Ổn định diện tích 400 nghìn ha
Tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 các tỉnh phía Bắc do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Nghệ An ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Các địa phương không làm bằng mọi giá nhưng cố gắng làm bằng mọi cách để sản xuất đạt kế hoạch 400 nghìn ha; sản lượng khoảng 5 triệu tấn; tổng giá trị sản xuất khoảng 38 – 40 nghìn tỷ đồng và trung bình giá trị sản xuất khoảng 95 – 100 triệu đồng/ha”.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, từ trước đến nay, do yếu tố thời tiết, khí hậu, sản xuất vụ đông gần như là vụ khó khăn nhất trong năm. Tuy nhiên, giá trị về mặt kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực của mùa vụ này đối với nông dân cực kỳ quan trọng. Nhìn lại vụ đông năm 2021, diện tích, năng suất và sản lượng đều sụt giảm so với năm 2020. Tuy nhiên, giá trị kinh tế lại tăng hơn năm 2020 khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.
Theo Cục Trồng trọt, sở dĩ giá trị thu nhập cây vụ đông 2021 tăng so với năm 2020 là do các địa phương mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng chịu áp lực về thời vụ, giá trị kinh tế không cao như đậu tương, khoai lang sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và ít chịu áp lực về thời vụ như nhóm hoa - cây cảnh, rau ăn củ, rau ăn quả chất lượng cao, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi… Chú trọng sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo ATTP, có đầu ra ổn định; đồng thời trồng rải vụ, góp phần tăng giá bán.
Đối với vụ đông năm 2022, theo dự báo, lượng mưa từ tháng 9/2022 đến đầu năm 2023 sẽ cao hơn và mưa dồn dập hơn so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, nền nhiệt độ tại các tỉnh dự báo cũng sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C. Với hình thái thời tiết như vậy, kế hoạch sản xuất vụ đông sẽ gặp không ít khó khăn.
Theo Cục Trồng trọt, năm nay, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt độ các tháng đầu mùa đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Vì vậy, các địa phương nên cơ cấu tỷ lệ nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc) khoảng 50% và nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) 50%.
Trồng rải vụ, tránh mất cân đối cung – cầu
Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa để chủ động xây dựng kế hoạch xuống giống, tận dụng tối đa diện tích để gieo trồng cây vụ đông. Phải đa dạng hóa các nhóm cây khác nhau và trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Có thể mở rộng diện tích nhóm đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, khoai tây chế biến, cây dược liệu, nấm…
Thời vụ với nhóm cây ưa ấm, nên kết thúc gieo trồng trước 1/10; nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10. Riêng với cây khoai tây, tập trung xuống giống từ 25/10 đến 15/11. Lưu ý cây ngô, nếu chậm thời vụ có thể xem xét chuyển từ trồng ngô lấy hạt sang ngô sinh khối để né thời tiết bất lợi.
Tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, vụ đông trở thành vụ sản xuất chính của bà con, vì vậy, quá trình chỉ đạo hay xây dựng chính sách tỉnh này đặc biệt quan tâm.
“Năm nay chúng tôi tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân thuê đất sản xuất cây vụ đông; hỗ trợ 50% các loại giống rau màu; tiền mua giống ngô… với tổng mức hỗ trợ khoảng 21 tỷ đồng. Đồng thời, phát triển diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp lên khoảng 7 nghìn ha trên tổng diện tích 46 nghìn ha”, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho hay.
Chia sẻ khó khăn hiện nay về sản xuất vụ đông, hầu hết đại biểu lo ngại về giá cả và đầu ra của sản phẩm. Điều này xuất phát từ việc thiếu hụt các doanh nghiệp, nhà máy sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đề xuất Bộ NN-PTNT xây dựng chính sách đủ mạnh để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho chế biến, bảo quản sản phẩm. Riêng tỉnh Hải Dương, vốn có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất hiệu quả cây vụ đông, năm nay sẽ mở rộng diện tích rau màu trên đất hai vụ lúa.
“Việc luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ rau sẽ mang lại lợi ích kép, vừa gia tăng hiệu quả kinh tế vừa hạn chế sâu bệnh gây hại. Hiện Hải Dương đã trồng được 2.000ha cây vụ đông, khoảng 1 tháng nữa chúng tôi sẽ có rau để bán, đón đầu thị trường đầu vụ”, bà Kiểm nhấn mạnh.
Về kinh nghiệm sản xuất thắng lợi cây vụ đông, bà Lương Thị Kiểm cho rằng, việc chia thành nhiều nhóm cây trồng khác nhau để có chính sách hỗ trợ là yếu tố hàng đầu. Nhóm cây ổn định, có tiềm năng mở rộng thị trường thì hỗ trợ nâng cao chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu; nhóm chi phí đầu tư cao như khoai tây, tổ chức hỗ trợ theo chuỗi liên kết, đưa cơ giới hóa vào sản xuất…
Năm 2021, với diện tích 22 nghìn ha, cây vụ đông đem lại cho nông dân Hải Dương hơn 3.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị kinh tế đạt tới hơn 209 triệu đồng/ha, một con số rất đáng ngưỡng mộ.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho rằng: Sản xuất vụ đông phải căn cứ vào nhu cầu thị trường trên địa bàn. Như huyện Thanh Chương, với đặc thù có đàn trâu bò lớn nhất nhì tỉnh nên diện tích sản xuất hàng năng của huyện chủ yếu vẫn là cây ngô. Ngoài trồng ngô lấy hạt, huyện mở rộng diện tích ngô sinh khối, vừa phục vụ chăn nuôi nông hộ vừa bán cho nhà máy bò sữa của Tập đoàn TH.
Ngoài ra, những diện tích đất lúa kém hiệu quả, Thanh Chương cũng chuyển đổi sang các cây trồng khác như bí xanh, rau màu ngắn ngày.