| Hotline: 0983.970.780

Cứu hàng vạn bệnh nhân bỏng

Thứ Ba 26/07/2011 , 14:28 (GMT+7)

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2009, ông Thoàn đã chữa trị bỏng cho ngót 2 vạn người mà không xẩy ra bất cứ sơ sót gì.

Từ anh lính trẻ ngày nào, năm nay Đào Viết Thoàn đã vào tuổi 53, đã trở thành một lương y (năm 1997, ông được Hội Y học cổ truyền Thái Bình cho đi bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn).

>> Chuyện ông Thoàn chữa bỏng

Đến nhà ông, chúng tôi được chứng kiến cái tai hại của việc đốt rơm sau ngày mùa. Nạn đốt rơm đã khiến hàng chục người bị bỏng, chưa kể số người bị những thương tích khác. Ông Vũ Đình Nếp, người xóm 8 xã Đông Quang (huyện Đông Hưng, Thái Bình), bị bỏng nặng ở cả 2 chân và tay do nạn đốt rơm, thì kinh hoàng bảo, cả một đoạn đường dài tới 200 mét, dầy đặc những đống rơm cháy ngùn ngụt. Đang đi xe máy, bị khói xộc vào mắt không làm chủ được tay lái nên ông ngã vào đống rơm cháy. Ông Nếp cho biết:

- Trong 1 ngày, chỉ riêng trên đoạn đường ấy thôi, mà đã có 7 người bị tai nạn. Người thì bỏng, người thì gẫy tay gẫy chân. Tất cả đều do khói không nhìn thấy gì nên hoặc tự ngã, hoặc đâm xe vào nhau. Có người phi cả xe máy xuống ruộng, đập đầu vào bờ mương bằng bê tông…

Hỏi về quá trình điều trị thế nào, ông Nếp cho biết, ông được người nhà đưa đến trong tình trạng bất động. Nhận thấy ông bị bỏng ở độ 3-4, lương y Đào Viết Thoàn đã cho ngay ông ra trạm xá xã tiêm phòng uốn ván, sau đó truyền nước chống sốc, rồi mới đắp thuốc. Chỉ sau mấy ngày, ông đã đỡ hẳn, đã đi lại được.

Nằm điều trị ở nhà lương y Đào Viết Thoàn, ngoài những bà con bị bỏng ở Thái Bình, còn là những người bị bỏng ở rất nhiều tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng…với đủ các lứa tuổi. Cháu Hoàng Thị Khánh Nhi, 2 tuổi, ở xã Diễn Tân (huyện Diễn Châu, Nghệ An), khi chạy chơi ngoài đường đã bị ngã vào đống rác do người làng đốt, khiến 2 cánh tay, 2 bàn tay cháu bị chín hết thịt.

Cháu Nhi được đưa ra bệnh viện ở Hà Nội, gia đình cứ đinh ninh cháu bị cưa 2 bàn tay, do không hy vọng cứu được. Nhưng rồi nghe có người mách, gia đình Nhi đưa cháu về nhà lương y Đào Viết Thoàn, và chỉ sau hơn 20 ngày điều trị, hai tay cháu lại trở lại bình thường. Bà Hoàng Thị Năm, bà ngoại của cháu, rơm rớm nước mắt khi đưa cháu về:

- Thật phúc đức cho cháu, cho gia đình tôi là gặp được ông. Ơn này gia đình tôi sống để dạ, chết mang đi…

Lương y Đào Viết Thoàn kể, cái cơ duyên để biến ông từ người chỉ muốn biết về thuốc để “phòng thân”, cụ thể là phòng chuyện tái phát cho những vết thương của chính mình, đến việc chữa bệnh giúp người, bắt đầu từ những ngày ông rời bệnh viện về quê. Làng quê những ngày đó nghèo xơ nghèo xác do hậu quả của thời bao cấp chứ đâu được như bây giờ. Bản thân gia đình ông cũng trong hoàn cảnh ấy.

Thấy một số bà con trong xã không may bị bỏng, sẵn có những kiến thức y học về điều trị bỏng học được trong những ngày nằm viện và bài thuốc sinh cơ của thầy Thích Đàm Lương, ông vận dụng chữa giúp họ. Kết quả đều khỏi mà sự tốn kém chẳng đáng bao nhiêu, cả về thời gian lẫn tiền bạc so với việc phải đi viện. Thế là “tiếng lành đồn xa”, người kéo đến xin ông chữa giúp ngày càng đông, lúc đầu chỉ là những người trong xã, rồi sau đó người ngoài xã, người ngoài huyện và người ngoài tỉnh…

 Lúc đầu là người đến xin thuốc sáng rồi trưa hay tối về, sau có những người bị bỏng nặng không thể về ngay được, nhất là những người ở huyện ngoài, tỉnh ngoài, phải nằm điều trị nhiều ngày.

Ngôi nhà tình nghĩa ông được tặng biến thành phòng bệnh cho bà con nằm điều trị. Sau không đủ, ông phải xây thêm nhà, sắm thêm giường cho bà con nằm, đến nay nhà ông có tất cả 16 giường bệnh. Thế vẫn không đủ, ông phải nhờ một ngôi nhà ở UBND xã để làm cơ sở chữa bệnh…

Hàng ngày, lương y Đào Viết Thoàn bận túi bụi từ sáng đến tối: làm thuốc, thay băng…cho người bệnh. Không ít đêm ông phải thức trắng bên những người bỏng nặng hay nửa đêm đang ngon giấc phải bật dậy vì một người bị bỏng từ nơi xa được người nhà chở đến. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hơn, một cựu thanh niên xung phong, cũng sát cánh bên chồng để chăm sóc người bệnh. Những bà con ở xa, bỏng nặng, phải nằm lại điều trị, lương y Đào Viết Thoàn không bao giờ tính tiền giường nằm, tiền điện, nước.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2009, ông đã chữa trị bỏng cho ngót 2 vạn người mà không xẩy ra bất cứ sơ sót gì. Số người bị bỏng nằm điều trị tại nhà ông, được miễn tiền giường, tiền điện nước, than củi đã lên tới ngót một vạn. Số người bỏng được ông miễn tiền công điều trị là 4.724 người và 1.268 người được miễn toàn bộ tiền công, tiền thuốc men. Nếu quy thành giá trị, thì số tiền miễn giảm đó là ngót 4 tỷ đồng. Và nếu tính thêm từ năm 2009 đến nay, thì con số đó còn lớn hơn nhiều.

Hàng ngày gia đình ông cung cấp chất đốt (ga, củi, than) để bà con tự nấu ăn, vì làng không có quán ăn, nếu phải đi sang xã khác để mua cơm quán thì rất xa. Chỉ riêng khoản chất đốt này, gia đình ông cũng “nhược” rồi, vì ngày nào cả 16 giường bệnh cũng đủ người nằm điều trị, mỗi người nằm điều trị lại kéo thêm một đến hai người phục vụ. Với những bệnh nhân là người nghèo và các cháu nhỏ, ông miễn hoàn toàn tiền công. Còn với những gia đình chính sách như Mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam…thì ông không lấy một đồng nào, cả tiền công lẫn tiền thuốc.

Tuy rất nổi tiếng, nhưng ông vẫn nghèo, nhà cửa đơn sơ, mọi vật dụng trong nhà đều chỉ ở mức rất “bình dân”. Hỏi sao không “nâng cấp” đời sống cho mình, ông trầm ngâm:

- Thầy tôi (sư cụ Thích Đàm Lương) đã về cõi Phật. Nhưng lời thầy lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi: “Con hãy thương người như thương thân mình. Hãy chia sẻ nỗi đau, chia sẻ khó khăn với họ…”. Những lời đó không bao giờ tôi quên. Mỗi lần giúp được một người, tôi lại thấy như có thầy ở bên cạnh, và trên môi thầy thấp thoáng một nụ cười…

Nói ông Thoàn nghèo thì cũng chưa hẳn đúng, bởi có hai thứ mà ông rất giầu. Thứ nhất, là lòng biết ơn của hàng vạn người bị bỏng đã được ông chữa khỏi trên mọi miền đất nước. Và thứ hai, là giấy khen. Ngoài Huân chương Lao động (hạng III) do Nhà nước tặng, ông còn được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen, và hơn chục giấy khen khác do UBND tỉnh Thái Bình tặng. Đó chính là những bằng chứng ghi nhận công lao của ông với người đời.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm