| Hotline: 0983.970.780

Đã có giải pháp chẩn đoán nhanh dịch bệnh trên tôm nuôi

Thứ Năm 13/06/2024 , 10:06 (GMT+7)

ĐBSCL Để ngành hàng tỷ đô vượt qua khó khăn, nhiều nghiên cứu giúp chẩn đoán nhanh dịch bệnh trên tôm được các địa phương, doanh nghiệp, hộ nuôi quan tâm.

Sự phát triển vùng sản xuất tôm nước lợ đã tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, phục vụ đắc lực cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ảnh: Văn Vũ.

Sự phát triển vùng sản xuất tôm nước lợ đã tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, phục vụ đắc lực cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ảnh: Văn Vũ.

Đau đầu với dịch bệnh trên tôm nuôi

Ngành tôm hiện đang đóng góp từ 40 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, ngành hàng này mang về từ 3,5 - 4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Thống kê của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt khoảng 737.000ha, cho sản lượng trên 1 triệu tấn/năm.

Riêng tại vùng ĐBSCL, đây là khu vực sản xuất tôm nước lợ lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 687.000ha (tương đương 93% tổng diện tích cả nước) và 86% sản lượng (khoảng 874.000 tấn).

Song hành với sự phát triển, ngành tôm đang đối diện với thách thức và rủi ro lớn do dịch bệnh trên tôm nuôi. Khiến cả người nuôi và doanh nghiệp bị thiệt hại không nhỏ, tỷ lệ thành công mỗi vụ nuôi thấp.

Việc tìm ra một giải pháp xác định tình trạng “sức khỏe” tôm nuôi vừa nhanh, đơn giản và chi phí phù hợp đang là vấn đề được ngành thủy sản, hộ nuôi và doanh nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL rất quan tâm.

Hiện nay, chưa có một nguyên nhân chính xác nào có thể khẳng định đó là khởi nguồn bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi. Nhiều giả thiết được đặt ra có thể do chất lượng con giống, môi trường nuôi xuống cấp hoặc do yếu tố thay đổi thời tiết.

Gần đây nhất, tại một hội nghị liên quan đến ngành tôm tổ chức tại TP Cần Thơ, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra con số báo động, khi tỷ lệ nuôi thành công trên con tôm ở Việt Nam chỉ ở mức 30%.

Còn theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong năm 2023 lên đến trên 22.600ha. Con số này bao gồm cả thiệt hại do môi trường, dịch bệnh và một phần không xác định được nguyên nhân.

Tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong năm 2023 của cả nước lên đến trên 22.600ha. Ảnh: Văn Vũ.

Tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong năm 2023 của cả nước lên đến trên 22.600ha. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Đặng Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản 30/4 (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước đây nghề nuôi tôm khá thành công, do môi trường sạch, dịch bệnh ít.

Tuy nhiên, khi bà con chuyển sang phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm, lượng chất thải ra môi trường ngày càng nhiều, dịch bệnh gia tăng, dẫn đến tỷ lệ nuôi thành công giảm.

Theo tính toán của ông Ngọc, nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày cho tôm ăn 100kg thức ăn, nay tăng lên 1.000kg. Lượng thức ăn rải xuống ao nhiều, nhưng tôm chỉ hấp thu được một nửa, một nửa còn lại đưa ra môi trường.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Thiệt hại trước mắt có thể thấy rõ là nhiều hộ nuôi tôm đã phải treo ao, chuyển nghề. Tình trạng vay vốn, rồi thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng không còn xa lạ.

Tại Sóc Trăng, theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến giữa tháng 5/2024, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt trên 13.700ha, trong đó có trên 300ha bị thiệt hại. Hơn 50% diện tích bị thiệt hại do một số dịch bệnh như: hoại tử gan tụy cấp; đốm trắng, phân trắng và EHP.

Thực hiện giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi, ngành thủy sản tỉnh đã thu 55 mẫu tôm. Kết quả cho thấy, 6/55 mẫu dương tính với virus đốm trắng (WSSV), 11/55 mẫu dương tính bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và 6/55 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng (EHP).

Đặc biệt, những tháng đầu năm 2024, ngành thủy sản Sóc Trăng nhận được thông tin xuất hiện bệnh mờ đục hậu ấu trùng (TPD) trên vùng nuôi. Kết quả giám sát vùng nuôi đã phát hiện nhiều ao chết bất thường, chết nhanh ở giai đoạn tôm 3 - 7 ngày tuổi.

Với phương pháp nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, mật độ thả nuôi cao, hộ nuôi sử dụng nhiều nước, thức ăn, tạo áp lực cho môi trường làm phát sinh dịch bệnh. Ảnh: Kim Anh.

Với phương pháp nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, mật độ thả nuôi cao, hộ nuôi sử dụng nhiều nước, thức ăn, tạo áp lực cho môi trường làm phát sinh dịch bệnh. Ảnh: Kim Anh.

Qua điều tra dịch tễ, tôm đa phần chết trong giai đoạn ao ương, mật độ rất dày, mực nước thấp khoảng 0,5 – 0,6m. Sau khi thu mẫu kiểm tra, cơ quan chuyên môn xác định, tôm nuôi dương tính với các bệnh: WSSV, EMS và EHP. Ngoài ra, một số mẫu dương tính đồng thời EMS và EHP.

Nhiều phương pháp chẩn đoán sức khỏe tôm

Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản nhận định, tôm đã phát bệnh thì không thể điều trị. Phòng bệnh là giải pháp chính, giúp người nuôi hạn chế thiệt hại, thông qua việc xử lý nguồn nước thật kỹ, lựa chọn con giống chất lượng tại những đơn vị uy tín.

Hiện nay, cơ bản hộ nuôi xác định tình trạng sức khỏe của tôm dựa vào kinh nghiệm hoặc lấy mẫu gửi về các phòng thí nghiệm (Phòng LAB) để xác định. Tuy nhiên, nhược điểm của những phương pháp này là mức độ chính xác thấp, mất nhiều thời gian, di chuyển xa, với hộ nuôi ở vùng nông thôn sẽ không thuận tiện.

Ngoài ra, một số phương pháp xét nghiệm bệnh truyền thống như xét nghiệm sinh học phân tử PCR cũng chưa thể đáp ứng kịp yêu cầu của các trại nuôi quy mô lớn.

Bộ công cụ RAPID của Công ty Forte Biotech có thể chẩn đoán nhanh và đưa ra kết quả tương đối chính xác 3 loại bệnh phổ biến trên tôm nước lợ là WSSV, EHP và EMS. Ảnh: Kim Anh.

Bộ công cụ RAPID của Công ty Forte Biotech có thể chẩn đoán nhanh và đưa ra kết quả tương đối chính xác 3 loại bệnh phổ biến trên tôm nước lợ là WSSV, EHP và EMS. Ảnh: Kim Anh.

Gần đây, một số hộ nuôi ở các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau đã biết đến và thử nghiệm bộ công cụ RAPID, giúp chẩn đoán và theo dõi mức độ mầm bệnh trong ao nuôi.

Đây là công trình nghiên cứu của một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp Forte Biotech. Theo đại diện doanh nghiệp này, bộ sản phẩm RAPID có khả năng tự xét nghiệm và đưa ra những kết quả tương đối chính xác 3 loại bệnh phổ biến trên tôm nước lợ là WSSV, EHP và EMS.

Ưu điểm của giải pháp này là hộ nuôi có thể tự xét nghiệm các bệnh trên tôm trong vòng 60 phút. Bộ công cụ có hai thiết bị, gồm một máy tách chiết lấy ADN và một máy đọc kết quả. Bên cạnh đó, để xác định chính xác mẫu tôm có nhiễm ba loại bệnh trên hay không, cần thêm “ống mồi” có chứa ADN của một trong ba loại bệnh đó.

Ông Nguyễn Đặng Quang Minh, đồng sáng lập Forte Biotech phân tích, nếu mẫu tôm đưa vào bộ công cụ RAPID có biểu hiện nhiễm bệnh, 2 ADN được tách chiết và trong ống mồi sẽ ghép vào với nhau, cho ra kết quả dương tính. Ngược lại, nếu tôm sạch bệnh, 2 ADN không kết nối với nhau, máy sẽ báo kết quả âm tính.

Sau khi thông qua máy đọc, máy sẽ chiếu đèn led có bước sóng nhất định vào ống mồi có chứa 2 AND, làm phát sáng, tức kết quả dương tính và ngược lại. Toàn bộ quá trình xét nghiệm này, hộ nuôi có thể thực hiện ngay tại ao.

Cơ quan chuyên môn đưa ra nhiều giải pháp, khuyến cáo hộ nuôi phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, giữ vững hiệu quả kinh tế. Ảnh: Kim Anh.

Cơ quan chuyên môn đưa ra nhiều giải pháp, khuyến cáo hộ nuôi phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, giữ vững hiệu quả kinh tế. Ảnh: Kim Anh.

Trường hợp xác định ao tôm nhiễm bệnh, người nuôi sẽ đưa ra quyết định xử lý phù hợp, ít thiệt hại nhất về kinh tế. Ngoài phương pháp trên, các chuyên gia từ Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ), cũng đưa ra giải pháp sử dụng probiotic trong cải thiện môi trường nước và sức khỏe tôm.

Hay giải pháp ứng dụng công nghệ tạo kháng thể phòng bệnh trên tôm do Công ty Cổ phần UV nghiên cứu. Công nghệ này hiện đã được thương mại hóa và ứng dụng thực tế tại một số ao nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với khả năng giúp tôm “chống lại” một số bệnh nguy hiểm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo hộ nuôi, đối với bệnh WSSV, EHP chưa có thuốc đặc trị, việc sử dụng kháng sinh phòng chống bệnh cũng không hiệu quả.

Do đó, trong quá trình nuôi tôm, hộ nuôi cần áp dụng một số biện pháp phòng bệnh trong quá trình nuôi như: cải tạo ao kỹ lưỡng để loại bỏ mầm bệnh từ đợt nuôi trước; có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt. Nguồn nước trước và sau khi sử dụng phải được xử lý, diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất được Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng.

Khi lựa chọn con giống, phải đảm bảo chất lượng, kiểm tra bằng cảm quan, kết hợp với xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhằm loại bỏ những lô tôm giống mang mầm bệnh. Ngoài ra hộ nuôi cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm, màu nước và các chỉ tiêu môi trường…

Trước đó, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã cam kết hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng các giải pháp sinh học thay thế thuốc kháng sinh điều trị bệnh trên tôm. Đồng thời, Hiệp hội sẽ hỗ trợ tỉnh thành lập điểm nghiên cứu về dịch bệnh trên tôm để có giải pháp kỹ thuật cụ thể phòng, trị bệnh trên tôm.

Triển khai 20 mô hình nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi kiểm soát dịch bệnh và thực hiện các nghiên cứu về tầm soát bệnh trên tôm nuôi tại Sóc Trăng.

Xem thêm
Chất lượng bò thịt Bình Định ngày càng được nâng cao

Với tỷ lệ bò lai đạt trên 93%, chất lượng bò thịt ở Bình Định ngày càng nâng cao, góp phần phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2021-2025.

Đất trũng nở hoa sen

Những vùng đầm lầy hoang hóa giờ đây đã biến thành các đầm sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp cho Thành phố mà còn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.