| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng nguyên liệu lớn cho ngành thức ăn chăn nuôi

Thứ Sáu 28/10/2022 , 12:15 (GMT+7)

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyên người dân tập trung vào những sản phẩm thế mạnh, có sức cạnh tranh để vươn ra thị trường.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ về chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn từ nay đến 2030. Ảnh: BT.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ về chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn từ nay đến 2030. Ảnh: BT.

Tại Tọa đàm "Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả" do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 28/10, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, thức ăn chăn nuôi là một vấn đề lớn, bởi đang chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí sản xuất.

Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu, nhưng nguồn cung trong nước mới đáp ứng khoảng 35%. 

"Hiện nước ta chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn. Cộng thêm vấn đề về thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, nhu cầu về thức ăn công nghiệp rõ ràng là rất lớn", ông Chinh chia sẻ.

Làm rõ hơn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Ngành hạt giống Công ty TNHH Syngenta Việt Nam thừa nhận, năng suất ngô lấy hạt của nước ta mới dừng ở khoảng 5 tấn/ha, chưa bằng một nửa so với năng suất của các nước như Mỹ, Brazil hay Argentina (khoảng 10-11 tấn/ha).

Ngoài giống, các hộ trồng ngô còn gặp rào cản về diện tích. Ông Cường chia sẻ, tại miền núi, diện tích canh tác trung bình của một hộ khoảng 2-3 ha, cao nhất cũng không vượt quá 5ha. Tại đồng bằng, con số này chỉ khoảng 1.000 m2, dẫn đến khó khăn khi sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ.

"Một số vùng tại miền núi, bà con còn chưa có thói quen thu hoạch đúng mùa vụ. Ngô để trên nương quá lâu, dẫn đến chất lượng bị suy giảm", ông Cường nêu thực trạng.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ về một số mô hình trồng ngô sinh khối hiệu quả. Ảnh: BT.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ về một số mô hình trồng ngô sinh khối hiệu quả. Ảnh: BT.

Chăn nuôi được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá là trụ đỡ lớn của nông nghiệp, với mức tăng trưởng bình quân đạt 4,5 – 4,6%/năm trong suốt 10 năm qua. Cũng giai đoạn này, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần.

Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân và 17 triệu khách du lịch hàng năm; góp phần đưa chăn nuôi chiếm 25,2% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp.

Có ý nghĩa quan trọng nhưng ngành chăn nuôi còn gặp nhiều thách thức về dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu và thiên tai, biến động thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, biến động thị trường sản phẩm... Đáng kể và ảnh hưởng sâu rộng hiện nay là tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu giải pháp về tự phối trộn thức ăn cho lợn, gà để giảm chi phí; hay trồng cây ngô sinh khối để ủ chua làm thức ăn cho gia súc.

Dù đem lại nhiều lợi ích, nhưng các hoạt động này ở địa phương còn mang tính tự phát, chất lượng cũng như sản lượng chưa đảm bảo, theo bà Hạnh. "Chúng tôi khuyến cáo và khuyến khích bà con trồng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, theo đúng kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông phổ biến", lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh. 

Việc trồng ngô sinh khối hiện mới phát triển ở một số tỉnh như Đồng Nai, Nghệ An, Sơn La... Các địa phương khác hầu như rải rác, và chưa hình thành rõ nét vùng nguyên liệu lớn.

Tọa đàm do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức tập trung vào những giải pháp cụ thể về giống, quy trình canh tác cho bà con nông dân.

Tọa đàm do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức tập trung vào những giải pháp cụ thể về giống, quy trình canh tác cho bà con nông dân.

Tại Hà Nội, ngành chăn nuôi còn phải giải quyết vấn đề về đô thị hóa. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ, Thủ đô đã quy hoạch không được chăn nuôi tại 4 vùng: các quận nội thành; 4/9 xã của TX. Sơn Tây; 6 thị trấn của 5 huyện ngoại hành; các khu đô thị, nhà cao tầng ở ngoại ô nằm trong quy hoạch. 

Do đó, để giải quyết bài toán thực phẩm cho gần 10 triệu người dân, Hà Nội chủ trương giữ tổng đàn nhưng nâng cao chất lượng vật nuôi. Cụ thể, duy trì ổn định 38-40 triệu gia cầm; 1,6-1,8 triệu lợn. Đồng thời đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và xây dựng những vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung ở các huyện như Ba Vì, Sóc Sơn.

"Sau Covid-19, sức mua toàn dân bị giảm. Người chăn nuôi khó tính được chi phí đầu vào, đầu ra. Có hiện tượng, người nuôi gia cầm ở Hà Nội đã chuyển đổi sang nuôi lợn, trồng hoa màu ngắn ngày. Với tính chất đặc thù của Thủ đô, chúng tôi đã tham mưu Sở NN-PTNT, UBND thành phố tập trung phát triển chăn nuôi những ngành mũi nhọn, thay vì dàn trải", ông Sơn chia sẻ.

Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh đề xuất phương án tập trung sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh. Ví dụ, nước ta có năng lực lớn về sản xuất lúa nước, nhưng trồng ngô quy mô công nghiệp thì thật rõ nét.

"Chiến lược chăn nuôi sẽ chuyển đổi nhiều diện tích đất kém hiệu quả. Chúng ta không thể để tình trạng xuất khẩu 3 tỷ USD lúa gạo nhưng lại nhập khẩu 6 tỷ USD thức ăn chăn nuôi kéo dài. Muốn vậy, bên cạnh chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, người dân còn cần liên kết  chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi", ông Chính phân tích.

Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyến cáo tăng cường nuôi con bản địa, đặc sản. Nếu trồng ngô để giải quyết một phần vấn đề thức ăn chăn nuôi, người dân nên chọn những giống ngô lai chuyển gen có năng suất tốt và kháng bệnh.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.