Theo ông Wang, nguồn ngân sách 160 tỷ Đài tệ này sẽ được chi trong vòng một thập kỷ tới để tăng dung tích các hồ chứa, bằng cách nạo vét và loại bỏ trầm tích, thay thế hệ thống đường ống bị rò rỉ và xây dựng mới các hồ chứa nhân tạo, nhà máy tái chế nước, cơ sở khử muối và ao giếng...
Nguồn kinh phí này tương đương 5,65 tỷ USD. Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh hôm thứ Ba (16/3), ông Wang Yi-Feng, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Tài nguyên nước (WRA) cho biết, đề án này có tham vọng cải thiện khả năng lưu trữ và bảo tồn nguồn nước hàng năm của Đài Loan lên 1 tỷ mét khối vào năm 2031.
Theo ông Wang, hàng năm trung bình Đài Loan có lượng mưa khoảng 2.500 mm, tương đương khoảng 80 đến 90 tỷ mét khối, trong đó có khoảng 50 tỷ mét khối đổ trực tiếp ra đại dương. Mùa mưa chính (mưa mận) ở eo biển Đài Loan thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6 và đôi khi có thể xuất hiện giông lốc dịp mùa hè gây vỡ hồ đập giữ nước có thể dẫn đến khủng hoảng nước.
Cụ thể sẽ có 11 nhà máy tái chế nước dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026, nhằm tăng nguồn cung cấp nước hàng ngày của lãnh thổ thêm 334.000 mét khối. Ngoài ra các nhà máy khử muối cũng được lên kế hoạch xây dựng ở Đài Nam, Cao Hùng và Tân Trúc.
Hiện khu vực miền Nam và miền Trung Đài Loan đang bước vào giai đoạn cao điểm hạn hán nghiêm trọng.
Vào cuối tuần trước nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã lên tiếng trên Facebook cá nhân, yêu cầu người dân hãy tiết kiệm nước khi hòn đảo này đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử.
Theo bà Thái Anh Văn, Đài Loan đã không trải qua một cơn bão nào trong năm 2020 và đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất trong 56 năm qua do các cơn bão thường tạo ra lượng mưa lớn. Nhà lãnh đạo eo biển cũng tiết lộ, chính quyền cũng đã thành lập một trung tâm ứng phó khẩn cấp để đối phó với hạn hán và sẽ thực hiện các bước nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Các báo cáo tổng hợp từ địa phương vào tháng trước cho biết, hòn đảo đã cảnh báo tình trạng khan hiếm nguồn nước và huy động mọi nguồn nước dự phòng trong tình huống khẩn cấp vì dự đoán mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến tháng Năm.
Trong khi đó, hồ chứa lớn nhất Shimen ở phía bắc hiện chỉ đạt 49,13% dung tích lưu trữ và các hồ chứa khác trên lãnh thổ cũng đang ở mức thấp đáng báo động, như hồ Te-Chi chỉ đạt 10,19% dung tích và Tsengwen là 15,22%.
Nguy cơ thiếu nước không chỉ đe dọa đến đời sống và hoạt động sản xuất công- nông nghiệp của Đài Loan, trong đó đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử hùng mạnh nhất thế giới tại hòn đảo.
Theo Reuters vào tháng Hai, nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã phải đi mua từng xe tải nước cho các xưởng đúc như làm một “bài test áp lực”, để chuẩn bị cho các đơn hàng trong tương lai, mặc dù hiện vấn đề nước chưa có bất kỳ tác động nào đến hoạt động sản xuất.