| Hotline: 0983.970.780

Đặc sản rượu đao của người Dao đỏ

Thứ Ba 17/02/2015 , 20:04 (GMT+7)

Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, người dân tộc Dao đỏ ở xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) tất bật chuẩn bị món rượu đao truyền thống.

Nhà nào không có rượu nấu từ loại cây hoang dại này mời khách, được xem như… chưa có Tết.

Cây hoang dại nhiều hữu ích

Đao là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, nhiều nhất là nơi đất ẩm thấp, đặc biệt là gần khe nước tại các thung lũng.

Trước đây, mỗi khi bước vào mùa giáp hạt, người dân miền núi thường vào rừng chặt hạ cây đao đem về băm nhỏ, bỏ vào cối giã mịn, sau đó đổ nước sạch vào hoà tan rồi lọc lấy tinh bột (như cách làm bột sắn dây), cuối cùng lấy phần bột lắng để nặn thành những miếng bánh xếp vào nồi đồ lên, khi chín đem ra ăn như bánh sắn, để thay cơm gạo những ngày thiếu đói.

Hoặc là nặn thành từng miếng mỏng, chiên mỡ, ăn thơm ngon như bánh rán. Đó là hai cách ăn cứu đói phổ biến nhất.

Phần ngọn đao (còn gọi là nõn đao), dùng ăn sống cũng rất ngon, khi ăn có vị bùi, giòn tan kèm theo ngọt dịu mát khoan khoái. Cũng có thể thái mỏng để xào với các loại thịt gia súc, gia cầm hoặc nấu với canh xương, sẽ không cần phải bỏ mì chính, bột ngọt nhưng nước canh vẫn luôn ngọt đậm, mùi vị rất hấp dẫn.

10-03-07_img_7230
Chị Bàn Thị Phin (thôn Nà Lạ) băm nhỏ thân đao

Lá đao đem về lợp nhà rất lâu hỏng, cật đao đan làm chiếu, càng nằm lâu năm càng bóng. Nói chung, một cây đao chặt xuống, mọi thứ đều dùng được từ làm thức ăn, đồ uống đến dụng cụ phục vụ sinh hoạt.

Rượu đao dễ nấu

Ông La Cùn Khiền 86 tuổi, dân tộc Dao đỏ ở thôn Nà Lạ, là người giỏi nấu rượu đao, đã chia sẻ kinh nghiệm: Khi bước vào mùa đông, cây đao ít nước nhưng lại nhiều bột, cũng là lúc người dân vào rừng tìm những gốc đao to khoẻ nhất để chặt hạ gọt đẽo sạch vỏ rồi đem về nhà.

Bước đầu, thân đao được băm nhỏ như hạt ngô, hạt gạo sau đó bỏ vào nồi đồ (như đồ xôi), đun đồ khoảng 2 tiếng, sau đó múc đao chín rải đều ra mẹt, chờ nguội dùng men giã nhỏ rắc vào.

Cứ 100 kg bột đao, đảo lẫn 4 kg bột men lá, sau đó dùng cót quây, hoặc bồ đựng rồi lót bằng mấy lớp lá chuối tươi vây ủ, để che kín gió, giúp cho đao nhanh lên men. Đối với mùa đông khoảng 20 ngày, còn mùa hè khoảng 15 ngày sẽ có mùi thơm toả ra, cũng là lúc đưa vào chõ gỗ truyền thống, để chưng cất lấy rượu.

Nếu nguyên liệu là cây đao chặt vào mùa đông (mùa có nhiều bột), thì 100 kg đao, nấu được 20 lít rượu ngon, đậm đặc. Còn mùa hè cây đao nhiều nước, 100 kg đao cũng chỉ chưng cất được khoảng 18 lít rượu.

Sau khi chưng cất xong rượu lần thứ nhất, bã đao được vớt ra để nguội rồi tiếp tục đảo trộn với men, sau đó lại ủ với thời gian như trên, khi có mùi thơm tiếp tục vớt ra để chưng cất lấy rượu. Tuy nhiên, nếu đao ủ lần 1 chỉ mất 4 kg men/100 kg đao, thì bã ủ lại phải mất 5 kg men/100kg.

10-03-07_img_7238
Chị Phin kiểm tra bột đao lên men

Riêng rượu đao chưng cất ở lần 1 so với lần 2 không có gì khác biệt về nồng độ, vị ngon, cũng như số lượng rượu thu được.

Nếu bã đao chưa nát, vẫn có thể vớt để ủ men và chưng cất lần 3, nhưng thường được ít rượu và nhạt về nồng độ, khi nấu rất hay bị bén nồi và rượu thường có vị đắng nồng của hơi men, nên chẳng mấy ai chưng cất lần 3 đối với rượu đao.

Bà Bàn Thị Chạn, 82 tuổi là người có tay nghề nấu rượu đao nổi tiếng của thôn Nà Lạ bộc bạch: “Tôi có 8 người con, 4 trai, 4 gái đều đã xây dựng gia đình. Tôi vui vì đã dạy cho từ con đến cháu đều biết cách nấu rượu đao. Rượu đao nấu không khó, ai cũng làm được, nhưng muốn có rượu ngon thì phải vào rừng hái đủ lá thuốc quý đem về làm men".

10-03-07_img_7279
Bà Bàn Thị Chạn thôn Nà Lạ đảo bã đao lần 1, để tiếp tục rắc men ủ lại lần 2

Mặc dù phải đặt mua mới có, nhưng giá rượu đao Nà Lạ bán khá rẻ, chỉ ở mức 50 nghìn đồng/lít, bởi phần nhiều bà con nơi đây chưa biết chuyển hoá đặc sản truyền thống thành hàng hoá quý hiếm đem lại thu nhập cao, mà chỉ cung cấp cho người thân hoặc dùng để thết đãi khách mỗi dịp Tết đến xuân về.

Khi đến nhà anh Trúc Đức Phong 47 tuổi, cùng thôn Nà Lạ, đúng lúc rượu đao trên bếp đang chảy, còn anh thì vẫn mải miết băm gốc đao để chuẩn bị cho những lần nấu tiếp theo.

Thấy có khách đến thăm nhà, Phong rót rượu mời. Tôi đã may mắn được thưởng thức món rượu đao nóng hổi, thơm phức mùi men lá, đậm đà hương liệu của núi rừng và vị ngọt mát của cây hoang dại này.

Đặc sản ngày xuân

Anh Triệu Tiến Phin, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, cho biết: Nấu rượu đao có ở Sơn Phú từ bao đời không ai hay nhưng cứ vào ngày Tết mà nhà không có rượu đao uống là “Tết không sang”. Chính vì thế, những hộ dân tộc Dao ở các thôn Nà Mu, Nà Lạ, Phja Chang, Nà Cọ… bao giờ cũng có rượu đao để thiết đãi khách quý.

Còn món rượu đao uống trong ngày Tết Nguyên đán, thường được các gia đình chưng cất từ trước Tết khoảng 3 tháng (vì càng để lâu càng ngon), sau đó bỏ vào chum sành, hạ thổ dưới gốc cây chuối hoặc chỗ đất ẩm ướt, giúp cho rượu thật ngon, mát.

Rượu đao thơm ngon, bổ mát và đặc biệt quan trọng trong lễ Tết, thế nhưng tại nhiều khu rừng tự nhiên, cây đao đã trở nên khan hiếm, do đó những năm gần đây chính quyền xã Sơn Phú đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con trong việc tự nhân giống để trồng cây đao trên đất rừng nhận khoán khoanh nuôi, vừa để bảo tồn và góp phần giữ gìn sản vật truyền thống của địa phương.

“Cây đao nấu được rượu phải có ít nhất 5 năm tuổi mới thu được khoảng 100 kg củ bột nấu rượu. Rượu đao là thứ đồ uống không thể thiếu trong ngày Tết, vừa thơm mát, dễ uống, mau say nhưng rất nhanh tỉnh và không sợ bị đau đầu nên người dân thôn này nhà nào cũng đã khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới cây đao”, ông Trúc Văn Cán, trưởng thôn Nà Lạ bộc bạch.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm