| Hotline: 0983.970.780

Dân bức xúc khi nhận tiền đền bù thu hồi đất phải nộp cho thôn làm NTM

Thứ Ba 02/08/2016 , 13:05 (GMT+7)

Thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã thu tiền đền bù giải phóng mặt bằng của hơn chục hộ dân đưa vào xây dựng đường giao thông nông thôn. Chủ trương này bị người dân phản ứng.

Anh Lê Huy Hoàng, 28 tuổi ở thôn Nam Lãnh đưa chúng tôi ra cánh đồng Sao Sạn phía trước thôn, nơi thuộc diện quy hoạch làm khu tái định cư cho Khu công nghiệp Hòn La II.

Anh cho hay: "Gia đình tôi có diện tích đất nằm trong quy hoạch 1.135 m2. Tổng số tiền đền bù là 225 triệu đồng. Tiền đền bù được nhận làm hai đợt. Đợt một gần 140 triệu đồng và thôn buộc phải nộp ủng hộ 55 triệu đồng. Đợt hai nhận vào ngày 18/11/2015 hơn 85 triệu đồng và phải nộp 20 triệu đồng. Cả hai đợt gia đình phải nộp cho thôn 75 triệu đồng".

Cũng theo anh Hoàng, khi thu tiền đợt một, thôn không có giấy tờ gì cả. Thu đợt hai thì có phiếu thu người nộp là bà Tưởng Thị Thắm (mẹ anh Hoàng) do trưởng thôn ký xác nhận.

Tương tự như gia đình anh Hoàng, trong thôn còn có hơn chục hộ gia đình khác, sau khi nhận tiền đền bù cũng phải nộp lại cho thôn để ủng hộ làm đường NTM. Bà Phạm Thị Lợi ở thôn nam Lãnh cũng cho biết, gia đình bà nhận tiền đèn bù và đã nộp ủng hộ thôn 72 triệu đồng. "Nghe thôn nói nộp ủng hộ làm đường NTM thì gia đình phải nộp chứ không biết chủ trương từ đâu", bà Lợi nói.

Bà con cũng phản ánh, trong quá trình Ban giải phóng mặt bằng trả tiền cho bà con ở hội trường thôn Nam Lãnh, chính quyền thôn đã lập một hội đồng thu tiền đền bù của bà con ngay tại đó. Mức thu từ 30 – 40% tổng số tiền được nhận, tương ứng 20 đến 75 triệu đồng.

Trong buổi làm việc với ông Lê Nhớ Thương, Trưởng thôn Nam Lãnh, ông cho biết việc làm này là do chính quyền thôn tự đứng ra tổ chức thu tiền và chi phí cho việc làm đường. Lý giải, ông Thương cho hay diện tích đất được đền bù là đất 5% của xã. Sau đó, xã cho các hộ dân mượn canh tác và bàn giao cho những hộ dân này tạm đứng tên. "Trước lúc nhận tiền đền bù, thôn đã có mấy lần họp dân và đưa ra phương án trích một phần trong số tiền này ủng hộ cho thôn làm đường NTM. Vì vậy thôn đã đứng ra thu và chi vào việc này", ông Thương nói.

15-41-12_nnvn-2-bien-li-thu-tien
Biên lai thu tiền của thôn Nam Lãnh

 

Cũng theo giải trình của ông Thương, số tiền thu của 15 hộ dân được 418 triệu đồng. Sau đó, thôn triển khai làm 5 tuyến đường bê tông theo tiêu chí NTM.  "Tổng số tiền làm đường hơn 500 triệu đồng. Đã trả chi phí hơn 400 triệu đồng từ thu tiền ủng hộ của các hộ dân nhận tiền đền bù", ông Thương phân trần thêm.

Quá trình thôn Nam Lãnh thu tiền của 15 hộ dân để làm đường giao thông cũng không được chính quyền xã Quảng Phú chỉ đạo. Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: "Chũng tôi cũng mới nhận được thông tin và đang cho kiểm tra sự việc để xử lý".

Ông Phan Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết: "UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh lại sự việc trên. Nếu xảy ra sai phạm, sẽ kiên quyết xử lý, để lấy lại niềm tin từ người dân”.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.