| Hotline: 0983.970.780

Đàn chim sẻ vài ngàn con chỉ đậu trên một cây Ngọc Lan ở Lâm Thao

Thứ Ba 05/07/2022 , 10:18 (GMT+7)

Hơn 4 giờ sáng, tôi tỉnh giấc trong nhà khách Lâm Thao giữa tiếng lao xao của hàng ngàn con chim sẻ và khi chúng cùng cất cánh thì cành ngọc lan bỗng rung lên...

2 năm 1 ngày

Ký ức về một thời ấu thơ chợt thức dậy trong tôi, thủa ấy chân đất, đầu trần, da cháy nắng lúc nào cũng có một con chim sẻ đậu vắt vẻo trên vai. Nó bay theo mỗi khi tôi dứ dứ một con cào cào và há cái mỏ nhỏ xíu của mình ra mà đón lấy, ăn xong không quên dụi dụi đầu vào má, vào mặt chủ-để lại những cái “hôn” dư âm còn nồng ấm đến tận giờ. Thế rồi đàn chim sẻ ở các vùng quê cứ thưa thớt dần bởi những súng săn, những tay lưới mảnh, những chiếc gậy bôi keo kèm với tiếng chim giả phát ra đầy gọi mời từ cái loa di động. Bởi thế, hôm chứng kiến đàn sẻ cả ngàn con đậu trên cây ngọc lan trong nhà khách của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) tôi không khỏi bồi hồi như gặp lại bạn cũ, chỉ có điều số lượng khổng lồ ngoài sức tưởng tượng.

Clip đàn chim sẻ vài ngàn con chỉ đậu trên một cây Ngọc Lan ở Lâm Thao. Ảnh: Độc giả cung cấp.

Lại nhớ đến các tập đoàn ô tô lớn của thế giới như Toyota, Audi, BMW, Ford, Honda, Land Rover, Lamborghini, Mercedes…trong khuôn viên đều có những đàn ong mật. Dù đó chỉ là vật nuôi nhưng cũng là cách mà hãng muốn quảng bá hình ảnh thân thiện với môi trường. Người ta có thể dễ dàng đưa một vài đàn ong vào một nhà máy, trong khi phần lớn các động vật khác lại khó hơn nhiều. Bởi thế, còn gì tuyệt vời hơn là đàn chim sẻ vài ngàn con sớm chiều về đậu trên một cái cây của một nhà máy hóa chất như Lâm Thao?

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Nhà hành chính 3 tung gạo cho chim ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Nhà hành chính 3 tung gạo cho chim ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Nhà hành chính 3 phụ trách nhà khách và nhà đa năng cho hay, đàn chim xuất hiện đến giờ đã được 2 năm 1 ngày (thời điểm tôi gặp anh là ngày 9/6). Trước đó chỉ lác đác có vài con, sau đó thì kéo về đông như một đám mây, che kín cả khoảng không, ước khoảng hơn 2.000 con và chỉ chọn cây ngọc lan để đậu: “Đàn chim rất tinh khôn, hễ cảm thấy không an toàn là không về đâu. Những lúc như vậy, tôi phải kiểm tra xem, thứ nhất là có ai săn bắn không, thứ hai là môi trường có khí thải độc hại không, thứ ba là có động vật hại như chuột leo lên cây không.

Giống sẻ này rất hay, mỗi con chỉ chọn một chỗ ngủ cố định và bao giờ cũng tìm về đúng vị trí ấy của mình, sáng ra hót chừng 1 tiếng, còn tối chỉ hót chừng 15 phút là yên. Chim sẻ đàn giống như thanh niên chưa biết yêu đương gì, còn khi cặp nào muốn kết đôi mới tách đàn, bay con trước, con sau lên nóc nhà khách cùng nhau tha rơm làm tổ chứ 2 năm rồi không làm tổ trên cây ngọc lan …”

Chiều đến anh Hùng thường ngồi dưới hiên nhà khách, lặng yên theo dõi chim sẻ về đậu xuống cành nào. Đàn chim khổng lồ nhưng thực ra chứa bên trong vài ba chục đàn chim nhỏ. Mùa hè, chúng về cây ngọc lan từ 6-7 h chiều, bay đi từ 4h30 sáng, mùa đông chúng về lúc 5h chiều, bay đi muộn hơn, lúc 5h30. Khi bay ra ngoài kiếm ăn đông như một đám mây nhưng có lúc trở về thấy thưa thớt, anh Hùng đoán là bị săn, lòng chợt buồn vô hạn. Có lần anh còn rình phát hiện ra một thợ săn ban đêm kê súng từ ngoài nhằm vào cây ngọc lan, bắn rơi con nào liền lẻn vào lấy nên thuyết phục chuyện bảo tồn, còn không sẽ báo công an xử lý.

Cây ngọc lan ở Lâm Thao nơi buổi đêm đàn chim sẻ thường trú ngụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây ngọc lan ở Lâm Thao nơi buổi đêm đàn chim sẻ thường trú ngụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lại có lần, chẳng có thợ săn nào mà không hiểu sao đàn chim lại không về nữa. 12h đêm anh Hùng còn ra rình xem, mới biết là có đàn chuột bò lên cây ngọc lan, cắn chết chim nhưng không ăn mà thả rơi lả tả xuống dưới gốc. Đàn chuột còn để lại mùi khiến cho chim rất sợ, bay đi mất. Nghiên cứu bẫy đủ kiểu nhưng không thành nên anh bọc nylon vào gốc cây để tránh chuột leo lên rồi cứ chiều chiều lại mở loa điện thoại, ra ngóng bóng chim về.

Đàn sẻ rất quý cây ngọc lan này nhưng cũng không dám về mà chỉ ở loanh quanh, cách đó chừng 200-300m. Lúc nghe thấy tiếng gọi quen thuộc cũng có vài trăm con về đậu trên cây ngọc lan tuy nhiên cảm thấy không an toàn, chỉ 5 phút lại bay đi. Mãi mấy ngày sau, khi thực sự yên tâm chúng mới dám trở lại, mà bay về đậu thẳng xuống luôn, không còn chao liệng, nháo nhác như trước nữa.

Đàn chim lúc đầu rất sợ người, các anh em trong nhà khách phải làm quen bằng cách treo 2 giỏ thóc hay gạo lên cây ngọc lan: “Mỗi tuần chúng tôi chỉ làm như thế một lần bởi không muốn đàn chim trời phụ thuộc vào thức ăn của con người mà chỉ muốn hỗ trợ chút cho những con non hay con yếu không kiếm ăn được. Nếu để giữ đàn chim ở lại thì cho ăn cám công nghiệp là được ngay bởi trong đó có chất muối khiến chim bị nghiện, lệ thuộc nhưng chúng tôi không muốn thế. Trời mưa gió, thỉnh thoảng có con chim non yếu bay là là bên dưới bụi hoa, không lên cây được, chúng tôi lại mang về phòng, hong khô lông rồi đưa lên cây”. Anh Hùng kể.

Đàn chim sẻ đậu trên cành cây ngọc lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Đàn chim sẻ đậu trên cành cây ngọc lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Buổi sáng người già đi tập thể dục qua nhà khách, cứ đứng ngóng xem đàn chim, buổi chiều trẻ con đi học về qua nhà khách cũng ngóng xem đàn chim. Tự bao giờ, hình ảnh của chúng, tiếng kêu của chúng đã trở thành thân quen nơi khu phố nhỏ bé này.

“Linh hồn” của cây ngọc lan

Cao điểm dịch Covid năm 2021, 21 ngày liên tiếp công ty thực hiện 3 tại chỗ, anh Hùng phải ở trong nhà khách, cũng không hiểu vì sao đàn chim lại bỏ đi, không còn một con nào, tưởng là đã mất hẳn. Sau đó khi được ra ngoài, mải mốt đi tìm anh mới thấy chúng đậu trên một cái cây gần đấy, nhưng chỉ một tuần sau lại chuyển sang cái cây khác vì cảm giác không an toàn. Mọi người của nhà khách đều buồn bởi đàn chim gắn bó đã lâu. Sáng nào, chiều nào họ cũng ngó lên, không có một bóng chim, không có một tiếng hót, cái cây ngọc lan như vô hồn vậy. Thấy thế, anh Hùng buột miệng hứa với anh em rằng: “Tôi còn làm đây thì tôi phải đưa đàn chim trở về”. Hứa thì hứa vậy nhưng anh cũng không chắc chắn bởi chim trời, cá nước, chẳng biết thế nào.

Bầy chim sẻ đang nô đùa. Ảnh: Sưu tầm trên mạng. 

Bầy chim sẻ đang nô đùa. Ảnh: Sưu tầm trên mạng. 

Hôm đó đàn chim trở về nhưng rồi lại bay đi, chỉ có đôi con ngủ qua đêm, đến ngày thứ ba thì cả ngàn con chịu ở lại. Lúc mới về chúng không xuống ngay cây ngọc lan mà đậu tạm trên cây xoài gần đó, chỉ đôi con bay về nhảy lung trên cây ngọc lan, rồi lại bay sang cây xoài rủ thì cả đàn mới về. Anh Phạm Thanh Tùng-Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vì nhà xa nên thường xuyên ngủ lại nhà khách. Buổi sáng anh thường ra ngoài hiên đứng ngắm đàn chim, lắng nghe tiếng hót, buổi tối về, dù bận rộn đến mấy anh cũng phải hỏi: “Đàn chim đã về chưa? Hôm nay chúng hót ít hay hót nhiều?”…

Tối hôm đó, tôi cùng với anh Hùng ra gốc ngọc lan để lắng nghe tiếng chim gọi bầy ríu rít, cảm tưởng có thể với tay là bắt được bởi chúng rất dạn dĩ. Chỉ tay, tôi thắc mắc tại sao có bóng đèn cao áp vàng cạnh bóng đèn cao áp trắng, anh thủng thẳng trả lời, bóng trắng lắp trước là để cấp ánh sáng, còn khi có đàn chim về thì anh em mới lắp thêm bóng vàng để  mùa đông bật lên cho chúng sưởi ấm, còn những ngày nắng quá, phải cắt đi vì sợ chúng bị nóng. Trời đã dần về khuya, đàn chim ngủ yên đến mức không mấy ai biết là chúng có mặt ở trên cây, những xe ô tô của công ty gửi ở gần mà đi vào chúng cũng chẳng thèm phản ứng nhưng hễ nghe thấy tiếng xe lạ là lại lao xao thức dậy. Bởi thế, anh Hùng vẫn thường dặn bảo vệ, có khách không được xếp xe đậu ở dưới gốc cây ngọc lan để tránh làm phiền giấc ngủ của đàn chim.

Chim sẻ là biểu tượng của những cánh đồng quê. Ảnh: Sưu tầm trên mạng. 

Chim sẻ là biểu tượng của những cánh đồng quê. Ảnh: Sưu tầm trên mạng. 

Nếu bảo vệ như anh Vũ Đức Lợi chỉ làm việc theo ca thì anh Hùng 9h tối mới về, 4-5 h sáng đã lại tới, lắm hôm còn ngủ lại để mưa gió bão bùng lại ra gốc cây kiểm tra chim bằng cách dậm mạnh chân một cái, thấy chúng bay lao nhao là biết chim đã về, yên tâm trở vào: “Không có đàn chim trời nào mà hai năm liền chỉ ở một chỗ cả vì đặc tính di cư vào mùa lạnh, chỉ có ở đây, môi trường ở đây, có người bảo vệ thì chúng mới yên tâm. Mưa gió, chúng vẫn trở về và gần như không bao giờ bị ướt vì biết lựa theo những cái lá để trú. Một cây tầm gửi bám trên thân ngọc lan giờ đã thành một búi lớn nhưng chúng tôi cũng không dám động vào vì sợ ảnh hưởng đến môi trường quen thuộc của đàn chim, sợ sớm chiều không còn nghe thấy chúng đùa vui như trẻ nhỏ”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm