| Hotline: 0983.970.780

Cuộc khủng hoảng virus Corona đầy hỗn loạn của Trump

Chủ Nhật 29/03/2020 , 19:10 (GMT+7)

Tổng thống Donald Trump dường như đang chật vật ứng phó cuộc khủng hoảng virus Corona tại Mỹ, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra và ông muốn tái đắc cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo về virus Corona. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo về virus Corona. Ảnh: Reuters.

Chỉ 4 tuần trước, Tổng thống Donald Trump tự tin đại dịch virus Corona sẽ ảnh hưởng rất ít đến Mỹ.

“Đại dịch sẽ biến mất”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 28/2. “Đại dịch sẽ biến mất, như phép màu, vào một ngày nào đó”.

Dự báo đó được chứng tỏ là sai bởi ba số liệu công bố hôm 26/3. Mỹ vượt Trung Quốc và trở thành quốc gia có số ca nhiễm virus Corona nhiều nhất thế giới, số trường hợp tử vong hiện là hơn 1.300.

Chính phủ Mỹ cho biết có 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 21/3 – gấp gần 5 lần so với kỷ lục trước đó – sau khi tình trạng đóng cửa tại quốc gia này đã khiến nền kinh tế đình trệ. Ở New York, đang trở thành một trong những tâm dịch toàn cầu, các cơ quan khẩn cấp thành phố nhận được nhiều cuộc gọi y tế hơn cả ngày 11/9/2001.

Trên khắp Mỹ, các thống đốc và thị trưởng kêu gọi sự trợ giúp từ Washington nhằm có thêm máy thở và thiết bị y tế khác, khuyến cáo người dân ở nhà để ngăn virus lây lan.

Trong khi đó, phản ứng của ông Trump lại là đề xuất mở cửa nền kinh tế trở lại vào lễ Phục sinh ngày 12/4.

“Bạn sẽ chứng kiến những nhà thờ trên cả nước chật kín người”, ông trả lời Fox News hôm 24/3. “Đó là một thời điểm đẹp”.

Cuộc khủng hoảng phân tách này chính là điều người dân Mỹ đang chứng kiến – hàng loạt sự kiện và tường thuật phản ảnh cách chính phủ liên bang ứng phó đại dịch, triển vọng kinh tế cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Mặt khác, các thành phố ở Mỹ liên tục đón nhận tin xấu.

“Chúng ta như đang nhìn vào một đoàn tàu tốc hành, những con số tăng rất nhanh”, Andrew Cuomo, đảng Dân chủ, Thống đốc bang New York, cảnh báo.

Tuy nhiên, quan điểm từ Nhà Trắng lại rất khác. Với sự tập trung vào triển vọng tái đắc cử, ông Trump tổ chức họp báo hàng ngày và xem nhẹ tính nghiêm trọng của đại dịch.

Bản chất gần như khôi hài của tình hình được làm nổi bật trong tuần trước. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm nổi tiếng thế giới, thành viên lực lượng đặc nhiệm ứng phó virus Corona của Mỹ, được hỏi làm thế nào ông có thể đứng trên bục Nhà Trắng với tư cách “đại diện cho sự thật” trong khi Tổng thống đưa ra thông tin gây hiểu lầm.

“Tôi không thể nhảy ra trước micro và đẩy ông ấy xuống được”, tiến sĩ Fauci trả lời tạp chí Science.

Vài người trong phe chỉ trích Trump mạnh mẽ nhất tự an ủi bằng ý nghĩ dù ông chủ Nhà Trắng không đủ khả năng, ít nhất Mỹ cũng không phải đối mặt cuộc khủng hoảng hiện tại trong ba năm trước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ một Tổng thống thiếu chuẩn bị ứng phó như thế nào.

“Sự thất thường, hỗn loạn, khó hiểu, tự cho mình là trung tâm của ông Trump đang làm dấy lên sự chỉ trích từ giới khoa học, chuyên gia y tế, báo chí và hơn thế nữa”, David Gergen, giáo sư Trường Harvard Kennedy, từng cố vấn cho 4 đời tổng thống Mỹ từ Richard Nixon tới Bill Clinton, nhận định.

“Trump nghĩ ông cùng nhóm của mình đã làm việc ‘tuyệt vời, phi thường’, trong khi phe chỉ trích cho rằng ông ngày càng nguy hiểm”.

Đường phố Manhattan, New York, vắng lặng trong ngày 26/3. Ảnh: AP.

Đường phố Manhattan, New York, vắng lặng trong ngày 26/3. Ảnh: AP.

Trong khi quốc hội Mỹ ngày 27/2 thông qua gói kích thích kinh tế hơn 2.200 tỷ USD để ứng phó tác động từ virus Corona , Trump vẫn phải hứng chịu chỉ trích từ nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa vì chính phủ liên bang ứng phó chậm, thiếu thiết bị xét nghiệm và ý định nới lỏng quy định cách ly xã hội để cứu nền kinh tế đang chìm dần.

Ông Trump muốn dừng đà giảm tốc của kinh tế Mỹ - động thái được phe chỉ trích cho là có lợi cho kế hoạch tranh cử. Tuy nhiên, ông lại vấp phải sự phản đối từ một số đồng minh thân cận, bao gồm nữ nghị sĩ bang Wyoming Liz Cheney.

“Sẽ không bình thường hóa hoạt động kinh tế nếu các bệnh viện bị quá tải và hàng nghìn người dân Mỹ mọi độ tuổi, bao gồm các y bác sĩ, đang chết dần nếu chúng ta không làm điều cần thiết để ngăn virus”, bà Cheney nói.

Kết quả khảo sát mới đây do Morning Consult thực hiện cho thấy 80% người Mỹ trưởng thành nhận thấy tầm quan trọng của tiếp tục cách ly xã hội, dù việc này có thể gây thiệt hại kinh tế.

Ngày 26/3, ông Trump viết thư gửi các thống đốc bang, vạch ra cách Washington phân loại rủi ro tại các thành phố theo ba mức thấp, trung bình và cao – chiến lược nhằm khôi phục hoạt động kinh tế tại một số khu vực.

Larry Hogan, Thống đốc bang Maryland, đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hiệp hội Thống đốc Quốc gia, nói với Financial Times rằng ông Trump không nhắc đến kế hoạch khi trao đổi với các thống đốc, ngay trước lúc gửi thư. Ông Hogan cũng “dội gáo nước lạnh” vào kế hoạch, mô tả ý định này là “phi thực tế”.

Ông cũng hoan nghênh Nhà Trắng vì đã yêu cầu Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Liên bang (FEMA) hỗ trợ các bang có thêm máy thở và khẩu trang. Phần nào thiết bị đã được bàn giao nhưng Hogan cho biết “vẫn rất ít” so với nhu cầu.

Virus Corona đã lây lan ra nhiều bang, số ca nhiễm đang tăng mạnh từ Florida cho đến Texas. Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết 11 bang tại Mỹ có số ca nhiều hơn các tỉnh ở Trung Quốc, không tính Hồ Bắc, nơi virus khởi phát.

Tại New York, 37.000 người có kết quả dương tính, khoảng 5.000 người nhập viện điều trị, gần 400 trường hợp tử vong. Thi thể phải bảo quản trong các xe đông lạnh vì nhà xác quá tải.

Các bệnh viện còn đối mặt vấn đề lớn là thiếu trang thiết bị để bảo vệ y bác sĩ. Để ứng phó, Thống đốc Cuomo ra lệnh biến trung tâm tổ chức sự kiện Javits Center thành bệnh viện dã chiến, một tàu quân sự sẽ cung cấp không gian cho khoảng 1.000 giường bệnh. Ông yêu cầu các bệnh viện tại bang tăng sức chứa thêm ít nhất 50% nhằm đạt mục tiêu 140.000 giường bệnh.

Những nỗ lực đó là chưa đủ, Theodora Hatziioannou, chuyên gia virus tại Đại học The Rockefeller, New York, nhận định. Ông ước tính 240.000 người New York có thể cần nhập viện. “Chúng ta phải chuẩn bị”.

Ông Trump khiến phe chỉ trích thêm phẫn nộ khi không sử dụng đạo luật cho phép ông buộc các công ty phải sản xuất những trang thiết bị cấp thiết.

“Máy thở, máy thở và máy thở”, Cuomo nói về nhu cầu lớn nhất của ông.

Tổng thống Trump ngày 27/3 kêu gọi General Motores mở cửa nhà máy bỏ hoang Lordstown và “nhanh chóng” sản xuất máy thở.

Ông chủ Nhà Trắng nhận được ủng hộ khi cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc hồi tháng 1 và áp lệnh hạn chế di chuyển với châu Âu.

Greg Martin, Chủ tịch tổ chức Hiệp hội Chăm sóc Y tế Khẩn cấp, cho rằng ông Trump lẽ ra nên đảm bảo đủ vật tư y tế, như khẩu trang. Giới chuyên gia y tế rất lo ngại về ý định mở cửa lại nền kinh tế trong hai tuần của Trump.

Tổng thống Trump bác cáo buộc cho rằng ông ưu tiên tái đắc cử hơn sức khỏe cộng đồng. Tiến sĩ Fauci, cũng như các cố vấn khác, tìm cách trung lập hóa bình luận của Trump bằng cách mô tả lễ Phục sinh chỉ là một thời điểm “mong muốn”.

Khi Trump bị các chuyên gia chỉ trích, điểm đánh giá ông trong các khảo sát lại tăng. Theo kết quả khảo sát gần đây nhất của Gallup, 49% người được hỏi ủng hộ cách làm việc của Trump, tăng 5 điểm so với hồi đầu tháng 3. 60% chấp nhận cách ông ứng phó khủng hoảng.

“Sự ủng hộ của công chúng với ông ấy tăng trong khi danh tiếng về sự chuyên nghiệp giảm. Rất hiếm khi chứng kiến có sự phân hóa như vậy”, Gergen nói.

(Theo FT)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.