| Hotline: 0983.970.780

"Đại gia" chân đất ở Bắc Kạn

Thứ Năm 15/04/2010 , 10:51 (GMT+7)

Dù xuất phát điểm chỉ hai bàn tay trắng trên mảnh đất nghèo nhưng ở nhiều vùng cao Bắc Kạn vẫn xuất hiện không ít tỷ phú. Những tỷ phú đi chân đất và cũng chỉ biết bắt đất đẻ tiền.

Dù xuất phát điểm chỉ hai bàn tay trắng trên mảnh đất nghèo nhưng ở nhiều vùng cao Bắc Kạn vẫn xuất hiện không ít tỷ phú. Những tỷ phú đi chân đất và cũng chỉ biết bắt đất đẻ tiền.

Vua quýt Bàn Sinh Lợi 

Là loài cây ăn quả lâu đời và nổi tiếng bậc nhất ở vùng cao Bắc Kạn nhưng quýt Quang Thuận (huyện Bạch Thông) từng bị quên lãng vì giá trị kinh tế thấp. Mọi chuyện chỉ  thay đổi  khi một nông dân người Dao chán ruộng vác rựa lên đỉnh Dương Phong... 

Xã Dương Phong xa xôi nhất của huyện Bạch Thông, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao và Tày. Cuộc sống ở đây vào thập kỷ trước từng được ví là “đói nghèo đến mức không có nổi mùng tơi để rớt”. Dù là địa phương vùng cao nhưng toàn xã chỉ có chừng 110 ha đất nông nghiệp. Lúa chỉ làm được một vụ nên dân buộc phải dựa vào nương quýt để sống nhưng cũng chẳng đổi thay được đói nghèo. Đất trồng quýt thậm chí còn hiếm hơn đất lúa bởi đồi núi, bãi sòi, các thung lũng giang nứa không thể cải tạo. Mấy cán bộ ở Dương Phong bảo, thời ấy mỗi vườn quýt mỗi năm cho thu hoạch được vài ba sọt. Bán tại chỗ không ai mua còn mang ra đến chợ huyện chỉ vỏn vẹn vừa ăn một bát phở. Hộ đói nghèo lúc nào cũng chiếm hơn 70%... Dần dần, dân cũng chán quýt, họ bỏ lên rừng chặt nứa tép vác ra chợ bán lấy tiền đong gạo qua ngày.

Đến bây giờ nhiều bậc cao niên ở Dương Phong vẫn không dám hình dung số phận cây quýt ngon nhất khu vực Việt Bắc này sẽ ra sao nếu không có anh bộ đội Bàn Sinh Lợi (SN 1971), một người Dao ở bản Khuổi Co trở về làng vào năm 2000. Ngót chục năm sau, hỏi anh người ta chỉ gọi “người mở đường trên đỉnh Dương Phong”. 

“Người mở đường” Bàng Sinh Lợi bên đồi quýt tiền tỷ

Chủ tịch HND xã Dương Phong Nguyễn Duy Thăng vừa dẫn tôi lên đồi quýt tìm Lợi vừa dành những mỹ từ cho chàng bộ đội Dao khi xưa mà bây giờ đã là tỷ phú nhờ làm chủ trang trại quýt trù phú bậc nhất ở Bắc Kạn. “Trồng quýt ở cả vùng Việt bắc này không ai “ăn” được nó đâu”.

Cứ leo qua một con dốc ông Thăng lại hú một tiếng để tìm, cơ chừng 4-5 lần hú như thế mới nghe tiếng vọng đáp trả của Lợi tít trên đỉnh đồi. “Mỗi lần hú là một ha. Chỉ riêng quả đồi này là 5ha. Cộng thêm quả đồi bên kia nữa là 8ha. Mỗi ha nếu thuận lợi thu hoạch được chừng 200 triệu. Một năm chỉ làm từng này đã có 1,6 tỷ. Trồng quýt bây giờ không thể nghèo”. Bàn Sinh Lợi mở đầu câu chuyện ngắn gọn. Một nông dân người Dao mỗi năm có chừng ấy tiền đã là bất ngờ, càng không hiểu nổi vì sao dù giàu như thế nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa Lợi đều lăn lộn với vườn đồi. Làm đỡ vài chục ngàn tiền công mỗi ngày chắc không phải. Hỏi, anh chỉ cười rồi trầm ngâm kể về những ngày nghèo đói chưa xa. “Nghĩ cũng hay. Được như hôm nay một phần là nhờ tôi chán nản đấy”.

Rời quân ngũ trở về làng, ruộng đất làm không đủ ăn, Lợi càng hoang mang sau khi lấy vợ. Cặp vợ chồng trẻ được cha mẹ làm cho một căn nhà nhỏ ở trên lưng chừng núi, dưới là thung lũng, xung quanh là núi đá, vợ chồng không biết làm gì để có ăn ngoài việc phát nương làm rẫy để trồng ngô. Đất bạc màu, ngô không tốt, ngày ngày vợ chồng vào rừng chặt nứa tép vác ra chợ bán cũng chỉ được 10-15 ngàn, vừa đủ tiền đong gạo.

Một hôm chán quá, Lợi xách rựa xăm xăm lên đỉnh Dương Phong. Vạch cây nứa, cây giang đi mãi cuối cùng lạc vào một bãi đất trống mà dân bản ít khi đặt chân tới. Cắm một nhát rựa thấy đất tốt nhưng suy nghĩ hồi lâu không biết trồng cây gì. Lợi bèn khăn gói đi bộ xuống thị xã Bắc Kạn đánh điện hỏi mấy ông bạn từ hồi quân ngũ đang làm trang trại tận Tây Nguyên. Qua một hồi kể lể Lợi được bạn bè gửi ít vốn về trồng thử lại cây quýt Quang Thuận xem sao. Vừa nhờ người mua giống, Lợi vừa tự mình phát lối mòn lên tận đỉnh ngọn đồi cao nhất ở Khuổi Co.

Dù nắm gia tài tiền tỷ nhưng Bàn Sinh Lợi không chơi nhà lầu xe hơi như các đại gia khác. Anh chỉ có mỗi một sở thích là mua két bạc với quan niệm “làm trước chơi sau”. Phần lớn tài sản anh đầu tư hết vào đồi quýt và làm đường, bởi với Lợi "chỉ có những con đường mới giúp các chủ trang trại giàu lên được”.

Những ngày thấy anh đào đường, mấy người trong bản mắt tròn mắt dẹt kháo nhau không khéo thằng này đi bộ đội tiếp xúc với súng đạn nhiều nên thần kinh có vấn đề. Ai dưng một mình đi đào mấy cây số đường rừng lên bãi đất hoang làm gì? Họ càng có cớ để khẳng định suy luận của mình khi nghe Lợi giải thích đào đường để đi trồng quýt. Ai nấy đều đều lắc đầu bỏ đi bởi họ chẳng còn tin vào loài cây ăn phôi pha thì ngon chứ không no cái bụng được. Không nản chí, Bàn Sinh Lợi tiếp tục đào đường, anh còn uốn các đường nước từ những quả đồi bên cạnh về đỉnh Dương Phong lấy nước tưới tiêu. Những công trình mà anh bảo rằng mãi sau này mấy người đến tham quan nằng nặc nhất định phải là máy móc làm chứ sức người sao mà làm nổi.

Phải mất 5 năm Lợi mới trả được số tiền 10 triệu đồng vay ngân hàng làm vốn trồng quýt. Cũng chừng ấy thời gian anh biến số vốn ít ỏi ban đầu thành gia tài tiền tỷ. Diện tích trồng quýt không ngừng được mở rộng. Tiền bạc bây giờ không còn là vấn đề, Bàn Sinh Lợi tậu hẳn một chiếc ô tô bán tải địa hình chuyên để…chở phân.

Quan trọng hơn, dân bản ngày ngày lũ lượt kéo đến vườn xin chiết cành về làm trang trại thì không đếm xuể.

Trồng được quýt rồi Lợi rủ mấy thanh niên trong xã lên Cao Bằng, sang Lạng Sơn kêu thương lái đến tận nơi xem hàng. Vụ quýt vừa rồi khắp các bản làng Dương Phong rầm rộ xe tải về gom hàng. Thương lái từ Lạng Sơn, Cao Bằng,…vào tận vườn thu mua rồi cho người đến hái, nông dân chỉ việc ngồi đếm tiền. Một chân lý đơn giản, “quýt có nhiều thương lái mới vào mua”, vậy mà suốt bao năm không ai nghĩ ra.

Từ mảnh đất cắm rựa trên đỉnh đồi, diện tích trồng quýt ở Dương Phong cứ lớn dần lên. Số triệu phú rồi tỷ phú từ các trang trại quýt cũng không còn riêng mình nông dân Lợi.  Mảnh đất khó từng hành hạ nông dân vùn cao này không biết bao nhiêu năm trong đói nghèo giờ đã biết đẻ tiền. Ông Thăng tự hào rằng, ở Dương Phong giờ nhà nghèo hiếm lắm. Cả xã có 409 hộ nhưng chỉ còn vỏn vẹn có 9 hộ nghèo. Còn những hộ vươn lên tầm tầm cỡ Bàn Sinh Lợi thì phải hàng chục. Số hộ thu nhập hơn 100 triệu/vụ quýt không dưới 50 hộ. Từ Khuổi Co đến Bản Mún, cái tin ông này mua ô tô, ông kia xây nhà lầu…không còn là chuyện lạ.

Ông Thăng làm phép tính: Có gần 500 ha trồng quýt. Nếu chia bình quân mỗi hộ ít nhất cũng hơn 1ha. Trong hoàn cảnh bây giờ, có đất, có vốn vay, có dân làng giúp đỡ mà còn nghèo thì có lẽ phải là trường hợp cá biệt. Dương Phong bây giờ là nơi đến thường xuyên của các đoàn tham quan, học hỏi mô hình trồng cây ăn quả. Ngân sách chủ yếu của xã đến từ các đồi quýt gấp hàng trăm lần so với trồng lúa. Trụ sở UBND xã treo đầy các hình ảnh về quýt Quang Thuận, loài cây mà họ từng lãng quên.

Nhưng thành quả lớn nhất mà “người mở đường” mang lại cho nông dân vùng cao Dương Phong là giúp họ có thể sống được trên đất của mình.

Cạnh trang trại của Bàn Sinh Lợi là đồi quýt của Nguyễn Mạnh Hà, một nông dân cũng vào loại khủng nếu quy giá trị tài sản hiện tại thành tiền. Trang trại của Lợi và Hà thường xuyên tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 20 lao động. Thanh niên địa phương không cần vào Nam làm thuê như ở nhiều vùng quê khác mà chỉ loanh quanh ở mấy bản làng ngay tại quê nhà cũng có thể thu nhập ổn định. Làm vài năm, có ít vốn liếng, vay mượn thêm họ lại tách ra lập trang trại. Những ông chủ triệu phú mới lại xuất hiện. Ở Dương phong hầu như không có khái niệm cạnh tranh, chỉ đơn thuần giúp đỡ nhau làm giàu chỉ với suy nghĩ đơn giản: “Quýt làm bao nhiêu cũng có thể bán, bởi mấy năm nay đã xuất khẩu sang tận Trung Quốc”. Cán bộ xã Dương Phong cũng không thể trông vào đồng lương ít ỏi nên cũng thuê đất thuê rừng làm trang trại. Ngày cuối tuần khắp các đồi núi ở vùng cao này chỉ có nông dân. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm