| Hotline: 0983.970.780

Thách thức trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở Tây Nguyên [Bài 4]: Hàng loạt điểm nghẽn trong phòng, chống dịch

Thứ Năm 01/06/2023 , 09:11 (GMT+7)

Các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn trong phòng, chống dịch bệnh, nhiều địa phương có đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại lâu nay.

Các hộ chăn nuôi tại Tây Nguyên chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ. Ảnh: Tuấn Anh.

Các hộ chăn nuôi tại Tây Nguyên chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngổn ngang bất cập

Ghi nhận tại tỉnh Kon Tum, phương thức chăn nuôi còn lạc hậu, số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, điều kiện chuồng trại còn tạm bợ, không đảm bảo về vệ sinh và an toàn dịch bệnh. Từ đó công tác phòng chống dịch gặp khá nhiều khó khăn, việc phát triển xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh khó triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay chưa bán vacxin bán rộng rãi dù thời gian qua một số công ty đã nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin nhưng chưa triển khai tiêm phòng được đại trà nên dịch tả lợn Châu Phi vẫn luôn tiềm ẩn và nguy cơ bùng phát rất lớn.

Trong khi đó, Gia Lai là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình (chiếm tới 70%), không đảm bảo được các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, do đó dịch bệnh rất dễ phát sinh, lây lan, khó kiểm soát và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi cũng như ngân sách nhà nước.

Đơn cử như năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã làm chết, tiêu hủy hơn 30.000 con lợn tại gần 3.500 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ước tính thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng và ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, các loại mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò, lở mồm long móng gia súc vẫn lưu hành rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cùng với yếu tố điều kiện chăn nuôi không đảm bảo nêu trên nên rất dễ bùng phát dịch.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương là tỉnh còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, việc bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước mua các loại vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi khá hạn chế. Trong khi một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi vẫn chủ quan hoặc còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Đặc biệt, việc tổ chức bộ máy ngành thú y hiện nay chưa đúng quy định của Luật Thú y, do đó thiếu đồng bộ, đứt gãy, lỏng lẻo ở một số khâu trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về phòng, chống dịch bệnh động vật xuyên suốt từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, tại một số địa phương cắt giảm chức danh chăn nuôi, thú y cấp xã.

Việc tổ chức hệ thống cơ quan chăn nuôi và thú y các cấp còn nhiều bất cập, trong đó có nội dung liên quan đến thú y xã, phường, gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thú y.

"Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại khu vực Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp như: Dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, bệnh dại… Trong đó, một số bệnh không có vacxin tiêm phòng như dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy đã gây nên những tác động xấu cho việc phát triển chăn nuôi ở địa phương và ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước chi trả cho công tác chống dịch", ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai.

Việc phòng, chống dịch bệnh tại Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ảnh: Minh Quý.

Việc phòng, chống dịch bệnh tại Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Thủy Lệ Vũ, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, địa phương này cũng đang gặp khó khăn do nguồn lực tài chính cho công tác quản lý Nhà nước về thú y còn chưa đáp ứng yêu cầu, công tác tiêm phòng, lấy mẫu, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, trang thiết bị, điều kiện làm việc còn hạn chế.

Ông Vũ cho biết, công tác triển khai tiêm phòng còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác tiêm phòng cũng như phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh và kê khai hoạt động chăn nuôi.

Ngoài ra, công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa xây dựng được nhà máy giết mổ quy mô công nghiệp vì vậy sản phẩm chăn nuôi của tỉnh phần lớn xuất thô. Giá đầu vào sản xuất chăn nuôi (con giống, thức ăn…) tăng cao khiến cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi giá một số sản phẩm chăn nuôi duy trì ở mức thấp như: gà thịt, vịt thịt, lợn thịt…

Cần tháo điểm nghẽn để ngành chăn nuôi phát triển

Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua UBND tỉnh Kon Tum đã quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Kịp thời ban hành các Kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo giai đoạn; hàng năm đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, thủy sản theo đúng quy định, đầy đủ về giải pháp, nguồn lực để các ngành, địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.

Các địa phương Tây Nguyên đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Các địa phương Tây Nguyên đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Chính quyền cấp huyện, cấp xã cũng đã quan tâm chỉ đạo và cùng ngành nông nghiệp, thú y địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp xã, cấp huyện.

Tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi tăng cường thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chấp hành tốt các chương tình tiêm phòng và chú trọng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi.

“Chúng tôi đã đề xuất Cục Thú y, các công ty thuốc thú y ở Trung ương hướng dẫn biện pháp kỹ thuật, phương pháp giám sát để tổ chức tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn của các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ để phòng bệnh”, ông Mai thông tin.

Trong khi đó tại Gia Lai, chính quyền địa phương cùng với cơ quan chuyên môn đã có những giải pháp nhằm tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, từng bước tháo gỡ khó khăn, dần kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định.

Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây là căn cứ quan trọng, định hướng cho phát triển chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tập trung với quy mô lớn theo chuỗi giá trị, xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung gắn với an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Cán bộ thú y tại Đắk Lắk tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho người dân. Ảnh: Minh Quý.

Cán bộ thú y tại Đắk Lắk tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho người dân. Ảnh: Minh Quý.

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành kế hoạch phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi như bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh dại.

Hàng năm, ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật chung của tỉnh để các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai các biện pháp kỹ thuật cũng như các biện pháp hành chính, từ đó công tác phòng, chống dịch bệnh động vật được triển khai đồng bộ, hiệu quả, dịch bệnh được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi.

Còn tại Đắk Lắk, ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các Bộ ngành, của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT, bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật.

Ông Vũ cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù cho ngành chăn nuôi và thú y về cơ cấu tổ chức và biên chế để tăng hiệu quả trong công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, địa phương này gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa tỉnh hiện nay vì Trung ương chưa có hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y cho cấp huyện.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.