| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở Tây Nguyên [Bài cuối]: Thu hút thành công nhiều doanh nghiệp 'đại bàng'

Thứ Ba 23/05/2023 , 12:43 (GMT+7)

Với lợi thế diện tích đất tự nhiên, chính sách ưu đãi, những năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút nhiều doanh nghiệp 'đại bàng' đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn.

Tại Lâm Đồng, các doanh nghiệp chăn nuôi góp phần xây dựng các chuỗi liên kết, hỗ trợ nông dân cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu. Ảnh: Minh Hậu.

Tại Lâm Đồng, các doanh nghiệp chăn nuôi góp phần xây dựng các chuỗi liên kết, hỗ trợ nông dân cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu. Ảnh: Minh Hậu.

Doanh nghiệp lớn đổ bộ

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, chính quyền có nhiều chính sách ưu đã đối với các doanh nghiệp chăn nuôi nên tỉnh Đắk Lắk thu hút các nhà đầu tư "đại bàng" lớn đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao.

Cụ thể, năm 2022 một số dự án đầu đã khởi công và đi vào hoạt động gồm: Dự án đầu tư nhà máy ấp nở trứng gia cầm của công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam thực hiện tại Cụm Công nghiệp Krông Búk 1, với công suất 2,2 triệu con giống 1 ngày tuổi/tháng.

Công ty CP Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk thực hiện tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar với quy mô hiện tại 1.300 lợn nái phẩm cấp cụ kỵ, ông bà. Tập đoàn Xuân Thiện cũng khởi công đầu tư chuỗi các dự án đầu tư chăn nuôi, chế biến, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, logistics trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí ước tính khoảng 22.000 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk đã đưa đàn heo giống ông bà, cụ kị vào nuôi và hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị thương phẩm.

Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk là một tổ hợp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm chọn lọc, sản xuất heo giống; nhà máy giết mổ heo tự động, sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi.

Tại tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam - Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt, Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn và hiện đại.

Những doanh nghiệp này cũng được đánh giá là đi tiên phong trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp đã góp phần xây dựng các chuỗi liên kết, hỗ trợ nông dân địa phương phát triển đàn bò sữa, giúp người dân cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Bel Gà, Công ty TNHH Emivest Feedmill Viet Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri (chi nhánh Bình Dương) cũng đầu tư xây dựng hệ thống quy mô trang trại hiện đại và thực hiện các quy trình chăn nuôi tiên tiến.

Tương tự, tỉnh Gia Lai cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với quy mô lớn, các doanh nghiệp đều ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi về: giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi dưỡng, xử lý chất thải.

Các doanh nghiệp ở Tây Nguyên đã áp dụng quy trình chăn nuôi hiện đại với công nghệ tiên tiến. Ảnh: Đăng Lâm.

Các doanh nghiệp ở Tây Nguyên đã áp dụng quy trình chăn nuôi hiện đại với công nghệ tiên tiến. Ảnh: Đăng Lâm.

Cụ thể như Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên, Công ty CP Diên Hồng Gia Lai, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, Công ty TNHH Chăn nuôi Bách Mộc Phát, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam…

Về giống, các doanh nghiệp sử dụng các giống ngoại có năng suất, chất lượng cao. Cụ thể, giống bò được nhập từ New Zealand và Úc như Brahman, Droughtmaster, Holstein Friesian… các giống heo nhập từ các trại giống trong nước và nhập khẩu từ Canada như Landrace, Yorkshire, Duroc, Peitrain.

Trong khi đó, tại Kon Tum, hiện có các doanh nghiệp lớn là Công ty Cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen với tổng vốn 5.100 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH với dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao, Tập đoàn Duyên Thịnh Phát đang đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt tại huyện Ia H'Drai với sản lượng dự kiến xuất ra thị trường trên 30.000 con lợn thịt/năm.

Ngoài ra, các công ty chăn nuôi lớn như CP, CJ, Ma Vin, Japfa Comfeed, Green Feed đã liên kết với các hộ dân để chăn nuôi lợn, gia cầm... Trong năm 2022, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã làm việc với tập đoàn De Heus, Hùng Nhơn, bước đầu hai bên đã ký biên bàn ghi nhớ về cam kết hỗ trợ, đầu tư chăn nuôi vào địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học được Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam liên kết với nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học được Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam liên kết với nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Về quy trình chăn nuôi, các doanh nghiệp áp dụng quy trình chăn nuôi với công nghệ tiên tiến đang được các nước phát triển áp dụng như chuồng lạnh, có hệ thống làm mát tuần hoàn nhằm tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, nuôi chuồng sàn, thức ăn công nghiệp, sử dụng các sản phẩm xử lý môi trường nhằm phân hủy các chất hữu cơ, giảm thiểu mùi hôi.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

DHN Gia Lai không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn góp phần vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang gặp khó khăn về vấn đề phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Đăng Lâm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang gặp khó khăn về vấn đề phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Đăng Lâm.

Về khó khăn chung mà những doanh nghiệp này gặp phải, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho rằng, giống như các doanh nghiệp chăn nuôi trên cả nước, thời gian qua những doanh nghiệp “đầu đàn” này đang gặp một số khó khăn.

Trong đó, phải kể đến là vấn đề dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm còn xảy ra rải rác và diễn biến còn phức tạp. Để khắc phục những khó khăn này, ngành nông nghiệp địa phương đã tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Đối với các doanh nghiệp địa phương, trang trại hộ gia đình, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông, đồng thời hỗ trợ vacxin, vật tư và công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, cúm gia cầm... cho các loại vật.

Trong vấn đề phòng chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ vật tư, thuốc sát trùng để vệ sinh môi trường chăn nuôi, chuồng trại và thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với chủ các cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh.

Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn sẽ đã đưa khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới vào chăn nuôi, góp phần không nhỏ để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển như hiện nay. Việc áp dụng chặt chẽ quy trình phòng dịch, quy trình chăn nuôi an toàn nên trong các năm qua không xảy ra dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi của các doanh nghiệp.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.