| Hotline: 0983.970.780

Dân đi khai hoang ở Sóc Sơn: 'Xin đừng biến chúng tôi thành con rơi'

Thứ Hai 17/09/2018 , 09:55 (GMT+7)

Một tấm bản đồ xuất hiện đầy bí ẩn khiến khoảng 300 hộ dân ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội biến thành những kẻ “nhảy dù”, không được phép xây dựng trên chính mảnh đất họ đã đổ mồ hôi nước mắt gây dựng hơn 30 năm qua.

Tấm bản đồ bí ẩn

“Tôi làm trưởng thôn từ năm 2003, trước đó là công an viên xã Minh Trí, nhưng đến tận năm 2018, tôi mới được biết có tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ “phủ kín” toàn bộ khu dân cư đi làm kinh tế mới, đã tồn tại từ năm 1985”, ông Nguyễn Đình Cường, trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nói.

Ông Nguyễn Đình Cường, trưởng thôn Minh Tân, nói về tấm bản đồ quy hoạch rừng trùm lên khu dân cư

Đại diện chính quyền huyện Sóc Sơn, cũng thừa nhận có sự sai sót khó hiểu này. Bản đồ vẽ năm 2008, khu dân cư làm kinh tế mới có từ năm 1985, song điều lạ lùng là trên bản đồ, toàn bộ khu dân cư biến thành rừng phòng hộ.

33 năm từ ngày đi làm kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước, những cư dân ở Minh Tân có nhiều người nay đã lên chức cụ, gia đình có 4 thế hệ. Tuy nhiên, họ không thể xây thêm nhà, thêm tầng cho con cháu ra riêng, bởi sự tồn tại tréo ngoe của tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ nêu trên.

“Con cháu lập gia đình, không thể ra riêng vì cứ xây là cán bộ xã, huyện, xuống lập biên bản, nói rằng chúng tôi xây dựng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ”, ông Nguyễn Đình Trang, dân thôn Minh Tân, nói với giọng đầy uẩn ức.

Cách đó mấy căn nhà, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bức xúc kể về việc không thể vay vốn phát triển sản xuất, do không có giấy tờ sở hữu hợp pháp về đất ở, đất làm nông nghiệp.

“Hồi đó chính quyền huyện Sóc Sơn bảo chúng tôi cứ đi làm kinh tế mới, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Họ nói chúng tôi sẽ được quan tâm, đầu tư, nhưng bây giờ bỏ rơi chúng tôi như con hoang vậy”, ông Hùng nói.

Bà Dương Thị Lỡ, cũng sống tại Minh Tân từ năm 1985, thời điểm thành lập khu kinh tế mới, run run chìa ra nhiều bức ảnh về cuộc sống kham khổ thời ấy. “Người có trước, rừng có sau. Thuở đó khu này toàn sim, lau, lách, làm gì có rừng. Dân chúng tôi đổ mồ hôi nước mắt bao năm, nay bỗng dưng không có một cái gì sở hữu cả”.
 

Lợi ích nhóm?

Đại diện chính quyền xã Minh Trí và huyện Sóc Sơn, khi trao đổi với phóng viên, đều thừa nhận hiện trạng nêu trên tại thôn Minh Tân (trước kia là khu Kinh tế mới Đồng Đò). “Đúng là dân có trước, rừng có sau. Bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ nằm trùm lên khu dân cư”, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch xã Minh Trí, cho biết.

16-37-05_2
Khu Kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân) thời mới thành lập

Lý giải điều này, ông Nhuận nói sai sót có lẽ bắt đầu từ giai đoạn 1990 - 1993, khi có cán bộ về đo vẽ bản đồ rừng phòng hộ, song chính quyền xã “vì nhiều lý do chưa chủ động” trong công tác dẫn đạc (dẫn người đi đo vẽ bản đồ). Ông Nhuận cũng thông tin về việc năm 1998, có quy hoạch về rừng phòng hộ Sóc Sơn, song “người dân không được thông báo”.

Câu chuyện tiếp tục trở nên kỳ lạ hơn, khi năm 2006, một tấm bản đồ quy hoạch rừng xuất hiện, dựa trên số liệu từ những năm 90 thế kỷ trước. Đến năm 2008, tấm bản đồ chính thức ra đời, song sự tồn tại của nó suốt 10 năm tới nay, được chủ tịch xã và trưởng thôn thừa nhận là “không hề được biết”.

Trong văn bản gửi tới phóng viên, huyện Sóc Sơn quy trách nhiệm cho xã “không dẫn đạc bản đồ địa chính”. Tuy nhiên, khi được hỏi trách nhiệm của huyện tới đâu, khi để cho tấm bản đồ tồn tại suốt 10 năm, dù biết nó trùm lên khu dân cư của những người đi làm kinh tế mới từ năm 1985, đại diện chính quyền huyện Sóc Sơn im lặng, từ chối trả lời.

Trưởng thôn Minh Tân nói, có thể do khu vực này được thiên nhiên ưu đãi, cảnh đẹp như “Đà Lạt của Sóc Sơn”, nên tấm bản đồ kia mới xuất hiện. Hồ Đồng Đò nằm lọt giữa hai dãy đồi núi, nước xanh biếc, còn rộng hơn hồ Than Thở tại Đà Lạt. Những cánh rừng xanh ngút tầm mắt do nhiều thế hệ dân Minh Tân trồng lên, càng tôn thêm cảnh sắc nơi đây, tách biệt hoàn toàn với đô thị đông đúc.

Con đường Bắc Sơn - Minh Trí, đi từ trung tâm huyện Sóc Sơn, vào tới hồ Đồng Đò hiện được trải nhựa rất đẹp. Song thật lạ là khi đi qua hồ Đồng Đò, tới địa phận thôn Minh Trí, thì vẫn chưa được xây dựng, dù người dân đã ký giấy tờ đồng thuận từ năm 2013. Xa hơn nữa là trung tâm y tế, nhà văn hóa, trường học, cũng bị biến thành rừng phòng hộ. Ngày nắng, đường bụi mịt mù. Mưa, đường lầy lội, trơn trượt.

Ông Cường bảo, vài năm trước ông nghe nói về một doanh nghiệp muốn vào khu vực này xây khu du lịch sinh thái, song đợi quá lâu nên đã “bỏ chạy”. Còn bản thân ông, và hàng trăm hộ dân ở Minh Tân, chỉ mong không bị chính quyền địa phương lãng quên, trở thành “con rơi” trên mảnh đất họ đã khai hoang hơn 30 năm qua.

Năm 1985, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc di dân xây dựng vùng kinh tế mới, huyện Sóc Sơn vận động 130 hộ dân với 474 nhân khẩu từ 5 xã tới khai hoang, trồng rừng, phát triển kinh tế tại khu Kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí). Từ đó, thôn Minh Tân được thành lập hệ thống chính trị Chi bộ, Trưởng thôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.