| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an ninh nguồn nước là 'mệnh lệnh tất yếu'

Thứ Ba 12/11/2019 , 09:25 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hình thái thời tiết cực đoan và khó lường.

14-28-40_tl-01
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội thảo bàn về khoa học thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước.

Chính vì thế, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, quản lý nguồn nước và hệ thống thủy lợi để đảm bảo an ninh nguồn nước là mệnh lệnh tất yếu.
 

Sử dụng nước còn lãng phí, hiệu quả thấp

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, gần 63% của 840 tỷ m3 tổng lượng nước ở Việt Nam từ nước ngoài chảy vào. Do đó, Việt Nam là quốc gia đã, đang và sẽ phải chịu nhiều thách thức về an ninh nguồn nước đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước ngày càng trở nên phổ biến hơn. 

Cạnh tranh khai thác, sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là nước phục vụ sản xuất nông nghiệp có xu hướng ngày càng gay gắt hơn, nhất là trong mùa khô. Suy giảm rừng đầu nguồn, chất lượng rừng kém cùng với khai thác, sử dụng nước lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp dẫn đến chưa bảo đảm việc sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu ở nhiều khu vực, lưu vực sông.

Trước bối cảnh trên, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ cho các hệ thống công trình thủy lợi và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai với 6.336 hồ chứa, 10.000 đập, 13.000 trạm bơm, 255.000km kênh mương, 25.958km đê kè.

Các hệ thống này đã mang lại những kết quả quan trọng cho sản xuất nông nghiệp với xuất khẩu nông sản đạt 40,02 tỷ đô la Mỹ, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76% (2018), đồng thời góp phần quan trọng xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

PGS.TS Nguyễn Tùng Phong – PGĐ Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam chia sẻ, những tiến bộ trong quản lý tài nguyên nước và thủy lợi đã đưa ngành nông nghiệp và Việt Nam ra khỏi quốc gia không an toàn về thực phẩm, để trở thành một trong những nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Đây là một trong những thành tựu to lớn, có đóng góp của những nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực này.
 

Quản trị hệ thống thủy lợi trong kỷ nguyên mới

Trong kỷ nguyên mới của công nghệ tiên tiến, kết nối vạn vật (IOTs), dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đã lan tỏa đến mọi tầng lớp và thay đổi nhiều lối tư duy truyền thống. Quản lý nguồn nước và thủy lợi ở Việt Nam đã có nhiều cơ hội tiếp cận tiến bộ công nghiệp, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

14-28-40_tl-04
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi của Công ty TNHH Thủy nông Bắc Nam Hà.

Ví dụ, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bằng sông Hồng, thì các vấn đề ô nhiễm và quản lý chất lượng nước trong các hệ thống thủy lợi trong vùng sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp. Các hệ thống thủy lợi này, đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường và chất lượng nước.

Việc tiếp cận các nguồn nước thải từ khu công nghiệp, nông nghiệp và làng nghề xung quanh hệ thống thủy lợi dẫn đến việc suy giảm chất lượng nước. Việc quan trắc chất lượng nước trong các hệ thống thủy lợi cho thấy ô nhiễm nước đã gia tăng cả về phạm vi và mức độ.

Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, một nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Viện Quy hoạch tài nguyên nước miền Nam và Cơ quan Hợp tác Đức cho biết: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư hàng triệu đô la vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nguy cơ mất các khoản đầu tư do thời tiết khắc nghiệt và các thảm họa khởi phát như nước biển dâng đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách ra quyết định phải đảm bảo khả năng phục hồi của cả các khoản đầu tư hiện tại và các khoản đầu tư mới.

Trong bối cảnh này, đánh giá rủi ro khí hậu cho cơ sở hạ tầng được công nhận là một công cụ hiệu quả để xác định và ưu tiên các nhu cầu thích ứng. Đồng thời làm cơ sở kỹ thuật để phát triển chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu.

Nếu có giải pháp quản lý sử dụng nước hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên quý giá này. Một câu chuyện cụ thể đối với cây lúa – cây lương thực chính ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Lượng nước sử dụng để tưới cho ruộng lúa dao động từ 5.000 đến 7.000 m3/ha/vụ.

Để tránh lãng phí nước, Viện Nước và Môi trường Việt Nam phối hợp với Đại học Kyoto và Công ty Kitai Seikkei (Nhật Bản) đã tiến hành nghiên cứu tiết kiệm quản lý nước trên ruộng tại xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trên quy mô 50,2 ha (thời gian nghiên cứu từ 2015 – 2017).

Kết quả từ 6 vụ sản xuất lúa cho thấy, năng suất ruộng thí điểm tăng 6% so với bên ngoài mô hình, lượng nước tưới giảm 20,5%, khí nhà kính giảm 22,13%. Dựa trên kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm trên từ Nhật Bản, nhóm nghiên cứu của Viện Nước và Môi trường Việt Nam đã mở rộng áp dụng, trợ lý kỹ thuật ở Bắc Trung Bộ.

    Tags:
Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất