| Hotline: 0983.970.780

Cần thước đo quản lý ngành tôm để chuẩn hóa quy trình kiểm soát dịch bệnh

Thứ Năm 07/12/2023 , 15:12 (GMT+7)

ĐBSCL Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành tôm, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần chuyển sang giai đoạn quản lý bằng những chuẩn mực, tiêu chuẩn.

Tỷ lệ thua lỗ trong nuôi tôm do dịch bệnh biến động hàng năm, ảnh hưởng đến nhiều bà con nông dân khu vực ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tỷ lệ thua lỗ trong nuôi tôm do dịch bệnh biến động hàng năm, ảnh hưởng đến nhiều bà con nông dân khu vực ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê của Cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới.

Đặc biệt, ngành tôm đóng góp 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hiện ngành hàng này chưa xây dựng được một quy trình chuẩn về sản xuất, người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm riêng, khiến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh, với tỷ lệ khoảng 20% diện tích thả nuôi. Trong đó, bệnh vi bào tử trùng (EHP) phát sinh nhiều ở các tỉnh: Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau.

Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, lo ngại lớn nhất của ngành tôm hiện nay đến từ thiệt hại do dịch bệnh.

Còn ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ sản sạch Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng là người nuôi phải nắm được những kiến thức về thổ nhưỡng vùng nuôi, thời điểm bùng phát dịch bệnh hoặc tìm hiểu về các loại dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa.

Ông Phục quan ngại, việc để con giống kém chất lượng lưu thông quá nhiều như hiện nay là "cái tội" rất lớn đối với bà con nuôi tôm, gây thiệt hại cho cả ngành kinh tế.

Tiếp nối vấn đề dịch bệnh trên tôm nuôi, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro cho ngành tôm, có nhiều chuyện phải làm.

Điển hình, cơ quan Nhà nước phải nỗ lực để giảm thiểu rủi dịch bệnh thông qua việc tăng cường kiểm soát chất lượng giống. Đối với các hộ nuôi cần thực hiện theo tiêu chí “ăn chắc mặc bền”, nghĩa là tổ chức sản xuất trong phạm vi, khả năng tài chính và hiểu biết kỹ thuật cho phép.

Các hộ nuôi tôm cần tổ chức sản xuất trong phạm vi, khả năng tài chính và kỹ thuật cho phép để giảm thiểu thiệt hại trong quá trình nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Các hộ nuôi tôm cần tổ chức sản xuất trong phạm vi, khả năng tài chính và kỹ thuật cho phép để giảm thiểu thiệt hại trong quá trình nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Đối với lĩnh vực chế biến, doanh nhân này cũng đưa ra một số giải pháp như xem xét thế mạnh riêng của từng doanh nghiệp, tìm thị trường thích hợp và cố gắng giảm giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh.

Song song đó, việc tìm kiếm thêm đối tác, bạn hàng mới cũng phải được doanh nghiệp tính toán để giữ vững tăng trưởng. Tạo nguồn tài chính chia sẻ với bà con nông dân nuôi tôm… các yếu tố này sẽ là những mắt xích quan trọng để chuỗi ngành hàng tôm tồn tại và phát triển bền vững.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thuỷ sản miền Nam cũng đánh giá, quy trình nuôi của ngành tôm hiện chưa hoàn thiện, cả yếu tố đầu vào, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật nuôi.

Thế nhưng, xét về mặt tích cực, yếu tố phi công nghiệp được ông Tuấn đánh giá là điểm hấp dẫn của ngành, tạo cơ hội để thu hút các “ông lớn” tham gia chuỗi liên kết. Dẫn chứng cho nhận định này, ông Tuấn cho biết, lĩnh vực chăn nuôi heo hay gà khi được chuẩn hóa quy trình sản xuất, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư, cho ra sản lượng rất cao.

Nhìn nhận ở thực tế ngành tôm, ông Tuấn xem đây là câu chuyện bình thường và phải chấp nhận để dần chuyển hướng, thu hút các nhà đầu tư lớn.

Chuyển dịch xu hướng quản lý ngành tôm bằng những chuẩn mực, tiêu chuẩn, phương pháp cụ thể là điều tất yếu. Ảnh: Kim Anh.

Chuyển dịch xu hướng quản lý ngành tôm bằng những chuẩn mực, tiêu chuẩn, phương pháp cụ thể là điều tất yếu. Ảnh: Kim Anh.

“Các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư lớn khi tham gia vào chuỗi ngành hàng tôm sẽ phát triển mạnh về quy mô, cách thức làm ăn, ngành muốn được như mong đợi phải tạo ra cuộc chơi cho các nhà đầu tư lớn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Do đó xu hướng tất yếu hiện nay là chuyển sang giai đoạn quản lý bằng những chuẩn mực, tiêu chuẩn. Cụ thể về giống, phải có những “thước đo” đảm bảo con giống tốt, sạch bệnh, phương pháp đo lường như thế nào cần phải được chuẩn hoá. Tương tự, trong khâu nuôi, chế biến… cũng cần được quản trị bằng chuẩn mực, phương pháp cụ thể.

Đánh giá sơ bộ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN-PTNT), tỷ lệ thua lỗ trong nuôi tôm do dịch bệnh biến động hàng năm, do đó việc tích hợp các giải pháp kỹ thuật quản lý ao nuôi nhằm giảm thiểu dịch bệnh trên tôm nuôi, tăng hiệu quả sản xuất rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc tăng mật độ thả nuôi tôm cần tính đến tỷ lệ và tốc độ thay nước và khả năng lọc nước của hệ thống lọc, để có thể tiết kiệm được các chi phí về hóa chất, vi sinh, khoáng, năng lượng…

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.