| Hotline: 0983.970.780

Dân Cẩm Trung 'hốt bạc' từ trồng mướp đắng, dưa chuột gối vụ quanh năm

Thứ Bảy 28/04/2018 , 07:15 (GMT+7)

Mướp đắng, dưa chuột “bén duyên” trên đất Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ rất lâu và trở thành cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nhờ biết cách trồng gối vụ hai giống cây này giúp người dân “hốt bạc”.

15-41-30_1
Mỗi năm gia đình bà Lê Thị Châu thu về khoảng 80 triệu đồng từ vườn

Đến xã Cẩm Trung những ngày này đang là thời điểm chính vụ thu hoạch mướp đắng. Không khó để tìm những vườn mướp đắng xanh mướt, trĩu quả từ nhà dân, hầu hết gia đình nào cũng có ít nhất vài thước trồng mướp đắng, dưa chuột. Hầu hết các hộ thực hiện đầu tư hệ thống giàn lưới và cọc bê tông để phát triển SX.

Đã xế trưa nhưng bà Lê Thị Châu (xóm 4) vẫn tất bật thu hoạch vườn mướp đắng cho kịp thương lái gom buổi chiều. Những quả mướp xanh non được bà Châu nhanh tay cắt vào giỏ, cả khu vườn 1.500m2 được phủ xanh bởi những giàn mướp đắng.

Bà Châu phấn khởi nói: “Tối qua chị Hoa (thương lái) hẹn chiều nay đến thu mua mướp đắng nên tôi tranh thủ hái cả trưa để kịp bán. Năm nay gia đình tôi thu hoạch được khoảng 2 tấn mướp đắng thu về hơn 20 triệu đồng rồi”.

Gia đình bà Châu có thâm niên hơn chục năm gắn bó với cây mướp đắng, dưa chuột. Trước đây bà Châu chỉ trồng vài ba thước, đến mùa thu hoạch bà tự đem ra chợ bán. Vài năm lại nay thấy cây mướp đắng cho sai quả lại được giá nên gia đình bà mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống bét tưới trên giàn nhằm nâng cao hiệu quả.

15-41-30_3
Bà Châu tự chế các loại thuốc để dụ côn trùng

“Đầu năm ngoái hai vợ chồng đổ 120 cọc bê tông, mua thêm thép, lưới về làm giàn với chi phí khoảng 20 triệu đồng. Có giàn trồng xen các giống cây rất dễ, không khi nào tôi để giàn trống cả. Từ tháng 10 đến tháng 1 (dương lịch) trồng dưa chuột, khi dưa chuột sắp tàn sẽ trồng xen mướp đắng từ tháng 1 đến tháng 6, hết mùa mướp đắng lại trồng mướp ngọt. Cứ xoay vòng như thế quanh năm nên lúc nào cũng có thu hoạch. Trung bình mỗi năm thu về khoảng 80 triệu đồng từ vườn”, bà Châu chia sẻ.

Gia đình ông Võ Khắc Thuần (xóm 6) trồng hơn 2 sào mướp đắng, nhờ kinh nghiệm cũng như chăm sóc cây trồng đúng quy trình nên năm nào gia đình ông cũng bội thu. Ông Thuần vui vẻ: “Từ đầu vụ lại nay đã thu hoạch được hơn 20 triệu đồng từ mướp đắng rồi, ước tính đến cuối vụ cũng có thêm 15 – 20 triệu đồng nữa. Năm nào được mùa có thể thu hoạch được hơn 50 triệu đồng, đó là chưa tính vụ dưa chuột với mướp ngọt nữa. Tính ra lãi hơn trồng lúa rất nhiều mà thương lái đến mua tận nơi”.

Cũng theo ông Thuần, mướp đắng thời điểm đầu vụ có giá từ 20.000 – 40.000 đồng/kg, đến chính vụ thì giảm xuống còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, tuy nhiên ở thời điểm cuối vụ giá sẽ tăng hơn. Cứ khoảng vài ngày gia đình ông thu hoạch một lần, trung bình khoảng vài yến mướp đắng. Những quả mướp bị cong, vẹo thì xắt khô để làm thuốc hoặc nấu nước uống cũng được thương lái thu mua và tính giá quy đổi như mướp tươi.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Trung cho biết: “Toàn xã có 1.200 hộ dân trên 11 thôn trồng mướp đắng, dưa chuột với 18ha. Đây là các cây trồng chủ lực góp phần phát triển kinh tế địa phương, còn mướp ngọt cũng có nhưng chưa nhiều.

Điều đặc biệt, hầu hết diện tích mướp đắng và dưa chuột được người dân trồng ngay trong vườn của gia đình vừa phát triển kinh tế vườn, vừa xây dựng vườn mẫu rất hiệu quả. Đồng thời người dân cũng rất tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất rau sạch, chủ yếu bằng phương pháp dụ côn trùng và bắt sâu nên sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Sắp tới xã đang xúc tiến thành lập HTX thu mua tại địa phương góp phần ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm”.

15-41-30_4
Hầu hết người dân xã Cẩm Trung đều đầu tư hệ thống giàn và bét tưới trong vườn
“Cứ hết mùa mướp đắng lại trồng mướp ngọt, rồi dưa chuột nên thu hoạch quanh năm. Thu hoạch tới đâu bán hết tới đó nên người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, nếu có doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm thì người dân an tâm SX hơn”, ông Thuần cho biết.

 

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.