Năm 2020, tổng đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 62.406 con, chỉ đạt 91% kế hoạch phát triển. Trong đó trâu là 41.894 con, bò 17.934 con, ngựa 2.578 con, tập trung số lượng lớn ở các huyện Pác Nặm (7.362 con), Ba Bể (7.040) và Na Rỳ (7.354 con).
Theo ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, có nhiều lý do khiến tổng đàn không đạt kế hoạch đề ra của năm 2020 như: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu tư mở rộng sản xuất của người chăn nuôi; các hoạt động giao thương mua, bán, lưu thông, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật bị ngừng trệ do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tâm lý sợ rủi ro, dịch bệnh nên người dân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Thêm vào đó, phần lớn người chăn nuôi theo tập quán thả rông, nhưng diện tích chăn thả bị thu hẹp do việc phát triển trồng rừng; chăn nuôi trâu, bò ít được sử dụng vào mục đích cày kéo; giá cả không ổn định, vốn đầu tư lớn,... dẫn đến nhiều hộ chuyển cơ cấu sang loài vật nuôi khác.
Từ đầu mùa đông (tháng 11/2020) đến nay, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở NN-PTNT cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản gửi tới các địa phương triển khai công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.
Trước diễn biến thời tiết được dự báo sẽ liên tục có các đợt rét đậm, rét hại, thậm chí là có băng tuyết ở các địa phương vùng cao, với mục tiêu không để trâu, bò bị chết rét, vừa qua ngành Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn đã đi kiểm tra tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cho thấy, các địa phương đã có sự chủ động trong việc phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo. Ban chỉ đạo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi được kiện toàn và phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho thành viên phụ trách. Thậm chí như ở huyện Pác Nặm, đã triển khai các biện pháp phòng chống rét cụ thể xuống từng địa bàn trước khi vào mùa đông (từ tháng 10/2020), trước khi các cơ quan cấp trên chỉ đạo thực hiện.
Phần lớn các hộ dân, chủ yếu là các ở các địa phương có số lượng trâu, bò lớn (huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rỳ, Ngân Sơn) đã có ý thức trong việc bảo vệ đàn vật nuôi, như che chắn chuồng nuôi tránh gió lùa và có biện pháp giữ ấm cho vật nuôi; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chủ động tích trữ rơm, rạ, trồng cỏ để làm thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét... Đến thời điểm này, chưa ghi nhận có gia súc bị chết do rét đậm, rét hại.
Tuy nhiên, công tác phòng chống đói rét cho gia súc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều hạn chế. Tập quán chăn thả tự nhiên, thậm chí thả rông ngay cả trong những ngày giá rét, mưa phùn. Đó cũng chính là lý do vẫn còn tình trạng vật nuôi bị chết rét trong những năm qua, mà đỉnh điểm là vào năm 2011, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 14.000 con trâu, bò bị chết rét.
Ông Nông Quang Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh và Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn cho biết, hiện nay tại một số nơi vùng sâu, vùng xa bà con chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống rét. Như đi kiểm tra tại các xã Bình Văn, Yên Hân của huyện Chợ Mới, vẫn còn tình trạng người dân chủ quan với với việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, để chuồng trại sơ sài, không có giải pháp che chắn và không dự trự thức ăn.
Thậm chí vẫn còn người chăn nuôi có suy nghĩ sai lầm như: Thấy trời rét quá thì đuổi trâu, bò vào khe núi tránh rét, vì nghĩ rằng ở đó có thức ăn, tránh được gió và con vật ngủ dưới tán cây rừng sẽ ấm và không bị chết rét. Ông Hải cho biết thêm...