| Hotline: 0983.970.780

Cúc Phương - Điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên

Thứ Tư 14/02/2024 , 18:33 (GMT+7)

Nếu ví Cúc Phương như “ngôi nhà xanh” thì những người làm công tác bảo tồn tại đây sẽ là những “người giữ nhà” tận tâm.

Vườn Quốc gia Cúc Phương -  Điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên.

Vườn Quốc gia Cúc Phương -  Điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên.

Hơn 60 năm kể từ khi trở thành Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam, dù nằm giữa một vùng đồng bằng với hàng vạn dân sinh sống xung quanh, nhưng nhìn vào rừng Cúc Phương vẫn thấy một màu xanh trùng điệp, với những dải mây trắng mỏng như lụa uốn lượn quấn quanh những đỉnh núi đá, rồi trườn đổ xuống ngập tràn các thung lũng mà chứa đựng bên trong nó là cả một quần hệ thực vật vẫn bốn mùa xanh tốt.

Dấu ấn của những ngày “nguyên sinh”

Với diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Địa hình Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m.

Từ khí hậu nhiệt đới ẩm và đặc điểm cấu tạo địa hình Karst đặc trưng, sinh động, khu rừng nguyên sinh thuộc hàng cổ nhất Việt Nam là nơi cư trú lý tưởng của các loài động vật, kể cả con người từ xa xưa. Bên cạnh đó, địa hình của vườn cũng tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ của thảm thực vật rừng trên núi đá vôi với một vẻ đẹp hoang sơ, say đắm, cuốn hút khiến cho con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ và đầy bí ẩn…

Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam. Tính đến nay đã ghi nhận: 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật.

Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.

Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài Thú, 337 loài Chim, 80 loài Bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài Cá, trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 03 loài đặc hữu là Sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết Cúc Phương và Thằn lằn tai Cúc Phương.

Về động vật không xương sống, có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.

Thiên nhiên hoang dã Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Thiên nhiên hoang dã Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Nơi chở che con người từ thời tiền sử

Cùng với sự đa dạng và phong phú về khu hệ động, thực vật, nói đến Cúc Phương đó còn là một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đến ngày nay.

Đó là các hoá thạch, các hài cốt, các công cụ…trong các hang động, đây chính là những lài liệu quan trọng ghi lại cuộc sống của muôn loài, ghi lại sự biến đổi thăng trầm của lịch sử phát triển địa chất  qua các thời kỳ.

Ở Cúc Phương, các nhà khoa học khảo cổ, lịch sử đã và đang công bố nhiều phát hiện có giá trị đặc biệt, nhất là về cổ sinh học và khảo cổ học, gắn với hệ thống hang động khô.

Trong đó có thể kể đến như: Động Người Xưa, Hang Con Moong…những di chỉ khảo cổ học gắn với người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 7000 đến 12000 năm, đã trở thành những điểm tham quan quen thuộc của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, di tích khảo cổ học Hang Con Moong (con thú) thuộc Vườn, nằm trên địa giới hành chính huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá có giá trị đặc biệt, nổi bật, đang được các cơ quan hữu quan xây dựng hồ sơ để Chính phủ đề nghị Unesco công nhận Di sản Văn hoá Thế giới.

Và cũng trong vùng lõi của khu rừng nguyên sinh đầy bí ẩn này các nhà Khảo cổ học đã tìm thấy trên vách đá một hoá thạch rất rõ nét của một loài động vật cổ xưa có niên đại cách ngày nay khoảng 230 triệu năm…

Với những cứ liệu về khảo cổ học, minh chứng Cúc Phương là nơi cư trú từ hàng nghìn năm trước của người Việt Cổ.

Vì vậy, đến với Cúc Phương là tìm đến cội nguồn của sự sống, cội nguồn của dân tộc. Và thực sự Cúc Phương đã và sẽ mãi là điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên và những giá trị văn hoá dân tộc.

Tương tác, kết nối với cánh rừng qua hàng nghìn năm lịch sử còn phải kể đến các cộng đồng người dân bản địa, trong đó với trên 80% là đồng bào người dân tộc Mường.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường đã để lại một nền văn hoá Mường phong phú, độc đáo và riêng có, mà điển hình là y phục, cồng chiêng, những bài mo như những trường ca sử thi bất tận.

Thiên nhiên hoang dã Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Thiên nhiên hoang dã Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Bảo vệ rừng là sứ mệnh hàng đầu

Năm 2023, Cúc Phương lần thứ 5 liên tiếp được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.

Điều đó cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của các tổ chức quốc tế với 57 cán bộ, nhân viên và người lao động (CBCCVC-LĐ) đang làm việc, công tác tại Vườn.

Nếu ví Cúc Phương như “ngôi nhà xanh” thì những người làm công tác bảo tồn tại đây sẽ là những “người giữ nhà” tận tâm. Dưới tán rừng già họ trân quý rừng như máu thịt, giữ rừng ngày đêm bằng thứ động lực duy nhất đó là tình yêu với đại ngàn.

Trong cuộc gặp tập thể (CBCCVC-LĐ) của Vườn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Giám đốc Nguyễn Văn Chính khẳng định: “Bảo vệ rừng là gốc rễ, là nền tảng và là sứ mệnh hàng đầu”.

CBCCVC-LĐ tại đây luôn thấu hiểu chỉ khi thành công trong việc bảo vệ rừng thì Cúc Phương mới có nền tảng để phát triển các lĩnh vực còn lại như nghiên cứu khoa học, cứu hộ bảo tồn và giáo dục môi trường vì tất cả những lĩnh vực nói trên đều chỉ có thể phát triển, hoạt động tốt khi có những hệ sinh thái rừng bền vững.

Cúc Phương có địa bàn rộng, hiểm trở, bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi, xung quanh vùng đệm có hơn 90.000 người dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và nhiều người còn sống phụ thuộc vào rừng. Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng của Vườn gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, với phương châm là bảo vệ rừng tận gốc, do vậy công tác tuần tra, kiểm soát được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng Kiểm lâm.

Cán bộ, nhân viên và người lao động Vườn Quốc gia Cúc Phương trong cuộc họp trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Cán bộ, nhân viên và người lao động Vườn Quốc gia Cúc Phương trong cuộc họp trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Trong công tác chỉ đạo, Vườn đặc biệt chú trọng việc ngăn chặn các hiện tượng săn bắt, chặt xẻ, buôn bán trái phép động, thực vật rừng, đốt nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng trái phép; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

Nếu trước đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng chủ yếu tập trung vào việc thực thi pháp luật, ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài nguyên nay lực lượng kiểm lâm của Vườn ngoài việc thực thi pháp luật về bảo vệ rừng còn phối hợp với chính quyền địa phương và các trường phổ thông làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng thông qua “Chương trình giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn”.

Bên cạnh đó các Trạm kiểm lâm được tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý (SMART) trong theo dõi diễn biến và hiện trạng tài nguyên động thực vật rừng trên các tuyến tuần tra.

Đây là tài liệu khoa học quan trọng góp phần theo dõi và đánh giá diễn biến tài nguyên rừng cho cả ngắn hạn và dài hạn. Vườn quốc gia Cúc Phương là đơn vị đầu tiên trong các Vườn quốc gia thực hiện Chương trình giám sát đa dạng sinh học sử dụng phần mềm SMART trong quản lý bảo vệ rừng.

Trung tâm bảo tồn thiên nhiên hàng đầu châu Á

Với sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam và từ những kết quả đã đạt được thông qua các chương trình cứu hộ, hợp tác quốc tế đã thực sự đưa vai trò, vị thế của Vườn quốc gia Cúc Phương trở thành một trung tâm bảo tồn hàng đầu châu Á.

Minh chứng rõ nét đó là 3 chương trình cứu hộ mang tầm cỡ châu lục và thế giới là: Bảo tồn các loài Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê; Bảo tồn các loài Rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác (Hươu, nai, các loài trong họ Trĩ, các loài Khỉ …). 

Trong đó, Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam được triển khai từ năm 1993 đến nay, Vườn Quốc gia Cúc Phương hợp tác với Hội động vật Frankfurt, Vườn thú Leipzig trong công tác bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam.

Tại đây đang cứu hộ và bảo tồn trên 180 cá thể của 14 loài và phân loài linh trưởng quí hiếm. Có 12 loài đã cho sinh sản thành công với trên 200 cá thể, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới.

Đó là: Voọc mông trắng, Voọc đầu trắng  và Voọc Chà vá chân xám. Có 6 loài được cứu hộ và chăm sóc duy nhất tại Cúc Phương mà không một nơi nào trên thế giới có cơ hội này.

Đặc biệt, qua điều tra nghiên cứu đã phát hiện thêm được 1 loài mới cho khoa học, đó là loài Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea); tái thả thành công trên 150 cá thể của 5 loài linh trưởng về môi trường tự nhiên.

Cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương tuần tra bảo vệ rừng trong những ngày Tết Giáp Thìn.

Cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương tuần tra bảo vệ rừng trong những ngày Tết Giáp Thìn.

Bên cạnh đó, chương trình Bảo tồn các loài thú ăn thịt và Tê tê được Vườn Quốc gia Cúc Phương hợp tác với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam trong công tác bảo tồn thú ăn thịt và Tê tê.

Đây là chương trình bảo tồn duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu nuôi thành công 2 loài Tê tê châu Á bằng nguồn thức ăn nhân tạo và cho sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt.

Với chương trình Bảo tồn các loài Rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã hợp tác với Tổ chức Bảo tồn rùa Indo – Myanmar trong công tác cứu hộ, bảo tồn các loài rùa nước ngọt và rùa cạn của Việt Nam.

Ngoài ra, Cúc Phương cũng đang triển khai bảo tồn và phát triển nhiều loài động vật quý, hiếm, và thông thường khác như : Chim công Việt Nam, Chim công Ấn Độ, các loài khỉ, hươu, nai, gà rừng, gà Lôi trắng,…

Việc phát triển, nhân nuôi thành công các loài động vật có giá trị kinh tế cao sẽ được triển khai nhân rộng mô hình, cung cấp con giống cho việc phát triển kinh tế và giảm sức ép tới tài nguyên rừng của người dân vùng đệm trong nhiều năm qua.

Điều này đã một lần nữa khẳng định quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết, các công ước về bảo vệ động vật quý hiếm.

Ở góc độ rộng hơn, các chương trình, dự án đã giúp Vườn hoạch định được chiến lược phát triển lâu dài, đồng thời trang bị được một số cơ sở vật chất cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng lực quản lý, trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý và khoa học của Vườn.

Du lịch sinh thái - Hướng đến sự bền vững trong tương lai

Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các thành tựu nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, kết quả công tác cứu hộ bảo tồn, giá trị văn hóa cộng đồng bản địa và đội ngũ nhân sự không ngừng được nâng cao trình độ và kỹ năng, Cúc Phương đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm.

Một trong những nền tảng làm nên bề dày thành tựu trong công tác giáo dục thiên nhiên của Cúc Phương chính là thông qua các sản phẩm du lịch sinh thái. Cánh rừng được nhìn nhận như một “bảo tàng sống”, một “ngôi trường” lớn, nơi các thế hệ học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Chính từ những hoạt động đó, thông điệp nâng cao nhận thức về thiên nhiên được lan toả.

Các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên được Vườn đặc biệt chú ý; thăm Động Người Xưa, các cây cổ thụ, xem chim, xem thú đêm, chinh phục đỉnh cao Mây Bạc - “nóc nhà Cúc Phương", hành trình xuyên rừng ngủ bản… là những tour/tuyến để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách suốt nhiều chục năm qua.

Với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới, lấy việc nâng cao nhận thức về thiên nhiên thông qua du lịch sinh thái là nền tảng, dựa trên thành quả của công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và cứu hộ bảo tồn, những năm gần đây Cúc Phương hướng tới nghiên cứu, phát triển và vận hành những sản phẩm sáng tạo, táo bạo và độc đáo.

Tour Về Nhà – tham gia tái thả động vật sau cứu hộ, Trồng cây "Thêm xanh cho cánh rừng già" tham gia Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, Hội xuân Cúc Phương vào dịp Tết Nguyên Đán, "Hành Trình Hồi Sinh" - tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, Bộ Chương trình Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên dành cho học sinh phổ thông các cấp, Trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn”… là những sản phẩm đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái Cúc Phương.

Góp phần tích cực vào mục tiêu sớm đưa Cúc Phương trở thành Vườn quốc gia kiểu mẫu, là trường học lớn về thiên nhiên, Cúc Phương đã và đang là điểm đến hàng đầu của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và du khách trong nước, quốc tế.

Vườn Quốc gia Cúc Phương đón những khách du lịch đầu tiên trong năm mới.

Vườn Quốc gia Cúc Phương đón những khách du lịch đầu tiên trong năm mới.

Du lịch có sự tham gia của cộng đồng là một nguyên tắc quan trọng của du lịch sinh thái, chính vì vậy hoạt động này được triển khai tại Vườn quốc gia Cúc Phương từ khá sớm (từ năm 1993) và Cúc Phương cũng là VQG đầu tiên thực hiện mô hình này.

Thông qua hoạt động này góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương, tạo việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Từ đó hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn thiên nhiên và góp phần nâng cao chất lượng du lịch. Sự bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội và văn hoá là nguyên tắc cốt lõi của du lịch sinh thái, vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng chính là một giải pháp bảo tồn thiên nhiên mà VQG Cúc Phương rất quan tâm.

Tuyến du lịch xuyên rừng ngủ bản Mường tại bản Khanh, Ân Nghĩa, Hòa Bình đã thu hút được nhiều du khách và trở thành điểm đến thường xuyên khi du khách tới thăm Vườn.

Tại bản Khanh, du khách được trải nghiệm, tìm hiểu đời sống, văn hoá, tri thức bản địa của cộng đồng, đi bộ, tắm và chèo mảng trên sông Bưởi, hoạt động giao lưu văn nghệ buổi tối, tham gia các lễ hội...

Hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, xác định rõ hơn vai trò của người dân trong hoạt động của Vườn; giúp cộng đồng giữ gìn được một số nét văn hoá và một số nghề truyền thống; nâng cao dân trí thông qua việc giao tiếp với khách du lịch.

Nhân đây, chúng tôi muốn ghi lại một châm ngôn nổi tiếng, đã được nói lên bằng mọi ngôn ngữ trên hành tinh của chúng ta: Đến với rừng bạn chẳng cần mang gì theo ngoài một tình yêu, bạn không nên để lại rừng vật gì ngoài những dấu chân, chớ mang theo vật gì của rừng ngoài những tấm ảnh đẹp…

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.