Sau một chiến dịch triển khai sớm và nhanh chóng với phần lớn dân số đều đã được tiêm vacxin đầy đủ, Israel bắt đầu dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế chống dịch. Cuộc sống dần trở lại bình thường như khi dịch chưa xuất hiện.
Với số ca nhiễm mới mỗi ngày gần như bằng 0, các doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại, các sự kiện tụ tập đông người diễn ra nhiều hơn và khẩu trang được loại bỏ một cách đầy háo hức khi người dân đổ xô đến các bãi biển hay nhà hàng.
Nhưng bầu không khí vui tươi và tâm lý lạc quan với niềm tin rằng Israel đã đạt miễn dịch cộng đồng không kéo dài lâu.
Đến cuối tháng 6, số ca nhiễm bắt đầu tăng và không có dấu hiệu dừng lại. Số ca nhiễm mới của Israel hôm 1/9 lên tới 16.011, cao nhất từ trước tới nay, vượt mức kỷ lục được ghi nhận hồi tháng một, trong sóng Covid-19 thứ hai, vài nghìn ca. Tỷ lệ nhập viện và điều trị tích cực (ICU) cũng tăng.
Vậy vì sao tại một quốc gia có tỷ lệ bao phủ vacxin cao như Israel, số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng đột biến?
Israel đã sớm vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua tiêm chủng. Tính đến tháng 6, gần 80% công dân trên 12 tuổi đã được tiêm vacxin, chủ yếu là Pfizer.
Vì tự tin rằng đã đánh bại Covid-19 và dập tắt nguy cơ dịch bệnh lan rộng, các lãnh đạo Israel quyết định dỡ bỏ hầu hết các hạn chế di chuyển cùng quy định đeo khẩu trang bắt buộc.
“Họ hoàn toàn mất cảnh giác”, Kim Mulholland, chuyên gia về nhi khoa tại Đại học Melbourne, thành viên Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược Tiêm chủng thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận xét. “Có rất nhiều cuộc tụ tập lớn, những buổi gặp gỡ tôn giáo. Tất cả chúng diễn ra vào giữa tháng 6, giữa mùa hè”.
Cùng lúc, biến chủng Delta dễ lây lan đã xâm nhập Israel, đầu tiên xuất hiện ở những em nhỏ trong độ tuổi đi học, sau đó lây sang phụ huynh.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Sharon Lewin cho biết nếu không có biện pháp kiểm soát biến chủng Delta, việc ngăn chặn chuỗi lây nhiễm sẽ trở thành nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, ngay cả với tỷ lệ tiêm chủng cao.
“Điều chúng ta học được từ Israel là... ngay cả với 80% dân số đã tiêm chủng, bạn vẫn cần duy trì một số biện pháp y tế công cộng nhằm ngăn virus lây lan”, giáo sư Lewin, giám đốc Viện Doherty, Australia, cho hay.
Dù tỷ lệ tiêm chủng ở người trưởng thành nhìn chung cao, vẫn có một số người dân Israel mang tâm lý bài vacxin, bao gồm cả vài cộng đồng Do thái Chính thống cực đoan. Bên cạnh đó, 25% dân số Israel dưới 12 tuổi (chưa đủ tuổi tiêm chủng), đồng nghĩa chỉ 68% dân số được tiêm vacxin đầy đủ, một ngưỡng quá thấp để đạt miễn dịch cộng đồng.
Hồi giữa tháng 8, khoảng 60% số bệnh nhân nhập viện ở Israel có triệu chứng Covid-19 nặng đều đã tiêm hai mũi vacxin Pfizer.
Bộ Y tế Israel đã công bố một báo cáo cho thấy hiệu quả của vacxin trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng đã giảm từ trên 90% xuống còn khoảng 64%. Nhưng con số này thực tế không chính xác. Nó là ví dụ điển hình về hiện tượng trong thống kê gọi là nghịch lý Simpson. Về cơ bản, nó có nghĩa là một xu hướng xuất hiện trong một số nhóm dữ liệu có thể biến mất khi chúng được kết hợp lại với nhau.
Khi các nhà nghiên cứu Mỹ phân tích dữ liệu của Israel và phân chúng theo nhóm tuổi, họ phát hiện ra rằng vacxin vẫn có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng ở những người dưới 50 tuổi và hiệu quả hơn 85% với nhóm người trên 50 tuổi.
“Khi diễn giải dữ liệu, không thể chỉ nhìn vào những con số thô”, giáo sư Lewin lưu ý.
“Lợi ích của tiêm chủng là nó giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong đến 90%, nhưng không phải 100%”, bà nói. “Vậy nên, vẫn có những người phải nhập viện và tử vong, ngay cả khi họ đã tiêm vacxin”.
Nhưng may mắn cho Israel, số ca tử vong vì Covid-19 hiện tại của họ thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch thứ hai. Xu hướng này cũng đang được nhìn thấy một cách nhất quán ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao trên toàn cầu.
Nhằm đối phó với tình trạng gia tăng ca nhiễm, Israel đã áp dụng trở lại các hạn chế, bao gồm giới hạn số người tham gia các cuộc tụ tập công cộng hay yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong một số trường hợp cụ thể.
Giới chức y tế cũng bắt đầu triển khai tiêm mũi vacxin tăng cường, bàn đầu dành cho những người trên 60 tuổi và hiện nay mở rộng sang tất cả mọi công dân trên 12 tuổi đã tiêm mũi vacxin Covid-19 thứ hai cách đây hơn 5 tháng.
Giáo sư Lewin đánh giá mũi tiêm tăng cường dường như mang lại lợi ích cho những người trên 60 tuổi và người bị ức chế miễn dịch, song chưa rõ liệu chúng có cần thiết cho tất cả mọi người hay không.
“Cách tốt nhất là làm giảm tổng lượng lây truyền Covid-19 trên khắp thế giới và điều đó chỉ có thể xảy ra khi các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được tiêm chủng”, bà nói.
Tháng trước, WHO kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm mũi tăng cường để cung cấp vacxin miễn phí cho những nước nghèo, nơi mà thậm chí nhiều người dân còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.