóa nông sản.

Vải thiều tươi mặt hàng được ưu tiên số 1 tại cửa khẩu Kim Thành trong thời điểm mùa vụ ở Bắc Giang. Ảnh: Hải Đăng.

Vải thiều tươi mặt hàng được ưu tiên số 1 tại cửa khẩu Kim Thành trong thời điểm mùa vụ ở Bắc Giang. Ảnh: Hải Đăng.

Giảm thời gian thông quan, đúng quy định pháp luật

Ông Vũ Ngọc Nam, Công ty Xuất nhập khẩu An Nguyên (Lào Cai) cho biết, đối với việc xuất khẩu nông sản đặc biệt là vải thiều tươi sang Trung Quốc, yếu tố thời gian rất quan trọng bởi khi hàng sang sớm thì sẽ được giá hơn, doanh nghiệp có lợi hơn. 

“Xe hàng thông quan xong và ra bãi trước 10h Việt Nam (11h Trung Quốc) thì có thể đi sâu vào trong nội địa nước bạn. Khi hàng sang sớm thì kịp đi chợ sớm, còn buổi chiều mới thông quan, tối đêm mới bốc hàng thì sáng hôm sau mới đi tới các chợ đầu mối, buổi trưa mới đến nơi thì nhỡ mất một ngày.

Trong khi qua một ngày chất lượng quả vải đã khác vì vải để thùng xốp đóng đá cũng chỉ giữ được khoảng 2,5 ngày. Do vậy, việc rút ngắn thời gian làm thủ tục giấy tờ, thông quan rất có lợi cho doanh nghiệp”, ông Vũ Ngọc Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nam, giá vải tươi lên xuống theo ngày, có thời điểm lên 45 nghìn đồng/kg nhưng có ngày chỉ hơn 20 nghìn đồng/kg, có thời điểm mua vải thiều ở Hà Khẩu còn rẻ hơn vải ở Bắc Giang nhưng người buôn lớn ít khi để điều này xảy ra. 

Ông Dương Xuân Sinh, Cục phó Cục Hải quan Lào Cai cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu qua địa bàn Lào Cai, Cục Hải quan Lào Cai triển khai rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ, giảm thiểu thời gian thông quan, đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật trong quá trình xuất nhập khẩu. 

Thời gian gần đây, vụ vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc, cơ quan hải quan phối hợp Ban quản lý cửa khẩu, bộ đội biên phòng, kiểm dịch chủ động bố trí phân luồng ưu tiên cho vải thiều xuất khẩu, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đảm bảo xe vải thiều đã được đưa lên cửa khẩu Kim Thành có thể xuất khẩu ngay.

Về thủ tục hải quan xuất khẩu vải thiều thực hiện chung như các mặt hàng khác, doanh nghiệp tự mở tờ khai trên hệ thống hải quan điện tử trên cơ sở đó hệ thống hải quan điện tử tiếp nhận tờ khai và giải quyết thủ tục theo quy định của Luật Hải quan. Cho đến thời điểm này, không phát sinh vướng mắc về thủ tục hải quan đối với vải thiều. 

Các mặt hàng nông sản được phân luồng, không xảy ra tình trạng ùn ứ như trước đây. Ảnh: Hải Đăng.

Các mặt hàng nông sản được phân luồng, không xảy ra tình trạng ùn ứ như trước đây. Ảnh: Hải Đăng.

Tiếp nhận, giải quyết thủ tục tại điểm duy nhất 

Với sự hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu, nên thời gian qua hàng hóa qua tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành không xảy ra hiện tượng ùn tắc, nhất là thời điểm nắng nóng. Thông tin, tình hình hoạt động thông quan tại cửa khẩu thường xuyên được cập nhật để cá nhân, doanh nghiệp cũng như các Bộ, ngành, địa phương nắm bắt, chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phối hợp điều tiết lượng hàng hóa xuất khẩu lên cửa khẩu Lào Cai. 

Tỉnh Lào Cai cũng thường xuyên liên hệ, trao đổi với Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc), tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường, cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc (đặc biệt là quy định mới tại Lệnh 248 và 249 của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc) để thông tin cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai bố trí 3 kho bãi tập kết hàng hóa và bãi đỗ xe rộng khoảng 5ha cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại cửa khẩu Kim Thành đã được đưa vào hoạt động. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đối với phương tiện thực hiện giao dịch, nộp hồ sơ và nhận kết quả tại đây thay vì phải di chuyển nhiều địa điểm như trước.

Ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Quản lý cửa khẩu (Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai) cho biết, việc trung tâm đi vào hoạt động và bố trí các lực lượng cùng làm việc tại một khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như là các cơ quan tham gia  quản lý cửa khẩu. Các vấn đề vướng mắc cần trao đổi giữa các cơ quan tại đây thì được các đơn vị trực tiếp trao đổi trong tòa nhà trung tâm, không phải đi các khu vực hoặc liên lạc trao đổi qua các ngành.

Mặt khác, đây là tiền đề đầu tiên xây dựng cửa khẩu số sau khi thực hiện kết nối dữ liệu của các Bộ, ngành có liên quan như dữ liệu của doanh nghiệp và Tổng cục Hải quan, dữ liệu về nhân thân và con người… sẽ đưa vào để vận hành cửa khẩu số rút ngắn thời gian thông quan.

Liên quan việc soi chiếu hàng hóa nhập khẩu, ông Dương Xuân Sinh, Cục phó Cục Hải quan Lào Cai cho biết, việc lựa chọn phương tiện đưa vào soi chiếu của cơ quan hải quan là do hệ thống hải quan điện tử tự động lựa chọn ngẫu nhiên theo các tiêu chí quản lý rủi ro, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Và danh sách này được Tổng Cục Hải quan chuyển xuống cho đơn vị soi chiếu của Cục Hải quan Lào Cai thực hiện.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.