| Hotline: 0983.970.780

Bên trong ngân hàng gen giữ giống cho muôn đời dân Việt

Bĩnh cả ra quần, sưng vù 'của quý' những ngày đi thu thập mẫu

Thứ Ba 14/09/2021 , 07:42 (GMT+7)

Đi toa lét xong, một lúc sau cậu thanh niên trong đoàn chúng tôi bỗng gào lên vì 'của quý' bị sưng vù, phải xịt nước rồi bôi kem đánh răng đủ kiểu làm dịu…

Trôi theo dòng suối hút chết

Anh Nguyễn Tiến Hưng - Phó trưởng Bộ môn Quản lý Ngân hàng gen và Thông tin Tài nguyên Thực vật thuộc Trung tâm Tài nguyên Thực vật (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) vừa kể cho tôi nghe kỷ niệm khó quên về một chuyến đi thu thập mẫu gen vừa cười ngặt nghẽo.

Đơn vị của anh  có nhiệm vụ bảo tồn, sử dụng bền vững quỹ gen nông nghiệp gồm chủ yếu là các giống cây trồng địa phương của Việt Nam như lúa, hòa thảo, đậu, rau gia vị, cây có củ, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây làm thức ăn gia súc, cây cải tạo đất… Ngoài ra còn một số giống nhập nội, cây bán hoang dại và một phần nhỏ cây hoang dại làm lương thực, thực phẩm, thuốc.

Cuộc đời những cán bộ đi thu thập gen cây trồng cũng lắm chuyện lên thác, xuống ghềnh, ăn rừng, ngủ bụi. Thường những nơi càng đói nghèo, khó về đường đi và giao lưu kinh tế thì quỹ gen cây trồng lại càng đa dạng. Mỗi dân tộc có những truyền thống khác nhau về canh tác, họ hầu như chỉ trao đổi giống cây trồng trong phạm vi của cộng đồng mình.

Anh Nguyễn Tiến Hưng - Phó trưởng Bộ môn Quản lý Ngân hàng gen và Thông tin Tài nguyên Thực vật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Tiến Hưng - Phó trưởng Bộ môn Quản lý Ngân hàng gen và Thông tin Tài nguyên Thực vật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng mãnh lực đồng tiền đã khiến cho mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Có lần đoàn của TS Trần Thị Thu Hoài - Trưởng Bộ môn Quản lý Ngân hàng gen và Thông tin Tài nguyên Thực vật đang lang thang giữa rừng thu thập gen thì Trần Văn Tú - Phó Phòng Khoa học của Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn bỗng chỉ vào một cây thuốc quý rồi buồn bã bảo nó đang sắp tuyệt chủng vì thương lái Trung Quốc sang thu mua rất đắt nên dân bản đổ xô đi tìm.

Lên huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, một thầy thuốc người Tày cũng phàn nàn với chị rằng thương lái Trung Quốc đi lùng dược liệu khắp nơi, những loại cây nào về chiết xuất nếu thấy hoạt chất quý thì họ quay lại thu mua cho bằng sạch. Bởi thế bàn chân của nhà khoa học cần phải đến trước để mà lưu giữ chúng.

Một loại dong riềng hoa rất đẹp đang được bảo tồn tại Trung tâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một loại dong riềng hoa rất đẹp đang được bảo tồn tại Trung tâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có lần trong chuyến đi Lạng Sơn - Bắc Kạn, ô tô của đoàn chuẩn bị qua một cái ngầm. Thấy nước bên dưới chảy xiết, mấy người xuống xe, đi bộ vòng qua thì an toàn nhưng một thành viên trẻ vẫn ngồi bên trong chờ nối dây cáp để kéo xe sang. Không may giữa chừng cáp đứt, cái ô tô trôi đi giữa dòng suối như một cái lá, hút chết. Mấy đợt đi thu mẫu sau, hỏi đến là cậu ta tìm cách trốn và hiện đã xin chuyển cơ quan.

Quỹ gen khởi đầu chỉ có hơn 1.000 giống lúa được kế thừa từ thời nhà bác học Lương Định Của, đến nay, hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật quốc gia có trên 30.000 giống. Tất cả thông tin liên quan đến chúng được tổng hợp, tạo thành cơ sở dữ liệu lớn, có thể xem công khai trên trang web những phần cơ bản, còn phần nghiên cứu sâu lưu trữ trên máy chủ của Trung tâm.

Bông lúa thiêng và 3 lần bị bắt lại vì nghi buôn lậu

Đoàn anh Hưng đợt lên huyện Tủa Chùa của tỉnh Lai Châu, chiếc xe máy Min-khơ được đồng chí cán bộ huyện ghếch vào sườn núi để. “Cán bộ mày đi tiếp đi, bản nó kia kìa!”. Theo hướng hất đầu của anh, thấy lác đác mấy nóc nhà trên sườn núi. Hỏi xe máy đi được không, anh đáp “không”. Hỏi ngựa đi được không, anh đáp “không”. Thế đi thế nào? Anh cười cười: “Mày theo đường chó chạy kia kìa”.

Dưới chân núi tuy nhìn thấy bản nhưng phải đi theo đường chó chạy đúng 4 giờ đồng hồ đoàn mới đến được nhà già làng, cũng may ông từng đi bộ đội nên biết tiếng Kinh. Thấy anh Hưng nằm thẳng cẳng vì mệt quá, ông động viên: “Cán bộ yên tâm, tao luộc cho mày ăn cái rau này là khỏe ngay”. Quả thực là sức lực của anh sau đó phục hồi nhanh chóng. Hỏi ra mới biết đó là… cây thuốc phiện.

Giống được lưu giữ trong kho lạnh tại ngân hàng gen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống được lưu giữ trong kho lạnh tại ngân hàng gen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trò chuyện với ông, anh mới thấy nảy ra khái niệm mà sau này FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc) có đưa ra là bảo tồn tâm linh. Cụ thể, cộng đồng người Mông ở đây đã giữ một giống lúa nhưng không ăn mà chỉ dùng khi có đám tang thì cầm bông lúa đi xung quanh để gửi theo người chết. Nó được thiêng hóa đến mức chỉ có thầy mo mới được phép gieo trồng.

Mang một cái áo rét đến biếu cho ông thầy mo rồi anh Hưng nói rằng: “Chúng tôi đang đi thu thập để giữ giống cho muôn đời sau, xin ông báo cáo với thần linh cho phép đoàn đến đây làm việc và giúp đỡ đoàn”. Cảm động, thầy mo mới cho anh ít giống lúa thiêng nọ để bảo tồn. Khi mang về, anh nhân ra sản xuất rồi nấu ăn thử, không có gì thực sự đặc biệt về chất lượng nhưng được cái giống chịu kham khổ rất tốt.

Trong quá trình lưu giữ của những năm tháng còn khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém nên giống lúa đó đã mất sức sống, sau này không thể dùng nhân tiếp được. Người Hà Nhì tuy không có bông lúa thiêng như người Mông nhưng dưới ban thờ nhà trưởng họ hay trưởng nhánh bao giờ họ cũng cắm một bông lúa để ghi nhớ công ơn loại cây đã nuôi sống mình.

Giống được lưu giữ trong ngân hàng gen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống được lưu giữ trong ngân hàng gen. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sự gian khổ trong quá trình thu thập mẫu trước đây có rất nhiều. Đoàn anh Hưng từng đi từ TP Hồ Chí Minh đến Tây Ninh thì ba lần bị công an đuổi theo, bắt lại vì nghĩ là buôn lậu. Họ nghi là bởi cái xe bám đầy bụi, thứ nữa các bao tải, thùng carton, túi lưới, chứa mẫu chất đầy trong xe, lên trên nóc, còn lại 4 - 5 người phải chen chúc ngồi, trông rất nhếch nhác… 

Đi trên đường đã gian khổ thế nhưng vẫn còn thua xa sự gian khổ của quá trình đi tìm giống. Có lần ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang anh Hưng được nghe kể rằng ngày xưa người Khmer khi tổ chức lễ hội Ok Om Bok phải làm một loại bánh đặc biệt từ bột gạo của giống lúa có tên là Mang cá rô để cúng lên chùa. Giống lúa đó hiện đã thất truyền, không ai cấy nữa.

Từ Tân Châu về Tri Tôn đoàn tìm đến những lão nông tri điền, những nhà máy xay xát nhưng cũng không thấy. Đến tỉnh Trà Vinh nghe nói ở một hòn đảo giữa sông có giống lúa đó các anh liền tìm đến, cũng chỉ là “tăm cá, bóng chim”. Tuy nhiên tình cờ họ lại phát hiện ra một thứ quả rất lạ mà dân địa phương gọi là quả ba càng, vỏ ngoài ăn giống quả su su nhưng ruột bên trong lại có mùi thơm của chanh dây...

Những giống sắn được bảo tồn tại Trung tâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những giống sắn được bảo tồn tại Trung tâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không chịu chào thua, các anh lại cất công tìm đến nhiều ngôi chùa Khmer để hỏi thì được trả lời, có giống lúa như vậy rồi họ chỉ đến một làng nghề chuyên làm loại bánh đó. Khi đến đây, hỏi thì được người dân trả lời, đúng là ngày trước có nhưng giờ không thấy nữa. May thay một ông già bảo có một bác sĩ đam mê nông nghiệp vẫn còn giữ giống.

Tìm ông bác sĩ đúng lúc người nhà đang tổ chức đám cưới, anh Hưng mới làm một phong bì mừng. Đúng là ông ta có trồng một đám ruộng giống ấy chỉ để hoài niệm. Cuối cùng giống lúa rất lợi bột, khá dẻo và làm bánh rất lâu thiu ấy cũng được anh đưa về bảo tồn ở ngân hàng gen…

Những ứng dụng tài tình của cây bản địa  

Ngoài đặc tính chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của ngoại cảnh, những giống bản địa thường có chất lượng tốt cũng như được lựa chọn theo hướng sử dụng đặc biệt.

Anh Hưng kể tiếp: Do không có điều kiện kinh tế nên đồng bào vùng cao ở Tây Bắc vẫn dùng đạm thực vật để thay thế cho đạm động vật. Trong quá trình tìm kiếm chúng tôi còn thấy cả những giống tía tô họ không ăn lá mà lại ăn hạt. Khi giã hạt tía tô sống, cho thêm ít muối vào thì ăn rất béo, rất ngon, đặc biệt hợp với phụ nữ sau sinh hay trẻ em còi xương.

Lúa cẩm được đồng bào sản xuất rất nhiều giống để làm thuốc bó xương, thực phẩm bổ dưỡng ngăn ngừa hậu sản cho phụ nữ sau sinh. Phải dùng cơm của gạo này để cúng bà chúa thượng ngàn mới đúng kiểu nên nhiều nơi không có phải lấy nước đỗ đen nhuộm gạo trắng để nấu…

Đoàn cán bộ Trung tâm đang kiểm tra một giống lúa bản địa Khẩu đạc na tại Nghệ An. Ảnh: Tư liệu.

Đoàn cán bộ Trung tâm đang kiểm tra một giống lúa bản địa Khẩu đạc na tại Nghệ An. Ảnh: Tư liệu.

Trong 1 cái hốc, người Mông có thể trồng tới 6 loại cây như bí, lanh, tam giác mạch, ngô, đậu… Họ còn có giống đậu khổng lồ, quả to như quả phượng, vỏ ngoài phơi trên gác bếp ăn như măng còn hạt do có độc nên dùng để giã ra, thả xuống đầu nguồn nước, đến cuối nguồn là cá nổi bềnh lên để bắt. Cũng hạt đậu đó họ còn ngâm xuống suối mấy ngày rồi mang về luộc 7 lần nước, ăn lại rất ngon, rất an toàn.

Anh em đi công tác vùng sâu, vùng xa thường mang thuốc đau bụng, thuốc cảm, thuốc kháng sinh theo để phòng thân nên bà con hay xin. Họ cũng rất thích những cái bao đựng giống bằng kim loại nên đoàn cũng hay cho để mà “dân vận”.

Có lần đoàn ở nhờ nhà đồng bào Mông, đêm gia chủ chốt cửa, không biết mở, buồn tiểu nên có người phải tiểu ra cả quần. Lại có lần đi Lạng Sơn, giữa khuya không còn nhà trọ hay nhà dân nào còn mở cửa, đoàn phải gõ cửa một quán karaoke, thuê phòng hát để mà ngủ lấy sức mai lại lên đường tiếp.  

Cận cảnh bông lúa Khẩu đạc na. Ảnh: Tư liệu.

Cận cảnh bông lúa Khẩu đạc na. Ảnh: Tư liệu.

Tìm giống đã thế, quá trình giữ để mang về cũng hết sức gian nan. Thực tế quá trình đi điều tra đoàn đã phải loại bỏ sự trùng lắp bằng cách rà soát xem về hình thái có sự khác biệt với những giống mình đang giữ trong ngân hàng không để mà thu thập.

Với các loại cây có củ, sau khi lấy xong, làm sạch đất rồi đi đến đâu cũng vội tìm vào toa lét đặt mẫu trong đó lấy ẩm, thậm chí nửa đêm còn phải mang ra phơi sương để duy trì sức sống. Với quả, khi thu về tối phải bổ ra, lấy hạt rồi dùng quạt hong khô từ từ, cho vào túi lưới rồi treo lên.

Có người mới đi thu thập, rất nhiệt tình nhưng lại thiếu kinh nghiệm nên khi bổ một loại ớt hiểm xong buồn đi đái quá cứ thế vào toa lét. Một lúc sau bỗng anh ta gào lên vì “của quý” bị sưng tấy, phải xịt nước rồi bôi kem đánh răng các kiểu để làm dịu đi…

Anh Hưng bảo, người làm bảo tồn gen giống người chơi đồ cổ ở chỗ phải đam mê, say đắm với nghề mới thành công được. Trong tri thức truyền thống của đồng bào các dân tộc có tri thức về cách lưu giữ. Tại sao họ giữ rừng, giữ giống rất tốt? Bởi vì họ có những khu rừng thiêng không ai dám xâm phạm, có các lễ hội xuống đồng, có giống cho người chết mang theo...

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.