| Hotline: 0983.970.780

Tạm ngưng xuống giống tôm để hạn chế dịch bệnh

Thứ Bảy 09/12/2023 , 16:10 (GMT+7)

ĐBSCL Trước tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến cáo hộ nuôi tạm ngưng xuống giống, tập trung cải tạo ao nuôi.

Thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa, đây là một trong những yếu tố được ngành chuyên môn đánh giá tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: Kiều Trang.

Thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa, đây là một trong những yếu tố được ngành chuyên môn đánh giá tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: Kiều Trang.

Cuối năm, thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa, đây là một trong những yếu tố được ngành chuyên môn đánh giá tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi.

Ghi nhận thực tế tại tỉnh Bến Tre, các bệnh hiện đang phổ biến là đốm trắng chiếm khoảng 87% diện tích thiệt hại, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu thiệt hại 6,9% và bệnh hoại tử gan tụy cấp chiếm 6,28%.

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho thấy, đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú gây thiệt hại khoảng 740ha diện tích thả nuôi. Trong đó, thiệt hại trên tôm sú chiếm khoảng 8,5ha, tôm thẻ là 731ha. 

Còn theo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản tỉnh được thực hiện gần đây, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh từ các mẫu thu được ngoài môi trường tự nhiên rất cao. Nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô. Ngành chuyên môn đánh giá, đây là nguồn lây chủ yếu trên tôm nuôi.

Ngoài ra, kết quả giám sát chủ động dịch bệnh tại các ao tôm đang nuôi do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre thực hiện khẳng định có sự xuất hiện của virus gây ra các bệnh trên trong ao nuôi. 

Do đó, thời gian tới, nếu không có biện pháp quản lý kịp thời, dịch bệnh trên tôm có thể bùng phát khó kiểm soát.

Giai đoạn này, bà con nuôi tôm nên tạm ngưng thả giống, tập trung cải tạo, tu sửa bờ và đáy ao, chờ thông báo khung lịch thời vụ. Ảnh: Kiều Trang.

Giai đoạn này, bà con nuôi tôm nên tạm ngưng thả giống, tập trung cải tạo, tu sửa bờ và đáy ao, chờ thông báo khung lịch thời vụ. Ảnh: Kiều Trang.

Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre chỉ đạo hệ thống thú y các cấp, đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, quản lý môi trường nước ao nuôi, thực hiện lấy mẫu giám sát định kỳ và theo dõi chặt chẽ các yếu tố quan trắc môi trường.

Bên cạnh đó, khi người nuôi tôm khai báo dịch bệnh, hệ thống thú y các cấp cần nhanh chóng triển khai thực hiện thu mẫu kiểm tra, hướng dẫn người nuôi xử lý ao nuôi, hỗ trợ hóa chất xử lý.

Tính riêng năm 2023, tỉnh Bến Tre được hỗ trợ 90 tấn chlorine từ Bộ NN-PTNT. Các địa phương đã thực hiện cấp phát hỗ trợ cho các hộ nuôi 60 tấn, với 287 hộ dân để thực hiện xử lý 116ha diện tích thiệt hại. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp nhận thêm 30 tấn hóa chất để tiếp tục hỗ trợ người nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ, để kiểm soát dịch bệnh trên tôm, nhiều năm qua tỉnh luôn có chính sách hỗ trợ 100% hóa chất cho người nuôi bị thiệt hại do nhiễm dịch bệnh phải công bố dịch để xử lý nước ao tôm bệnh. 

Hóa chất hỗ trợ được trích từ nguồn dự trữ quốc gia và dự trữ của tỉnh. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn hạn chế, trước mắt Sở NN-PTNT sẽ tham mưu trình Bộ NN-PTNT tiếp tục xem xét hỗ trợ hóa chất để kịp thời xử lý mầm bệnh từ ao nuôi, hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Đối với hình thức nuôi tôm rừng, tôm quảng canh và tôm sú - lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con giai đoạn này cần tập trung công tác cải tạo, gia cố bờ ao nuôi chờ độ mặn đảm bảo cao hơn 5‰ tiến hành lấy vào ao nuôi qua túi lọc. Khi thời tiết ổn định, bệnh đốm trắng giảm thấp bà con nuôi tôm tiến hành diệt tạp, chọn giống đảm bảo chất lượng thả nuôi.  

Với ao nuôi thâm canh, bán thâm canh theo phương thức truyền thống đã thu hoạch nên tạm ngưng thả giống, tập trung cải tạo, tu sửa bờ và đáy ao, chờ thông báo khung lịch thời vụ.

Các ao đang nuôi chỉ thay nước khi cần thiết, nguồn nước phải được xử lý bằng Chlorine với liều lượng 30ppm (tương đương 30kg/1000m3 nước) trước khi cấp cho ao nuôi.  

Bà con cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. Ảnh: Kiều Trang.

Bà con cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. Ảnh: Kiều Trang.

Ngoài ra, do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh cuối năm, nhiệt độ nước ao nuôi có xu hướng giảm. Để ổn định môi trường nuôi, người nuôi cần định kỳ xử lý ao vào lúc gần sáng với vôi đá xay liều lượng 15 - 20kg/1000m3.

Song song đó, bà con cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để phát hiện dấu hiệu bất thường. Chủ động giảm lượng thức ăn, trộn thuốc hỗ trợ trị bệnh vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tăng cường mở quạt nước, xi phông đáy ao loại bỏ cặn bã hữu cơ, thức ăn thừa trong ao.

Xem thêm
Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Có mưa, nông dân vùng hạn mặn Gò Công chuẩn bị xuống giống vụ hè thu

TIỀN GIANG Tại vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã thấm ướt mặt ruộng khô cằn sau những ngày nắng gắt, nước mặn vây quanh.

Lớp tập huấn đầu tiên về quy trình canh tác lúa giảm phát thải

SÓC TRĂNG Từ ngày 17 – 23/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến tại 5 địa phương thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.