| Hotline: 0983.970.780

Cục Bảo vệ thực vật thống nhất biện pháp quản lý lúa cỏ

Thứ Ba 09/08/2022 , 17:03 (GMT+7)

Ngày 8/8, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành văn bản hướng dẫn biện pháp kỹ thuật quản lý lúa cỏ (lúa ma). Đây là cơ sở quan trọng để triển khai phòng chống.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), lúa cỏ có nhiều tên gọi khác như lúa ma, lúa hoang, lúa dại… Tại Việt Nam, lúa cỏ đã phát sinh, gây hại ở vùng ĐBSCL từ rất sớm. Trong những năm gần đây, nông dân các tỉnh phía Bắc chuyển từ cấy sang gieo sạ cũng làm cho mật độ lúa cỏ gia tăng.

Theo Cục BVTV, năm 2022, diện tích nhiễm lúa cỏ của cả nước khoảng 2.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh: TL.

Theo Cục BVTV, năm 2022, diện tích nhiễm lúa cỏ của cả nước khoảng 2.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh: TL.

Năm 2022, diện tích nhiễm lúa cỏ của cả nước khoảng 2.000ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc với các mức độ nhiễm khác nhau.

Lúa cỏ sinh trưởng và phát triển rất mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng, ánh sáng với lúa trồng, làm giảm năng suất lúa. Lúa cỏ có thể gây thất thu năng suất từ 15 - 20%, thậm chí mất trắng, đồng thời lây nhiễm ngày càng trầm trọng cho những vụ sau. Ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng làm giảm phẩm chất gạo, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị tiêu dùng và xuất khẩu (chỉ tiêu độ lẫn tạp).

Trước tình hình trên, để thống nhất biện pháp chỉ đạo phòng, chống lúa cỏ, Cục BVTV đã ban hành văn bản hướng dẫn biện pháp quản lý lúa cỏ tổng hợp và phương pháp điều tra, thống kê diện tích nhiễm, làm cơ sở cho các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng, giảm thiệt hại do lúa cỏ gây ra. Cụ thể:

- Chọn giống lúa: Sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng; không để giống lúa đối với ruộng đã bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước; loại bỏ hạt lép, lửng trước khi ngâm ủ.

- Biện pháp canh tác: Chuyển đổi phương thức gieo cấy tại những vùng có tập quán sạ lan (gieo vãi) bị nhiễm lúa cỏ sang sạ hàng hoặc cấy (cấy tay hoặc cấy bằng máy) để giúp dễ dàng nhận biết, làm cỏ, sục bùn, loại bỏ lúa cỏ ngay từ khi cây còn nhỏ.

Những khu vực đã nhiễm lúa cỏ nhiều cần luân canh lúa với cây trồng cạn hoặc cây trồng nước nhưng khác họ để dễ dàng nhận biết, loại bỏ hầu hết lúa cỏ sau 1 - 2 vụ.

Để phòng, chống lúa cỏ, người dân cần sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng; không để giống lúa đối với ruộng đã bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước; loại bỏ hạt lép, lửng trước khi ngâm ủ. Ảnh: TL.

Để phòng, chống lúa cỏ, người dân cần sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng; không để giống lúa đối với ruộng đã bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước; loại bỏ hạt lép, lửng trước khi ngâm ủ. Ảnh: TL.

- Phòng, chống lúa cỏ khi làm đất: Khi cho nước vào ruộng để làm đất, cần đặt lưới chắn hạt lúa cỏ tại đầu đường dẫn nước vào ruộng; nếu có lúa cỏ, hạt thóc lép, lửng trôi dạt vào góc ruộng thì tiến hành vớt đem ra khỏi ruộng và tiêu hủy.

Những ruộng bị nhiễm nặng lúa cỏ ở vụ trước nhưng chưa xử lý được thì đầu vụ sau khi thời tiết thuận lợi, nền nhiệt còn cao, lấy nước và tiến hành lồng bừa nông, san phẳng rồi rút cạn nước ruộng (như gieo mạ) để nhử lúa cỏ nẩy mầm. Khi cây lúa cỏ có 3 - 5 lá, tiến hành lấy nước cày lật úp, làm đất nhuyễn để tiêu diệt ngay khi còn non. Nếu có đủ thời gian, biện pháp này cần làm lặp lại 2 - 3 lần sẽ diệt được hầu hết hạt lúa cỏ bị vùi trong đất.

- Ngăn chặn lây lan lúa cỏ theo máy móc: Cần vệ sinh máy gặt, máy cày để hạt lúa cỏ không theo máy lây lan sang khu ruộng khác, lây từ vùng bị nhiễm lúa cỏ sang vùng không bị nhiễm.

- Nhổ, khử lúa cỏ sau khi mọc:

+ Giai đoạn lúa đẻ nhánh - phân hóa đòng: Những diện tích lúa cấy hoặc sạ hàng tiến hành làm cỏ, kết hợp sục bùn bằng tay, dụng cụ, máy, đồng thời diệt lúa cỏ mọc ngoài khóm, hàng lúa.

+ Những diện tích lúa gieo sạ, đi theo từng lối hoặc băng, quan sát kỹ và nhổ bỏ những cây lúa có đặc điểm khác với giống lúa trồng về kiểu hình (màu sắc thân, màu sắc lá, chiều cao cây, góc lá, độ rộng phiến lá…).

+ Giai đoạn lúa đòng - trỗ: Cắt các bông lúa cỏ khi mới trỗ - ngậm sữa; riêng bông lúa cỏ chắc xanh - chín phải cắt cho vào túi, tránh rơi vãi hạt và đem tiêu hủy (cho gia cầm ăn hoặc đốt). Tuyệt đối không được để bông lúa cỏ đã sắp chín - chín trên ruộng, bờ ruộng hoặc vứt xuống kênh mương dẫn nước.

Việc Cục BVTV ban hành văn bản của Cục BVTV sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương thống nhất biện pháp phòng chống lúa cỏ. Ảnh: Trung Quân.

Việc Cục BVTV ban hành văn bản của Cục BVTV sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương thống nhất biện pháp phòng chống lúa cỏ. Ảnh: Trung Quân.

- Biện pháp sinh học: Khi gặt xong có thể đưa vịt vào ruộng để ăn các hạt lúa rụng trên ruộng, trong đó có cả hạt lúa cỏ. Những ruộng nhiễm nặng lúa cỏ không cho thu hoạch cần tiêu hủy toàn bộ ruộng (cắt cho gia súc ăn hoặc cày vùi), chậm nhất trước khi những bông lúa cỏ trỗ đầu tiên vào giai đoạn ngậm sữa. Khi cày vùi, có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để nhanh phân hủy rơm rạ và hạt lúa cỏ.

- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất Pretilachlor trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và tuân thủ nguyên tắc "4 đúng".

Điều tra và thống kê diện tích nhiễm: Điều tra lúa cỏ ít nhất 10 điểm ngẫu nhiên nằm trên đường chéo của khu vực điều tra. Điểm điều tra phải cách bờ ít nhất 1m.

Đối với số mẫu điều tra của một điểm: Lúa sạ (giai đoạn trước đẻ nhánh: 1 khung 40cm x 50cm/điểm; giai đoạn sau đẻ nhánh: 1m2/điểm); lúa cấy (1m2/điểm).

Đối với quy đổi ra tỷ lệ (%) lúa cỏ: Số cây lúa cỏ/số cây lúa trung bình 1m2 của ruộng điều tra x 100.

Về quy định tỷ lệ (%) nhiễm lúa cỏ để thống kê diện tích nhiễm: Diện tích nhiễm nhẹ tỷ lệ từ 5 - 10% số cây lúa cỏ; diện tích nhiễm trung bình tỷ lệ >10 - 20% số cây lúa cỏ; diện tích nhiễm nặng tỷ lệ >20% số cây lúa cỏ.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.