| Hotline: 0983.970.780

Bên trong ngân hàng gen giữ giống cho muôn đời dân Việt

Cuộc chạy đua trước khi chìm dưới lòng hồ thủy điện Sơn La

Thứ Tư 15/09/2021 , 07:56 (GMT+7)

Khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La là một tâm điểm đa dạng sinh học cao của thế giới, do vậy dự án thu thập gen phải tiến hành trước khi dâng nước.

Mỗi lần xuất kho chỉ được cỡ… vài trăm hạt thóc

TS Vũ Linh Chi - Phó Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Thực vật kể, cách đây ba năm huyện Sông Mã tỉnh Sơn La có gửi công văn đến đơn vị để xin ngân hàng gen một loại giống lúa tẻ của địa phương từng có nhưng đã bị mất. Trong công văn có nói rõ khối lượng tối thiểu huyện cần là 50kg khiến Trung tâm phải giải thích rằng đơn vị chỉ giữ các vật liệu khởi đầu để phục vụ công tác chọn tạo là chính.

Khi cấp một giống ra ngoài tuy miễn phí nhưng phải có đủ hai điều kiện, thứ nhất là trong ngân hàng gen còn, thứ hai là sau khi cấp khối lượng còn lại phải đảm bảo cho lưu giữ. Mỗi lần cấp chỉ khoảng 10 gram tương đương cỡ… 400 hạt thóc. Từ khối lượng ít ỏi đó đơn vị xin phải gieo trồng, nhân tiếp ra mà sử dụng. Người ta thường ngộ nhận rằng ở ngân hàng gen loại cây gì cũng có, chất lượng tốt và khối lượng nhiều như vậy.

Kho lạnh bảo quản của ngân hàng giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kho lạnh bảo quản của ngân hàng giống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Công trình thủy điện Sơn La ngoài góp phần giải quyết vấn đề điện năng cũng như điều tiết lũ sông Đà thì mặt trái của nó là ảnh hưởng đến văn hóa xã hội của các cộng đồng bản xứ, là sự mất mát các nguồn gen động, thực vật bản địa và những giá trị tri thức truyền thống kèm theo.

Khu vực chịu ảnh hưởng gồm 5 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai và vùng phụ cận. Do vậy một dự án điều tra, thu thập và phân loại quỹ gen cây trồng để bảo tồn và di thực chúng trở nên cấp thiết trước khi toàn bộ hệ sinh thái bị thay đổi. Anh Chi là Chủ nhiệm dự án ấy.

Trước đó, các nhà khoa học đã điều tra, khảo sát, làm việc với Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La, Ban quản lý di dân và tái định cư các tỉnh để xin thông tin những thôn bản, xã nào phải di dân và di đến đâu để lập kế hoạch thu thập gen. Mất gần 1 năm đệ trình dự án mới được phê duyệt với thời gian thực hiện từ năm 2007 - 2009.

TS Vũ Linh Chi - Phó Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Thực vật bên những cây sắn bản địa được lưu giữ. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Vũ Linh Chi - Phó Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Thực vật bên những cây sắn bản địa được lưu giữ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi đó tâm trạng của bà con đang rối bời vì chuyện di dời mồ mả, nhà cửa, đền bù. Đến đâu, các nhà khoa học cũng dân vận bằng cách thăm hỏi, tặng quà (trà, thuốc cho người lớn tuổi, bánh kẹo cho các cháu nhỏ) rồi trao đổi về mục đích, ý nghĩa của công tác bảo tồn nguồn gen.

"Bà con sắp phải di dân mà sang nơi khác, điều kiện canh tác khác, không giống ở đây vì vậy có thể một số giống cây trồng sẽ bị mất đi. Chính phủ quan tâm muốn bảo tồn các giống cây trồng ấy vừa để nghiên cứu vừa giữ hộ và phục vụ lại cho chính bà con. Khi nào bà con đến nơi ở mới, trồng cây mà bị chết, mất giống thì chúng tôi sẵn sàng cấp lại. Nhờ dân vận tốt, người dân ai nấy đều vui vẻ hợp tác dù kinh phí hỗ trợ cho mỗi mẫu giống được chúng tôi thu thập lúc ấy chỉ có 10.000 - 15.000 đồng".

TS Vũ Linh Chi

Giống mẹ - con, giống chị - em

Anh Chi kể, đối với các hộ nông dân vùng Tây Bắc những loài cây có hạt thường được bảo quản trên gác bếp, trong kho còn những loại cây có củ, rau, gia vị… thường được trồng quanh vườn. Phải quan sát kỹ. Phải hỏi thông tin chung về giống, mô tả sơ bộ, phân ra các dạng khác nhau của từng nguồn gen do nhiều khi bà con còn trộn lẫn giống vào nhau theo quan điểm giống mẹ - con, giống chị - em…

Hạt, củ có thể cho vào túi lưới nhưng cây ăn quả phải lấy cành, cho vào bẹ chuối giữ ẩm để về rồi lấy mắt ghép hay đặt chủ vườn chiết giúp. Nguyên tắc ưu tiên là những nơi nào, loài nào có nguy cơ mất mát nguồn gen cao hơn thì thu thập trước; chỉ tiến hành thu thập khi có mục tiêu sử dụng giống và có khả năng bảo quản, không để mất giống sau khi thu thập.

Tuốt lúa để lấy mẫu một giống bản địa. Ảnh: Tư liệu.

Tuốt lúa để lấy mẫu một giống bản địa. Ảnh: Tư liệu.

Thu mẫu kèm tên chủ hộ, thôn, bản, dùng máy định vị GPS để xác định kinh độ, vĩ độ, độ cao; tiến hành, mô tả sơ bộ, ghi chép thông tin. Khi nào thu thập ở xã này hết giống mới rời sang xã khác. Mỗi dân tộc thường cư trú trong một môi trường sinh thái nhất định, do vậy mà họ có những loài, giống cây trồng khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán, tín ngưỡng.

Đoàn đã tiếp xúc với khoảng 20 dân tộc khác nhau trong quá trình thu thập nguồn gen. Dân tộc Thái, Dao, Khơ Mú, Mông thường có bộ giống rất phong phú như ở nhà ông Tòng Văn Thuận dân tộc Thái ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La thu được 28 nguồn gen, nhà bà Hoàng Thị Ín dân tộc Khơ Mú ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La thu được 25 nguồn gen, nhà ông Phàn A Sái dân tộc Dao ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu thu được 23 nguồn gen...

Họ chủ yếu chỉ trồng một vụ trong năm, phụ thuộc nhiều vào nước trời, cày, cuốc hố, gieo hạt, ít dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu và hầu hết đều tự để giống. Họ thường trồng xen rau, đậu với ngô vừa tăng hiệu quả sử dụng đất vừa cải tạo đất rất tốt hay trồng khi ngô bắt đầu khô lá thì gieo đậu vào gốc, sau khi thu ngô thì cắt luôn gốc để đậu phát triển.

Tiêu bản hạt một mẫu giống lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiêu bản hạt một mẫu giống lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến độ di dân cứ thúc ép đằng sau lưng đoàn bởi khi đồng bào đi rồi, không gặp trực tiếp sẽ không biết thông tin về giống nên sẽ không có giá trị khi thu thập mẫu. Mỗi đoàn thu thập 4 - 5 người thường đi thực địa trong 7 - 15 ngày. Mỗi ngày làm việc cứ miệt mài từ sáng đến tối như vậy nhưng khuya về nhiều khi không được ngủ ngay mà vẫn phải tiến hành làm mẫu, sắp xếp theo từng loại, vào số thu thập. Hạt khô có thể cho vào bao ghim lại nhưng củ cho vào bao vẫn phải mở miệng ra để cho chúng “thở”...

Mất mấy chục chuyến đi ròng rã trong 3 năm, dự án thu thập quỹ gen cây trồng có nguy cơ bị mất trong vùng di dân lòng hồ ở vùng thủy điện Sơn La mới xong. Với kinh phí gần 2,1 tỷ đồng, nó được đánh giá là thành công bởi từ trước đến lúc ấy chưa có đề tài, dự án nào thu thập được nhiều mẫu giống như vậy (4.423 nguồn gen thì 4.406 được xác định thuộc 120 loài và dưới loài thuộc 86 chi của 31 họ thực vật và có 17 nguồn không có đủ thông tin để phân loại); Lập được bản đồ phân bố tài nguyên thực vật ở các tỉnh 5 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai và vùng phụ cận. Xét về số lượng nguồn gen trong họ thì họ lúa áp đảo về số lượng với 1415 nguồn gen, tiếp theo là họ bầu bí với 850, họ đậu với 799, họ cải và họ ráy với hơn 250 nguồn gen trong mỗi họ.

Nếu dự án tiến hành sớm hơn, kinh phí nhiều hơn thì có lẽ một số giống cây trồng quý đã không bị mất đi dù khi khảo sát tiền trạm có báo cáo. Do thời gian gấp gáp nên có lúc đoàn cũng chỉ thu thập được giống mà chưa khai thác được kỹ thông tin như cách gieo trồng, khai thác, sử dụng ra sao rồi chất lượng, khả năng chống chịu thế nào.

Những tiếc nuối

Sức ép dân số, phát triển kinh tế, thiên tai và sự thâm canh không hợp lý đang đe dọa nghiêm trọng tài nguyên di truyền thực vật cổ truyền khiến mỗi năm Việt Nam có khoảng 300 - 400 giống nguy cơ cao bị biến mất.

Sau thu thập nguồn gen ở vùng thủy điện Sơn La, giai đoạn 2011 - 2015 Trung tâm triển khai dự án phát triển ngân hàng gen cây trồng quốc gia thu thập trên quy mô toàn quốc được 12.758 nguồn gen, hiện có dự án thu thập nguồn gen ở vùng lưu vực thủy điện Lai Châu, cuối năm 2021 mới kết thúc, ước tính được cỡ 3.000 nguồn gen. Tuy nhiên, đơn vị chủ yếu giữ vật liệu khởi đầu là chính, còn việc ứng dụng chúng vào trong sản xuất còn khá hạn chế.

Cây cà chua thân gỗ bản địa ở tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tư liệu.

Cây cà chua thân gỗ bản địa ở tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tư liệu.

Theo anh Chi, trước đây chúng ta quan tâm đến chuyện “ăn no” nên sử dụng nhiều giống lai, giống cải tiến cho năng suất cao mà chưa quan tâm nhiều tới giống bản địa. 10 - 15 năm trở lại đây, nhu cầu “ăn ngon” xuất hiện, muốn tìm về những giống xưa cũ nên có những địa phương, cơ quan, cá nhân tìm đến Trung tâm nhờ phục tráng lại.

Hiện tại mới có khoảng 20 - 30 đề tài khai thác nguồn gen, mỗi đề tài có 2 - 3 giống được đưa từ ngân hàng gen trở lại sản xuất. Vướng ở chỗ đơn vị phục tráng lại giống, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn xong nhưng muốn mở rộng ra lại khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào.

Và quan niệm “ăn ngon” mỗi thời cũng rất khác nhau. Như chuyện cây cam Hải Đường ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, các nhà khoa học mất mất 4 năm phục tráng giống. Kỹ thuật chăm sóc không có gì sai khác khi xưa nhưng quả ăn theo bà con đánh giá vẫn chưa được như xưa. Có thể khi xưa ít giao lưu, không có những loại cam ngon để so sánh và cũng không phải lúc nào cũng có cam ăn mà chỉ có lúc ốm đau, cúng giỗ mới có dịp thưởng thức nên thấy rất ngon. Giờ không còn đói nữa, lại có nhiều loại hoa quả để ăn nên không còn thấy ngon nữa.

Quả cà chua thân gỗ bản địa. Ảnh: Tư liệu.

Quả cà chua thân gỗ bản địa. Ảnh: Tư liệu.

Bảo tồn nguồn gen tốt nhất vẫn là duy trì giống thường xuyên trong sản xuất. Ngân hàng gen đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ mẫu giống với số lượng lớn, thời gian lâu dài, khắc phục được sự mất giống do thiên tai, dịch bệnh và xói mòn nguồn gen hàng năm trong thực tiễn sản xuất.

Theo anh Chi, việc đầu tư cho công tác bảo tồn nguồn gen hiện tại chỉ mang tính chất duy trì. Đầu tư cho  lưu giữ được đúng bản chất di truyền, đánh giá nguồn gen có mục tiêu... cũng chưa được như mong muốn. Nhiều nguồn gen giữ trong kho lạnh theo thời gian, sức sống giảm, lượng hao hụt đi do cấp phát cần phải đem nhân mới để bù đắp về khối lượng và trẻ hóa nguồn gen. 

Nếu được đầu tư đúng mức thì sẽ đem nhân tại những vùng sinh thái tương đồng với xuất xứ nơi thu thập (miền núi, trung du, đồng bằng, Bắc, Trung, Nam…) thì giống thu được mới đảm bảo về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp nên chủ yếu chỉ tiến hành nhân trong phạm vi hơn 10ha ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội nơi Trung tâm đóng là chính. Ngoài ra điều kiện cách ly đối với cây giao phấn, chất lượng nguồn nước, đất đai thí nghiệm, mương tưới, tiêu... vẫn còn nhiều hạn chế.

Bởi thế, lưu giữ ở đây cho khỏi mất giống như kiểu tình thế cháy nhà, từ những đồ quý đến chổi cùi, rế rách cũng cứ vứt ra ngoài cho khỏi cháy đã chứ không giữ sao cho đúng bản chất di truyền, thứ nữa sàng lọc để biết nó trùng lặp, có quý hay không để mà ứng dụng vào sản xuất, còn không phù hợp thì loại bỏ. Sàng lọc, đánh giá được hết hơn 40.000 nguồn gen quả thực là khối lượng công việc khổng lồ. Hiện cũng chỉ vài chục loại giống được giải trình tự gen DNA (mà cũng chỉ giải mã được một đoạn chứ chưa được toàn phần) để xem cái nào quyết định chất lượng, khả năng chống chịu hay các đặc tính riêng để mà ứng dụng vào sản xuất.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.