| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo thức ăn, giữ ấm cho gia súc trước mùa đông

Thứ Bảy 13/11/2021 , 20:30 (GMT+7)

LÀO CAI Trâu, bò là tài sản lớn của người dân vùng cao. Do đó, trước mùa đông khắc nghiệt, người dân đã chủ động chống rét cho đàn gia súc, vật nuôi.

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai. Sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân thường có thói quen thả rông gia súc sau vụ mùa. 

Trong khi, thời tiết ở Mường Khương lại khắc nghiệt, do đó ngay từ đầu mùa đông, huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ thức ăn, sửa chữa, che chắn lại chuồng trại đảm bảo ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại.

Chuẩn bị cho mùa đông giá rét, các hộ gia đình ở vùng cao che chắn chuồng trại và tích trữ thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: K.Huệ.

Chuẩn bị cho mùa đông giá rét, các hộ gia đình ở vùng cao che chắn chuồng trại và tích trữ thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: K.Huệ.

Gia đình ông Sùng Seo Củi ở thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, Lào Cai) có kinh nghiệm phòng chống rét cho đàn gia súc từ nhiều năm nay. Thế nhưng, trước diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt dự báo mùa đông năm nay nhiệt độ sẽ giảm sâu nên gia đình ông không chủ quan mà chuẩn bị kỹ để đón các đợt rét.

“Gia đình tôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi nhốt 15 con trâu, bò; tích trữ rơm, ngô, cám gạo và trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn tươi cho chúng, đồng thời thực hiện tiêm phòng định kỳ. Vì vậy, trong nhiều năm qua, vào mùa đông, đàn trâu, bò của gia đình tôi luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt”, ông Sùng Seo Củi nói.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở đây, chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính của họ. Bên cạnh việc tích trữ thức ăn cho đàn gia súc, các gia đình cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải để chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ… Qua đó, không để đàn trâu, bò bị nhiễm, lây lan dịch bệnh.

“Theo dõi trên báo đài, tôi được biết năm nay mùa đông khả năng lạnh sâu nên gia đình tôi cũng đã chuẩn bị thức ăn, bạt che, tiêm phòng đầy đủ cho gia súc”, ông Giàng Sẹo Vềnh cho biết.

Cũng chính vì mùa đông ở Mường Khương khắc nghiệt nên người dân đã vận dụng nhiều cách để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, hạn chế tối thiểu thiệt hại về tài sản.

Trâu, bò là tài sản lớn của bà con vùng cao nên cần đặc biệt chú trọng phòng chống đói rét trong mùa đông. Ảnh: TL.

Trâu, bò là tài sản lớn của bà con vùng cao nên cần đặc biệt chú trọng phòng chống đói rét trong mùa đông. Ảnh: TL.

Các hộ chủ động nuôi nhốt trâu, bò trong chuồng, không thả rông ra ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp. Các thành viên trong gia đình còn thay nhau đi cắt cỏ cho trâu, bò ăn, bổ sung cám thảo quả nhằm tăng sức đề kháng, giúp đàn gia súc có sức khỏe vượt qua những ngày đông rét buốt.

Chính quyền địa phương cũng chủ động hướng dẫn người dân chuẩn bị phòng, chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc ngay từ đầu mùa đông này. Theo đó, các xã đã chỉ đạo các thôn, cán bộ khuyến nông tuyên truyền vận động người dân dự trữ rơm, bí ngô, cỏ khô, tu sửa chuồng nuôi. Cán bộ xã đi đến từng thôn bản, hộ chăn nuôi để hướng dẫn người dân kỹ thuật ủ cỏ làm thức ăn cho gia súc, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Toàn huyện Mường Khương hiện có trên 42.200 con gia súc, do đó việc chủ động làm tốt công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa đông không chỉ góp phần bảo vệ tài sản của người dân, mà còn nhằm duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc trên địa bàn. Từ đó tạo đòn bẩy để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Những năm gần đây, người dân vùng cao đã có ý thức hơn trong việc phòng chống đói rét cho gia súc. Ảnh: TL.

Những năm gần đây, người dân vùng cao đã có ý thức hơn trong việc phòng chống đói rét cho gia súc. Ảnh: TL.

Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cũng đã trực tiếp kiểm tra công tác triển khai phòng chống rét cho gia súc, vật nuôi trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã vùng cao, nơi nhiệt độ mùa đông xuống rất thấp như Dìn Chin, Pha Long... 

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương đánh giá cao sự chủ động của các xã trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến người dân triển khai các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.

"Qua kiểm tra, đề nghị Phòng NN-PTNT huyện chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, phối hợp với các xã chủ động, tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thả rông, chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, che chắn chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm.

Có kế hoạch dự trữ thức ăn, rơm cỏ khô, bổ sung thức ăn tinh để cung cấp đủ dinh dưỡng, hoà nước muối cho trâu, bò uống để tăng sức đề kháng và chống lạnh. Đặc biệt thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định…", Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nói.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.