| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An kỳ vọng lớn vụ đông 2022, tự tin hoàn thành cả 3 mục tiêu

Thứ Tư 10/08/2022 , 07:45 (GMT+7)

Vụ đông 2022 tại Nghệ An dự báo gặp nhiều thách thức, dù vậy ngành nông nghiệp tỉnh này vẫn tự tin đạt mức cao nhất cả về diện tích, năng suất lẫn sản lượng.

Ngành nông nghiệp Nghệ An đã truyền tải nhiều thông điệp quan trọng tại Hội nghị 'Triển khai đề àn sản xuất vụ đông 2022'. Ảnh: Việt Khánh.

Ngành nông nghiệp Nghệ An đã truyền tải nhiều thông điệp quan trọng tại Hội nghị "Triển khai đề àn sản xuất vụ đông 2022". Ảnh: Việt Khánh.

Chiều ngày 9/8, Sở NN-PTNT Nghệ An đã tổ chức Hội nghị “Triển khai đề án sản xuất vụ đông năm 2022”.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, lượng mưa thời gian tới cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 10 – 25%, kéo theo nguy cơ ngập úng trên diện rộng và gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông của Nghệ An. Bên cạnh đó, giá cả xăng dầu, vật tư tăng cao, nhân lực thiếu hụt, thị trường thiếu ổn định… cũng là những bài toán nan giải không kém.

Dù đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng ngành NN-PTNT Nghệ An vẫn tự tin hướng đến vụ đông 2022 thắng lợi toàn diện. Kế hoạch sẽ đạt mức cao nhất cả về diện tích, năng suất lẫn sản lượng.

Vụ đông 2022 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.430 ha cây trồng các loại (ngô, lạc, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại). Trong đó, diện tích trên đất bãi ven sông khoảng 7.500 ha, đất màu ven biển 4.700 ha, trên đất lúa 3.265 ha, trên đất đồng 19.965 ha.

Để hoàn thành những chỉ tiêu không thể nói suông, ngược lại phải định hướng xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất phù hợp gắn chặt với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của số đông người tiêu dùng.

Đối với diện tích đất 2 lúa phải bố trí canh tác trên những vùng chủ động tưới tiêu, thoát nước tốt. Những vùng này ưu tiên sử dụng các loại cây trồng có giá trị (bầu bí, dưa chuột, ngô sinh khối, ngô thu hoạch bắp tươi), đồng thời lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn. Còn với những vùng chuyên canh sản xuất rau, củ, quả cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền thúc đẩy mở rộng diện tích đáp ứng các tiêu chuẩn về VietGAP, hữu cơ…

Ngô vẫn là mặt hàng chủ lực của Nghệ An tại vụ đông 2022. Ảnh: Việt Khánh.

Ngô vẫn là mặt hàng chủ lực của Nghệ An tại vụ đông 2022. Ảnh: Việt Khánh.

Tổng quan là vậy, đi sâu vào chi tiết đòi hỏi mỗi lĩnh vực, mỗi nội dung phải thực hiện bài bản, chuẩn chỉ, tuân thủ chặt chẽ theo khuyến cáo, chỉ đạo chung. Đơn cử như công tác Bảo vệ thực vật (BVTV), cần chủ động quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ưu tiên các mặt hàng có nguồn gốc sinh học để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh, đặc biệt là các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép.

Để vụ đông thắng lợi nhất thiết cần đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một mặt các địa phương phải căn cứ vào các chính sách, cơ chế thúc đẩy hiện hành, mặt khác cần chủ động xây dựng kế hoạch, trích ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích các bên thúc đẩy hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ngoài ra, có phương án nâng cấp cở sở hạ tầng nông thôn để thu hút hiệu quả các doanh nghiệp quy mô đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ ngay từ ban đầu, tránh trường hợp đến đâu hay đến đây.

Từ Đề án chung, các địa phương phải dựa vảo điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch phù hợp để phát huy tối đa giá trị của cây trồng. Ảnh: Việt Khánh.

Từ Đề án chung, các địa phương phải dựa vảo điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch phù hợp để phát huy tối đa giá trị của cây trồng. Ảnh: Việt Khánh.

Theo quan điểm của Ngành NN-PTNT Nghệ An, trên cơ sở khung thời vụ và các giống đã nêu trong Đề án, tùy vào điều kiện cụ thể của từng từng vùng (điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, trình độ thâm canh)  các địa phương phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng, từ đó có kế hoạch gieo trồng sát với tình hình thực tế, mục đích nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy đến, lại đảm bảo năng suất cây trồng, đặc biệt là không ảnh hưởng đến kế hoạch vụ xuân 2023.

Kết luận Hội nghị, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định vụ đông giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2022.

“Đành rằng vụ đông có số lượng, chủng loại và cơ cấu giống cây trồng được chuẩn bị khá phong phú, đầy đủ, đặc thù về sản xuất hàng hóa nhưng thường gặp bất lợi về yếu tố thời tiết (mưa gió, bão lũ bất thường). Xuất phát từ những yếu tố trên đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành phải kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.