| Hotline: 0983.970.780

Đại thắng ở huyện trồng lúa Nhật nhiều nhất cả nước

Thứ Hai 25/06/2018 , 07:50 (GMT+7)

Thắng giòn giã, thắng đậm chưa từng có là những thán từ mà các Giám đốc HTX Nông nghiệp ở Ứng Hòa thường xuyên dùng trong những ngày này khi nhận xét về vụ lúa Nhật vừa qua.

Chuyện người nông dân có thể sống khỏe bằng cây lúa xem ra đã thành dần dần thành sự thực…
 

HTX tiên phong

Ông Đặng Huy Cương-Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) reo lên với tôi qua điện thoại rằng: “Đại thắng nhờ lúa Nhật J02 rồi chú ạ!”. Giọng ông mừng vui cuồng nhiệt hơn cả một fan hâm mộ của World cup khi cầu thủ yêu thích ghi bàn. J02 là giống lúa bản quyền của Cty CP Giống, Vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam mới chỉ đưa vào địa bàn Hà Nội được 2-3 vụ nay và Hòa Phú trở thành một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm.

Cánh đồng lúa Nhật

Vụ đầu mạnh dạn làm 45 ha ở thôn Dư Xá, thắng đậm. Vụ sau xã tổ chức làm trên diện rộng, phủ kín diện tích luôn. Ông Cương bảo những ngày ấy quay như chong chóng để tổ chức tới 13 cuộc họp cả ngày lẫn đêm ở các thôn chỉ để nói về những lợi ích nếu như bà con chuyển sang trồng lúa Nhật: “Đấy cứ trông vào cái lợi ích mà thôn Dư Xá trong vụ vừa rồi đạt được so với các thôn khác vẫn cấy lúa thường là đủ biết rồi”. Mưa dầm thấm lâu, 50% rồi 70% và cuối cùng  100% xã viên nghe theo và răm rắp tuân thủ những hướng dẫn, chỉ đạo của HTX. Để đến hôm nọ họ hái được quả ngọt tốt lành.

Chưa bao giờ Hòa Phú ghi nhận nhiều kỷ lục như thế. Kỷ lục thứ nhất là năng suất của lúa Nhật bình quân đạt tới hơn 70 tạ/ha vượt cả cái thời cả xã còn chuộng lúa lai, nhiều nhà vụ này đạt 3,5 tạ khô/sào. Kỷ lục thứ hai là sản lượng, cả xã đạt 2.600 tấn. Kỷ lục thứ ba là giá bán, trung bình 7500-7800đ/kg, cao hơn các loại lúa bình thường khác khoảng hơn 1000đ/kg. HTX Đoàn Kết-đơn vị ký kết tiêu thụ dù chưa tổ chức thu mua được nhiều nhưng các thương lái từ các xã khác, huyện khác đã “đánh hơi” thấy được một món hời liền đổ xô về, đua nhau mua rồi xát gạo bán ngược ra thành phố khiến bà con bán được khoảng 30% sản lượng đã vội ngừng. Phần họ giữ lại để ăn, phần chờ mong giá còn có thể lên cao hơn nữa. Ông Cương bảo: “Chỉ tính riêng chênh lệch giá giữa cấy lúa thường và lúa Nhật vụ này người dân xã tôi đã thu lợi thêm được 5 tỉ đồng”.

Còn nhớ vụ trước tôi về hạt gạo Nhật ở Hòa Phú còn chưa được đẹp, còn gãy và đớn nhiều nhưng vụ này đã được cải thiện nhiều cả về hình thức lần chất lượng do bà con học được cách phơi thích hợp. Thay vì “đánh nhanh, thắng nhanh” trải thóc ra phơi một lèo dưới nắng hè gay gắt thì bà con vừa phơi lại vừa cho thóc nghỉ. Nắng đầu tiên phơi thật dày cho hạt thóc ráo vỏ rồi đưa vào chỗ râm mát nghỉ ngơi sau đó phơi tiếp 2 nắng sau, thời gian ngắn hơn, kiểu như ngày xưa các cụ phơi lúa nếp vậy. Chính nhờ cách làm này mà hạt gạo trong hơn, không bị đớn gãy và chất lượng khi thành cơm cũng mềm dẻo, đậm đà hơn.

Quá ấn tượng trước thắng lợi của vụ xuân 2018 mà vụ mùa này  Hòa Phú trở thành xã duy nhất trong huyện phủ kín 100% diện tích 360 ha của mình bằng lúa Nhật. Mạ đang lên xanh, 25 tháng này bà con sẽ đồng loạt tổ chức cấy. Dù không phải là thời vụ thực sự thích hợp với cây lúa Nhật nhưng dự kiến vụ mùa 2018 cả huyện Ứng Hòa sẽ cấy trên 1000 ha J02.
 

Ước mơ thương hiệu

Ứng Hòa có thể nói là địa phương tiêu biểu nhất của Hà Nội trong việc đưa một giống mới là lúa Nhật vào sản xuất đại trà. Đầu năm, huyện đã sớm triển khai kế hoạch sản xuất vùng lúa chất lượng cao J02,  tập trung chỉ đạo thực hiện cơ chế hỗ trợ và công tác phòng trừ dịch bệnh hại theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Dù thời tiết đầu vụ có rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nhưng sớm được khắc phục. Tổng diện tích cấy lúa Nhật đạt tới 2.285 ha trải dài qua 19 xã, thị trấn trong đó nhiều địa phương giống mới chiếm thế áp đảo so với các loại lúa lai hay lúa thuần khác.

Chế biến lúa Nhật

Tuy chịu rét tốt nhưng lúa Nhật có khả năng nhiễm đạo ôn nên ở giai đoạn mạ UBND huyện đã hỗ trợ thuốc, chỉ đạo phun phòng. Đến giai đoạn lúa chuẩn bị trỗ bông lại cấp thuốc hỗ trợ và chỉ đạo phun trừ đạo ôn cổ bông. Kết quả là cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh nhiều và tập trung, thời gian sinh trưởng trung bình từ 130 đến 140 ngày.

Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế, với năng suất J02 bình quân đạt 253kg/sào, tổng sản lượng của cả  huyện đạt 15.538 tấn. Điều quan trọng hơn mỗi sào cấy lúa J02 cho lãi thuần đạt tới 924.000đ vượt xa so Bắc Thơm số 7 tới 200.000đ. Bắc Thơm số 7 vốn là giống nhập từ Trung Quốc từng được ví von là “nữ hoàng” của mọi loại lúa thuần trước đây không phải bởi năng suất mà vì chất lượng. Chính chất lượng mà nông dân đồng bằng sông Hồng không thể bỏ được dù giống đã quá già nua, yếu đuối cùng lắm loại bệnh tật cơ hội. Đã từng có những vụ mà bà con phải đeo bình đi phun tới 4-5 lần thuốc BVTV mà vẫn phải ngậm ngùi chịu cảnh mất mùa vì trót mê Bắc thơm số 7.

Từ hồi xuất hiện lúa Nhật J02 người ta đã thấy một hướng đi sáng sủa để thay thế cho “nữ hoàng” Bắc Thơm số 7 vì năng suất, khả năng chống chịu không chỉ vượt trội mà chất lượng còn tốt hơn, cơm ăn dẻo và đậm đà hơn. Chỉ tính khiêm tốn mỗi ha cấy lúa Nhật lãi chênh lệch 5,6 triệu đồng so với Bắc Thơm số 7 thì với diện tích 2.285 ha vụ này nông dân huyện Ứng Hòa đã được thêm tới hơn 12 tỉ đồng. So với giống chất lượng cao còn thế nếu so với các giống thông thường thì cùng diện tích ấy lúa Nhật lãi hơn khoảng hơn 20 tỉ đồng.

Lúa Nhật dù nấu bằng bếp củi hay bếp điện đều ngon

Và một điều ấn tượng nữa là chưa có một loại lúa nào lại bị săn đón nhiệt tình như lúa Nhật J02. Vụ trước diện tích cấy nhỏ, sản lượng thóc ít đã đành nhưng vụ này với hơn 15.538 tấn mà vẫn trong tình trạng tranh mua thì quả là chuyện lạ. Công bằng mà nói, việc ký bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp (HTX Đoàn Kết) và các HTX dù được triển khai thực hiện ngay từ đầu vụ nhưng khi thực hiện lại chậm vì nhiều nguyên nhân như doanh nghiệp chuẩn bị mặt bằng xưởng chế biến lúa chậm, các HTX còn nghe ngóng giá thị trường, nếu cao thì bán ra ngoài còn thấp thì bán cho doanh nghiệp. Kết quả là doanh nghiệp chỉ thu mua được lượng lúa tươi khá hạn chế. Dự định hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm lúa gạo trên địa bàn huyện vì thế không được lan tỏa. Dự định về chuyện xây dựng thương hiệu cho gạo Nhật của huyện vì thế cũng chưa thành công.

Trái ngược với thu mua kiểu doanh nghiệp, cánh hàng xáo lại rất nhiệt tình trong việc gom lúa Nhật và tự họ đã đẩy giá, đầu vụ 7.400đ/kg lên 7.800đ/kg như hiện nay. Các ô tô đủ loại tải trọng kìn kìn kéo về các vùng sản xuất, có bao nhiêu, thu mua hết bấy nhiêu với một tốc độ chóng mặt khiến cho nhiều nông dân phát hoảng, không dám bán nữa vì sợ…hớ.

Bảng đánh giá hiệu quả sản xuất lúa J02 do Phòng Kinh tế Ứng Hòa cung cấp:

TT

Diễn giải

Giống lúa J02

Bắc thơm số 7 (đối chứng)

Số lượng (kg)

Đơn giá

T.Tiền

Số lượng (kg)

Đơn giá

T.Tiền

(đ/kg)

(đ)

(đ/kg)

(đ)

I

Tổng chi phí

 

 

973.500

 

 

929.000

1

Giống lúa

1,5

37.000

55.500

1

21.000

21.000

2

Phân NPK(5:10:3)

8

11.000

44.000

8

11.000

88.000

3

Phân NPK(17:5:16)

4

11.000

22.000

4

11.000

44.000

4

Phân đạm ure

2

9.000

9.000

2

9.000

18.000

5

Thuốc BVTV

 

 

35.000

 

 

 

6

Sản phẩm

5

5.600

28.000

5

5.600

28.000

7

Tiền cày bừa

 

 

50.000

 

 

50.000

8

Công lao động

 

 

730.000

 

 

680.000

II

Tổng thu (đ/sào)

 

 

1.897.500

 

 

1.653.000

 

NS thực thu (kg)

253

7.500

1.897.500

217,5

7.600

1.653.000

III

Lãi thuần

 

 

 

 

 

 

 

Tính cho 1 sào (đ)

 

 

924.000

 

 

724.000

 

Tính cho 1 ha (đ)

 

 

25.666.700

0

0

20.111.100

 

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.