| Hotline: 0983.970.780

Nghề 'xoi trầm'

Thứ Sáu 11/09/2015 , 09:50 (GMT+7)

Khi trầm kỳ tự nhiên cạn kiệt, người dân chuyển dần sang làm trầm hương nhân tạo, từ đó hồi sinh làng “xoi trầm” - gọt bỏ cây dó bầu để lấy phần lõi trầm bên trong.

Nếu như Khánh Hòa được mệnh danh là “thủ phủ” trầm hương của cả nước, thì ở xóm Đồn, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh được ví như cái nôi của “xứ trầm hương” này.

Hàng trăm năm trước, xã Vạn Thắng là một trong những nơi nổi tiếng thạo nghề “đi điệu” (khai thác trầm hương). Người dân quanh năm len lỏi khắp núi cao, rừng thẳm tìm kiếm trầm kỳ (trầm hương - kỳ nam) để cống nạp cho vua chúa và về sau trở thành nghề kiếm kế sinh nhai.

Thế nhưng, khi trầm kỳ tự nhiên cạn kiệt, người dân chuyển dần sang làm trầm hương nhân tạo, từ đó hồi sinh làng “xoi trầm” - gọt bỏ cây dó bầu để lấy phần lõi trầm bên trong.

Bỏ nghề “đi điệu”

Chúng tôi về xóm Đồn, đi trên con đường làng mùi hương của trầm hương thơm ngát, dịu mát tỏa ra từ các lò “xoi trầm”.

Ghé vào lò “xoi trầm” của anh Lê Quốc Đạt (40 tuổi), một người có nhiều năm "đi điệu", vật vã với rừng thiêng, nước độc đã quyết định giải nghệ về làm nghề “xoi trầm” thuê rồi trở thành ông chủ, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tại cơ sở của anh Đạt, chúng tôi bắt chuyện với những lao động đang chăm chỉ gọt giũa từng thớ vỏ cây dó để lấy lớp lõi trầm hương và làm quen 2 phu trầm là ông Nguyễn Trúc (52 tuổi) và anh Lê Minh Thuận (45 tuổi) có thâm niên trong giới đi săn trầm kỳ và nghe kể lại về nghề “đi điệu” xa xưa.

Nhắc về gia đình, ông Trúc tự hào dòng tộc đã trải qua 4 đời “đi điệu”. Riêng bản thân ông cũng đã bắt đầu tập tành "đi điệu" theo cha lên những cánh rừng nguyên sinh như vùng đèo Cả, Hòn Chảo ở Tu Bông (Vạn Giã)… tìm trầm kỳ, năm ông lên 18 tuổi. Thời ấy, các vùng này trầm kỳ còn rất nhiều.

Ông Trúc tâm sự, "đi điệu" cũng như đốt than, hái củi, vì vậy xưa kia người dân rủ nhau lên rừng cũng vì tìm kế sinh nhai chứ chẳng biết nghề này do ai sáng lập.


Ông Trúc bỏ nghề "đi điệu" gần 10 năm nay hiện đi làm nghề xoi trầm thuê

Đồ nghề của người "đi điệu" gồm rựa, rìu, dủm, búa, võng, mền, thuốc men và lương thực. Đoàn đi từ 7-10 người, hoặc ít hơn thì 4-5 người, và chuyến đi thường kéo dài từ 20 ngày cho đến một tháng, thậm chí có thể lâu hơn.

Khi vào đến rừng, xác định có cây dó bầu, họ bắt đầu làm lễ cúng thần rừng để xin lộc, sau đó mới bắt đầu tản ra mỗi người mỗi nơi tìm trầm kỳ.

Đêm về họ hẹn nhau ở những con suối nhỏ rồi dựng lán trại để ngủ. Thế nhưng công việc của dân tìm trầm thường quần quật suốt ngày đêm.

“Ban ngày họ chia nhau tìm kiếm, tối đến thì về lán “xoi trầm” lấy phần lõi trầm bên trong để càng mang được nhiều trầm về xuôi càng tốt”, ông Trúc nói.

Tuy nhiên, nhắc đến khổ cực của nghề “đi điệu”, ông Trúc bảo, nghề này vô cùng vất vả, hiểm nguy luôn rình rập. Đã có nhiều người "đi điệu" ở địa phương và các xã lân cận như Vạn Phú, Vạn Bình không may gặp cướp, thú dữ hoặc bị thương hàn, sốt rét ác tính... bỏ mạng trên rừng không về nữa.

Một cái giá quá đắt để hái được lộc trời. Thế nhưng vì lợi nhuận trầm kỳ quá cao nên nhiều người vẫn bất chấp tính mạng đương đầu với "thần chết". Ngay bản thân ông trong đời tìm trầm cũng đụng độ cướp rừng một lần.

“Tôi nhớ năm ấy 25 tuổi, đoàn chúng tôi có 21 người đi tìm trầm ở Đà Nẵng, cũng kiếm được khá khá. Trên đường ra khỏi rừng, cả đoàn dừng chân nghỉ bên suối Tầng Ngồm thì gặp phải bọn cướp bắn súng loạn xạ.

Sợ bị bắn chết nên cả đoàn chạy tán loạn, nhưng chỉ chạy thoát hơn nửa. Số còn lại, trong đó có tôi bị bắt, bọn cướp lấy hết 3 ba lô trầm khoảng 30 kg, sau đó bị đánh một trận nhừ tử mới được tha”, ông Trúc nhớ lại.

Trải qua hơn 25 năm “đi điệu” khắp các cánh rừng ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, lên tận Kon Tum, Gia Lai, thậm chí là vùng rừng giáp với Lào, thế nhưng ông Trúc chưa một lần tìm được kỳ, còn trầm cũng chỉ tìm được vài lần.

Đợt trúng trầm nhiều nhất của đoàn ông 7 người chỉ được gần 20 kg, nhưng lâu lắm rồi và lúc đó trầm cũng không có giá cao như bây giờ nên ăn chia mỗi người chẳng được bao nhiêu.

“Vài chục năm đi tìm trầm kỳ nhưng do số tôi không hưởng được lộc trời nên chưa tìm được kỳ, vì vậy chỉ đi kiếm kế sinh nhai thôi”, ông Trúc bộc bạch.

Trầm hương nhân tạo

Anh Đạt cho biết, nếu như trước đây để có trầm hương bắt buộc người dân phải băng rừng, lội suối vào “thánh địa” của cây dó bầu để tìm kiếm, thì khoảng mười mấy năm trở lại đây, người dân đầu tư trồng cây dó bầu và tự cấy ra trầm nhân tạo.

Hiện nay, cây dó bầu được nông dân trồng nhiều ở Khánh Hòa như ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; miền Nam như Bình Phước, Đồng Nai và miền Bắc như Hà Tĩnh…

Tuy nhiên, để cây dó bầu tạo được trầm ít nhất phải trồng 10 năm tuổi thì mới khai thác được. Nhưng không phải cây nào cũng tạo ra trầm, bởi thụ phuộc vào vùng đất, khí hậu, kinh nghiệm...

Trên cây dó bầu, người ta có thể tạo trầm bằng 2 cách, hoặc từ lớp vỏ gọi là trầm “sánh bì”, hoặc từ lõi của thân gọi là trầm từ lõi. Sau khoảng 2 năm tính từ lúc “tạo dó” bằng cách bôi một loại thuốc đặc biệt ở phần vỏ đã cạo lớp da bên ngoài, hoặc khoan rồi bôi thuốc, thì trầm mới hình thành và cho khai thác.

Để lấy trầm, người ta thực hiện nhiều công đoạn như cưa cây, cắt thành khúc, rồi đẽo ra, phá xác và tỉa sạch rồi thành trầm.

Theo anh Đạt, để thu được 20kg trầm sạch người ta phải “xoi” ít nhất 1 tấn cây dó bầu; mỗi tháng mỗi người chỉ làm được vài kg trầm. Hiện trầm được thương lái thu mua nhìn bằng mắt để nói giá, chứ không ấn định cụ thể.


Trầm nhân tạo sau khi phá xác, tỉa sạch

Tuy nhiên, loại thấp nhất từ 200-500 ngàn đồng/kg (xác trầm dùng làm nhang), còn loại cao nhất từ 7-10 triệu đồng (tùy loại) và thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. HCM, Đài Loan, Trung Quốc.

“Hai năm nay trở lại đây thị trường tiêu thụ trầm rất chậm và giá cả cũng giảm gần 40% so với những năm trước, nên nhiều lò "xoi trầm" gặp không ít khó khăn”, anh Đạt bộc bạch.

Theo UBND xã Vạn Thắng, hiện nay toàn xã có đến khoảng 30 lò “xoi trầm” hoạt động thường xuyên tập trung nhiều ở các thôn Phú Hội 1, Quản Hội 1. Trung bình mỗi lò “xoi trầm” có ít thì 5-7 lao động, nhiều thì 15-20 lao động; mỗi lao động được trả 140.000-160.000 đồng/ngày.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một người thợ “xoi trầm” cho biết, để xoi được trầm mỗi người thợ đều tự trang bị cho mình bộ đồ nghề. Đó là những cái dũm, được đặt rèn tại những lò rèn trong thôn hoặc bán ở chợ.

Việc học nghề rất đơn giản, chỉ một thời gian ngắn là có thể thạo việc. Tuy thu nhập nghề "xoi trầm" không nhiều nhưng so với nghề "đi điệu" thì mức thu nhập này là vừa phải, người nào cũng làm được.

Khánh Hòa nổi tiếng là xứ trầm hương, gắn liền với truyền thuyết Thánh mẫu Thiên Y Ana, bà tổ trầm kỳ. Đặc biệt, trầm hương, kỳ nam có nhiều và chất lượng tốt nhất nằm ở địa bàn hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, nơi sinh trưởng và hành đạo lâu năm nhất của Bồ tát Quảng Đức.
Theo kinh nghiệm của người tìm trầm, trên cây dó nào có những chỗ lõm vào hoặc lồi ra mà da cây khô nứt, nổi lên những chấm màu tím, đỏ nâu là dấu hiệu có kỳ nam và kỳ có giá đắt gấp 10 lần trầm.
Có 2 loại phổ biến là kỳ thanh và kỳ hương có giá hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ đồng/kg. Để phân biệt kỳ với trầm người ta đốt lên ngửi mùi thơm, độ nồng của kỳ thường đậm và nặng hơn so với trầm.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…