| Hotline: 0983.970.780

Đặc sản rau su su Tân Lạc

Thứ Bảy 23/12/2023 , 08:38 (GMT+7)

Nhờ được 'trời phú' điều kiện sinh thái riêng biệt, cây su su trồng ở các xã vùng cao huyện Tân Lạc luôn cho năng suất thu hoạch ngọn cao, chất lượng ngon vượt trội.

Các ruộng trồng su su đều ở chân núi.

Các ruộng trồng su su đều ở chân núi.

Tỉnh Hoà Bình có vùng trồng rau su su gần 100ha tại 2 xã Quyết Chiến và Vân Sơn (Tân Lạc), mỗi năm cho thu hoạch hơn 6.000 tấn ngọn rau chất lượng cao, giá trị sản lượng ước đạt 40 tỷ đồng, tương ứng thu nhập 400 triệu đồng/ha canh tác/năm. Nhờ trồng rau su su, nhiều nhà nông nơi đây đã thoát nghèo và từng bước làm giàu.

Ông Đinh Công Khoa, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến cho biết, ban đầu có một số nhà nông ở xóm Biệng (thuộc xã) được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật đã mạnh dạn chuyển đổi một phần ruộng gieo cấy lúa không chủ động tưới tiêu sang trồng su su lấy ngọn. Thấy cây su su sinh trưởng, phát triển khoẻ, chất lượng ăn rất ngon, giá trị thương mại cao, được HTX Rau VietGAP Quyết Chiến bao tiêu hết sản phẩm làm ra nên bà con đã mở rộng diện tích trồng. Nghề trồng rau su su hình thành ở xóm Biệng, rồi phổ biến kinh nghiệm ra sản xuất các xóm khác trong xã kể từ năm 2017. Kết quả đến nay, toàn xã đã trồng được 80ha rau su su tại các xóm Biệng, Khao, Ưng, Cá và xóm Bắc Thung.

Ông Bùi Văn Quý ở xóm Biệng trồng 3ha rau su su, mỗi năm cắt được 180 tấn ngọn, toàn bộ đều bán xuống các cửa hàng rau đặc sản ở Hà Nội, tổng thu nhập đạt gần 1,1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh cơ cấu trồng rau su su là chính, ông Quý còn trồng 3,5ha cải củ DongHa và cải thảo CR Summer King Hàn Quốc, cho giá trị thu nhập cao.

Anh Đinh Văn Quý kiểm tra ngọn rau su su trước khi thu hái.

Anh Đinh Văn Quý kiểm tra ngọn rau su su trước khi thu hái.

Theo ông Quý, cây su su trồng ở xã Quyết Chiến ít bị sâu bệnh hại, ít phải tưới dưỡng nước, không phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học nên được coi là rau sạch, đặc sản của những người sành ăn ở Hà Nội. Thời vụ thu hoạch rau liên tục từ tháng 4 đến 12, sản lượng đạt cao nhất vào tháng 5 và 6. Thời kỳ thu hái rộ, ngày nào ông Quý cũng xuất vườn được 150 - 200kg ngọn su su, bình thường cách 2 - 3 ngày thu hái 1 lứa.

Để đảm bảo sản xuất các loại rau, ông Quý phải thuê mượn 10 lao động thường xuyên và 20 - 30 lao động thời vụ, trả công 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày. Qua đó, ông giúp cho hàng chục bà con trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Bùi Văn Huấn ngoài trồng su su ở xóm Biệng còn thuê thêm ruộng ở xóm khác với tổng diện tích 1,5ha để sản xuất rau. Ông Huấn cho biết, đầu vụ (tháng 5 - 6) ông bán được giá 12.000 đồng/kg ngọn su su, cuối vụ như tháng 12 này vẫn được giá 6.000 đồng/kg rau. Sản phẩm rất dễ bán, chiều nào cũng có ô tô thương lái ghé vào tận ruộng thu mua. Theo đó, những hộ trồng su su ở sâu trong núi thường hái rau từ sáng sớm mang về sơ chế, nhặt bỏ hết các tua cuốn và ngọn rau sâu bệnh rồi bao gói, gửi tại cửa nhà các hộ ở ven trục đường chính của xã để thương lái thu gom thuận lợi.

Tại xã Vân Sơn hiện đang trồng 19,7ha su su, sản lượng rau đạt gần 1.200 tấn, giá trị thu hoạch trên 7 tỷ đồng. Hiện các nhà nông xã này đang tận dụng mọi diện tích có thể cho mở rộng diện tích trồng su su lấy ngọn.

Sơ chế ngọn su su trước khi xuất bán.

Sơ chế ngọn su su trước khi xuất bán.

Các địa phương trồng su su lấy ngọn ở Tân Lạc đều nằm ở độ cao trung bình 800m so với mặt biển, có thời tiết quanh năm mát mẻ, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn (trên 10 độ C), thuận lợi cho cây trồng tích luỹ dinh dưỡng nên thường đạt năng suất cao. Đồng thời, các ruộng trồng rau đều nằm trong thung lũng núi, được bồi dục bởi các khoáng chất và mùn bã hữu cơ rửa trôi từ rừng xuống giúp giảm đáng kể các loại phân bón vô cơ cho cây trồng, gia tăng chất lượng nông sản nói chung.

Tiềm năng sản xuất rau su su tại các xã vùng cao Tân Lạc còn lớn. Rau sản xuất tại đây luôn cho năng suất cao và chất lượng ngon nổi tiếng. Nhưng hiện nay rau của xã Quyết Chiến phải "đi vòng" qua tay các thương lái ở Tam Đảo (Vĩnh  Phúc), rồi mới bán lại xuống thị trường Hà Nội, vì rau su su Tam Đảo đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý. Để khắc phục khó khăn này, UBND tỉnh Hoà Bình đã kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận "Rau su su Quyết Chiến" đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Dự kiến trong thời gian tới, huyện Tân Lạc sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho rau su su Tân Lạc nhằm khẳng định danh tiếng vốn có của cây rau trên địa bàn, tránh phải bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá trị sản xuất cho nhà nông, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng su su, nâng cao đời sống nhân dân vùng cao.  

Xe thương lái mua gom rau su su.

Xe thương lái mua gom rau su su.

Thực tế cũng cho thấy, đường giao thông kiên cố hoá tới đâu, đời sống và sinh kế của bà con miền núi khởi sắc tới đó. Vì vậy rất cần nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển mạng lưới giao thông tại các khu vực vùng sâu vùng xa, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn, kết nối với các xóm/bản.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.