| Hotline: 0983.970.780

Đại điền, giấc mơ hiện hữu: Người cấy 800 sào ruộng

Thứ Sáu 16/01/2015 , 08:33 (GMT+7)

Trong quá trình đi gặt thuê thấy người ta bỏ ruộng, chán ruộng ê hề nên bản tính thèm ruộng của một anh nông dân bỗng trỗi dậy. Anh Lâm thuê hết, nơi bỏ nhiều 70.000 đồng/sào/năm nơi ruộng tốt dân không bỏ 300.000 đồng/sào/năm, tất tật tập trung được 40 mẫu./ Xã chỉ cần 30 hộ làm ruộng là đủ

Thèm ruộng

Hôm nay trời rét căm căm, gió buốt cứ thốc lên như những đàn ngựa chứng. Anh Cao Văn Lâm (Ngô Quyền, Thanh Miện, Hải Dương) đi đi, lại lại bên nhà ủ mạ. Từng bước chân nặng chịch đầy vẻ bồn chồn, lo lắng. Hạt thóc từ lúc ngâm ủ, đem úm rồi rời ra nhà luống mọi công đoạn đều phải cẩn trọng đến mức tối đa.

Tiết đại hàn thế này mà chỉ cần bỏ khay mạ ra khỏi chỗ úm chừng ba bốn giờ mà chưa chuẩn bị xong nhà luống là cái cây bị bòn rút sức sống đến quá nửa giống như một đứa trẻ tắm xong mà không kịp choàng chăn, sưởi ấm để nhiễm lạnh ốm vậy.

Người nông dân có vài sào ruộng đã lo đến quắt ruột, quặn gan rồi chứ đừng nói một người có đến 800 sào ruộng như anh. Tích tụ 800 sào ruộng ở một vùng đất chật, người đông như thế này khó chẳng khác gì bắc thang lên tới trời vậy.

Vốn làm chỉ là một anh nông dân chân đất, năm 2011, Cao Văn Lâm gom tiền mua một chiếc máy gặt ngày ngày rong ruổi khắp đồng trên, đồng dưới làm thuê. Đó là chiếc máy gặt đầu tiên trong vùng nên kiếm tiền rất khá. Vụ đầu tiên nó đem lại cho anh 275 triệu đồng, trừ chi phí cũng bỏ gọn gàng vào két được 150 triệu đồng.

Trong quá trình đi gặt thuê ấy thấy người ta bỏ ruộng, chán ruộng ê hề nên bản tính thèm ruộng của một anh nông dân bỗng trỗi dậy. Anh thuê hết, nơi bỏ nhiều 70.000 đồng/sào/năm nơi ruộng tốt dân không bỏ 300.000 đồng/sào/năm, tất tật tập trung được 40 mẫu.

Nhất định phải cơ giới hóa

Người trồng lúa đang hòa hoặc lỗ bởi phụ thuộc quá nhiều vào công lao động chân tay nên muốn hiệu quả nhất định phải có cơ giới hóa. Nghĩ vậy và làm đúng như vậy. Anh cơ giới hóa tối đa các khâu làm đất, mạ khay, cấy máy, gặt liên hợp với chủ lực là giống lúa Bắc Thơm.

Mật độ cấy rất thưa, hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 12 cm tính ra chỉ 28 khóm/m2, quá chênh lệch so với cấy tay theo tập quán của bà con là 40 khóm/m2. Bởi thế, khi máy cấy chạy ì ì rải ra những thân mạ non tơ như một cây rau mầm, dân làng đổ ra xem đông như kiến. Có không ít lời ỉ ôi chê bai một cách kín đáo.

Đồng đất thì chua trũng phèn nổi váng. Công việc thì gặp rất nhiều cản trở như bị cấm đưa máy móc đi qua đất của mình, bị tháo cạn hết nước, hết phân đương khi nửa đêm gà gáy. Vụ đó cả làng cấy dày hỏng ăn còn riêng mình anh cấy thưa thu về được 70 tấn thóc, trừ chi phí hết ½ vẫn còn dư ra 35 tấn.

Nhân đà thắng lợi, vụ thứ hai anh cấy 40 mẫu nhà mình và cấy thuê 40 mẫu nữa vì bà con đã bắt đầu mê mạ khay, máy cấy. Trước đây khi vào vụ, riêng tiền cấy thủ công đã 200.000 đồng/sào còn khó thuê nhưng anh Lâm chỉ lấy 120.000 đồng/sào mà còn bảo hành cấy đều, mạ sinh trưởng tốt. 

Những kinh nghiệm xương máu cũng dần được đúc kết như cấy mạ khay khi cày lồng chỉ cần phẳng chứ không cần nhũn. Chỗ ruộng phẳng giữ được nước thì phun thuốc diệt cỏ một lần còn chỗ gồ ghề phải phun hai lần trước cấy và sau cấy mới đảm bảo.

Khâu chuột bọ, sâu ốc cũng cầu kỳ gấp bội. Cánh đồng bao la mà đợi phát hiện được dấu hiệu của ốc, của chuột mới đánh thì cầm chắc là thất bại mà phải đánh chặn sớm. Chuột diệt tập trung từ lúc còn đổ ải còn ốc phải đánh cả trên ruộng lẫn dưới mương. Vụ đó ngoài mấy chục tấn thóc dư dôi anh Lâm còn bỏ túi mấy chục triệu tiền công cấy thuê cho khắp xóm.

Vụ thứ ba bà con nườm nượm kéo chật nhà để xin cấy giúp nên ngoài 50 mẫu của nhà mình anh còn làm thêm tới 110 mẫu bên ngoài nữa. Diện tích quá lớn phát sinh khó khăn là không còn chỗ để trải mạ.

Cây mạ sau khi “úm” trong nhà cần phải trải ra không gian thoáng để quang hợp, phát triển. Sân nhà mình không xuể anh phải mượn sân của họ hàng, làng xóm nhưng vẫn còn thiếu. Do số lượng quá lớn, chăm sóc không được đều cộng thêm nạn trộm hoành hành khiến anh Lâm thất thoát số mạ đủ để cấy 40 mẫu. Những khó khăn đó không đủ để quật ngã một con người có ý chí sắt đá như anh.

17-26-36_dsc_9131
Anh Cao Văn Lâm đang kiểm tra mạ khay

Đi trên đường làng, tôi thấy nhiều người cứ níu áo anh lại mà rằng: “Anh Lâm ơi vụ này cấy hái thế nào?”, “Anh Lâm à, sắp tới cấy giúp tôi một mẫu nhé!”.

Kiên trì theo con đường đã chọn là cánh đồng lớn một vùng, một giống, một thời gian anh áp dụng không những cho riêng mình mà còn truyền cảm hứng cuốn hút nhiều bà con lối xóm làm theo.

Vụ thứ tư, anh cấy 80 mẫu và nhận làm thuê 60 mẫu bên ngoài. Rút kinh nghiệm khi trước không thể chăm sóc và quản lý xuể nên lần này anh thay đổi cơ chế. Cứ gieo mạ xong là giao cho dân chăm sóc đến khi cấy thì mới đem ra để tránh cảnh “cha chung không ai khóc”.

Trong 80 mẫu đất ấy có 65 mẫu được anh thuê với thời hạn 10 năm một, 15 mẫu thuê theo thời hạn 5 năm một. Diện tích mỗi lúc một nhiều, ruộng đồng hầu như không bằng phẳng nên khó khăn cho việc đưa máy cấy vào bởi mực nước trong ruộng chỉ cần cao hơn 3cm là cây lúa khó đứng vững. Phải cải tạo san gạt lại ruộng đồng, phải có suất đầu tư lớn nên không thể thuê ngắn hạn theo mùa, theo vụ được. Ước mơ của anh là chờ khi địa phương mình dồn điền đổi thửa xong, nếu dưới 5 triệu đồng/sào ai bán anh cũng mua để mà tính chuyện về lâu, về dài.

Bấm đốt ngón tay, Cao Văn Lâm tính cho tôi, một sào lúa tổng thu 1,2 triệu đồng nếu canh tác kiểu thủ công mất 1,1- 1,2 triệu đồng chi phí, chưa kể thiên tai, dịch bệnh bất thường là cầm chắc lỗ. Làm ruộng theo cách cũ dù là có 10-15 mẫu đi chăng nữa vẫn lỗ mà ví dụ chẳng ở đâu xa, ở ngay chính xã Ngô Quyền này có không ít.

Cũng một sào lúa ấy nếu dùng máy móc, cơ giới hóa toàn bộ sẽ chỉ mất 600-700.000 đồng chi phí. Thế nên giờ đây anh đã có trong tay bốn máy cấy tay, một máy cày, một máy gặt đập liên hoàn, một dây chuyền gieo mạ khay, một máy cấy ngồi đang đặt mua về. Thế nên 80 mẫu ruộng đáng phải mất 800 người cấy chỉ cần khoảng 20 người là đủ vận hành tất cả máy móc.

Thấy việc cơ giới hóa vừa giải phóng sức lao động nặng nhọc lại đem lại hiệu quả lớn nên giờ đây máy gặt mỗi làng trung bình 4-5 cái mà toàn là hàng Nhật Kobuta, giá 500-700 triệu đồng. Sớm sớm, chiều chiều lúc vào vụ chúng bò lổm ngổm như cua, như cáy, đen đặc cả đường liên thôn, liên xã...

Từ thực tế đồng ruộng bàn trở lại chuyện nông dân chán ruộng, anh phân tích khá trùng với một số người tâm huyết với nông thôn tôi từng gặp: Thứ nhất bởi không có lao động mà thuê làm sẽ cấu véo vào hết hoa lợi; thứ hai là đủ sức nhưng đi làm nghề khác hiệu quả cao hơn; thứ ba là đủ sức nhưng không làm được nhiều do SX thủ công một gia đình oằn lưng, trằn mình giỏi lắm cũng chỉ làm được trên dưới một mẫu, không có mấy hiệu quả.

Đưa máy móc vào sẽ giải quyết được dạng chán ruộng thứ nhất và thứ hai còn dạng thứ ba đành chịu, phải có chính sách kích thích để tích tụ.

“Nông dân Việt Nam đang có thói quen làm ruộng mà không tính công sức của mình vào đó thế mà đã lỗ. Nếu tỉnh táo ra tính toán cụ thể cả công sức bỏ ra chắc họ còn chán ruộng đồng hơn thế nữa. Nhiều nông dân đến gặp tôi bảo cho không ruộng, thậm chí nhận trả hết các phí dịch vụ nông giang, đánh chuột, điều hành HTX… để mình giữ ruộng cho họ nhưng nếu không liền vùng, liền khoảnh thì cũng đành khước từ mà thôi”, anh Lâm tâm sự.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm