6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông sản tăng gần 2,4%
Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh cũng như những biến động từ thị trường, ngành nông nghiệp Thủ đô đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng với tình hình để duy trì tăng trưởng, trong đó có việc chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các biện pháp kết nối thị trường.
Vì vậy, dù đối diện nhiều khó khăn nhưng hầu hết các lĩnh vực chính của ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng với kết quả nổi bật. Cụ thể, giá trị sản xuất nông sản của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 đạt 21.454 tỷ đồng, tăng 2,39% so với cùng kỳ. Trong đó nông nghiệp đạt 19.839 tỷ đồng, tăng 2,38%; thủy sản đạt 1.572 tỷ đồng, tăng 2,67%...
Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung mở rộng diện tích trồng rau, tập trung vào các loại rau ngắn ngày, có hiệu quả kinh tế cao và cây ăn quả. Theo đó, 6 tháng đầu năm, diện tích rau của Hà Nội đã đạt 23.878ha, tăng 2,25%; diện tích cây ăn quả 19.810 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đầu tư cho chăn nuôi chất lượng cao để duy trì giá trị tăng trưởng.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn đối mặt với những thách thức lớn. Đó là chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, thị trường không ổn định; các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ... Đặc biệt, nguy cơ tái phát dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,5 - 3% trong năm nay, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với địa phương triển khai các giải pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng; chủ động triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông trên cơ sở có các điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng...
"Vụ đông là vụ gieo trồng chính của Hà Nội, là thời điểm tiêu thụ nông sản cao nhất trong năm nên các địa phương cần chủ động trong sản xuất. Hà Nội phấn đấu diện tích gieo trồng vụ đông đạt 29.625ha; tập trung vào các loại giống mới, ngắn ngày, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao...", ông Chu Phú Mỹ cho hay.
Để giữ nhịp tăng trưởng trong những tháng cuối năm, với lĩnh vực chăn nuôi, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa chia sẻ: Trung tâm sẽ hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm; thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có sự kết nối với doanh nghiệp và thị trường để ổn định thị trường tiêu thụ.
Chuẩn hóa hệ thống phân tích, chứng nhận chất lượng nông sản
Theo đánh giá, năng lực phân tích và chứng nhận chất lượng nông sản, thực phẩm của ngành nông nghiệp Hà Nội hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước. Dù vậy, phạm vi đánh giá các sản phẩm hiện chủ yếu mới dừng ở việc phân tích, chứng nhận đối với tiêu chuẩn trong nước.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nhận thức của một bộ phận người dân về sản phẩm được chứng nhận vẫn còn những hạn chế nhất định. Tâm lý đánh đồng giữa sản phẩm thông thường và các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng, được cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, chứng nhận vẫn còn khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã… trong việc tiếp cận với các tiêu chuẩn sản xuất tốt.
Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, xu hướng hội nhập kinh tế, định hướng xuất khẩu hàng hóa, nông sản của Thành phố đòi hỏi năng lực phân tích, chứng nhận phải được cải tiến mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung vào phân tích, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là tiêu chuẩn dành cho nhóm sản phẩm hữu cơ.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác với một số tổ chức kiểm nghiệm, chứng nhận, đánh giá quốc tế để phát triển nguồn nhân lực cũng được ngành NN-PTNT Hà Nội xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thông qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đánh giá, phân tích và chứng nhận, nông sản, hàng hóa của Hà Nội có thể tham gia vào các chương trình chứng nhận mới như: Chứng chỉ quản lý bền vững (FSC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của châu Âu (Global GAP) hay ISO 22.000:2018…
Từ nay đến cuối năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện việc chuyển giao cơ sở hạ tầng để bố trí mặt bằng, chuẩn hóa điều kiện phòng thí nghiệm để đáp ứng đầy đủ điều kiện tham gia hệ thống kiểm nghiệm, chứng nhận quốc gia. Đồng thời, duy trì việc tiến hành các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm, xử lý nghiêm vi phạm đối với các tổ chức chứng nhận.