| Hotline: 0983.970.780

Dân Hải Phòng hồ hởi nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Thứ Ba 01/10/2019 , 16:08 (GMT+7)

Các quận, huyện tại Hải Phòng đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn để chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi cho người dân theo chủ trương của thành phố.

Người dân Thủy Nguyên phấn khởi nhận tiền hỗ trợ.

Tại huyện Thủy Nguyên, trong 2 ngày 1-2/10, việc chi trả sẽ hoàn thành. Là huyện đầu tiên của TP Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), đến thời điểm này, huyện Thủy Nguyên đã hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho các hộ có lợn phải tiêu hủy trước ngày 18/3/2019.

Số tiền hơn 15,3 tỷ đồng đã được chuyển đến tận tay gần 570 hộ trong toàn huyện, với mức hỗ trợ đối với lợn thịt bằng 80% giá thị trường tại thời điểm phải tiêu hủy, mức hỗ trợ đối với lợn giống bằng 1,5 lần so với lợn thịt.

Thực hiện quyết định số 2062/QĐ-UBND về việc tạm cấp chi phí phòng, chống DTLCP trên địa bàn, trước ngày 10/10, các hộ dân thiệt hại đợt 2 (được tính từ ngày 19/3/2019 đến 26/6/2019) sẽ được chi trả.

Huyện Thủy Nguyên có tổng số hộ thiệt hại đợt 2 là 2.329 hộ, số lợn tiêu hủy là 22.935 con, khối lượng tiêu hủy hơn 1,2 nghìn tấn. Tổng số tiền hỗ trợ của toàn huyện là 42,374 tỷ đồng.

Nhận được thông tin sẽ nhận được tiền mặt tại UBND xã vào 2 ngày  1 và 2/10, các hộ dân bị thiệt hại do DTLCP ở Thủy Nguyên không giấu nổi sự phấn khởi.

Ông Nguyễn Khắc Hảo, thôn 5, xã Cao Nhân hồ hởi cho biết: Tôi được xã thông báo chiều 1/10 lên nhận tiền mặt. Gia đình tôi tiêu hủy hơn 7 tấn lợn, nợ nần chồng chất, khó khăn lắm. Đợt này Nhà nước hỗ trợ được 216 triệu. Tôi sẽ dùng để trang trải và chuẩn bị cho tái đàn khi có chủ trương. Được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu.

Hỗ trợ cụ thể đến từng hộ dân.

Chị Nguyễn Thị Nga, thôn 8, xã Cao Nhân cũng chung niềm phấn khởi. Gia đình chị đã phải tiêu hủy hơn 3 tấn lợn, chủ yếu là lợn nái. Khi tiêu hủy có lập biên bản, trước khi nhận được thông báo đi nhận tiền hỗ trợ gia đình chị có nhận được bảng thống kê số lượng và giá cả lợn thời điểm tiêu hủy.

“Tôi so sánh thấy đúng với biên bản lập ban đầu nên không có ý kiến gì. Dịch không ai mong muốn, nhà nước hỗ trợ chúng tôi rất mừng. Có vốn đề trả nợ và tiếp tục mưu sinh. Tôi được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng”, chị Nga cho hay.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thủy Nguyên cho biết, theo báo cáo từ cơ sở, số tiền hỗ trợ đợt 2 sẽ được chuyển đến các hộ dân trong 2 ngày đầu tháng 10, đối với các hộ vắng mặt tại địa phương thì ủy quyền để nhận hộ. Việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân được tỉnh chuyển trực tiếp lên kho bạc, kho bạc chuyển về cho các xã, các xã trả trực tiếp cho người dân, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi Hải Phòng.

Ông Hoàng Bảo Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Nhân cho biết: Chúng tôi làm rất chặt chẽ. Sau khi tiêu hủy, huyện cũng đã ra quyết định cấp dự toán ngân sách về UBND các xã. Ở dưới địa phương, sau khi huyện ra thông báo, yêu cầu niêm yết công khai, photo danh sách dán ở nhà văn hóa thôn và giao cho trưởng thôn chuyển từng phương án đến từng hộ dân.

Trong thời gian 10 ngày tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các hộ dân, nếu các hộ không có ý kiến, UBND các xã làm tờ trình, trình UBND huyện phê duyệt phương án. Sau khi các xã được cấp dự toán, sẽ thông báo lịch chi trả đến từng hộ dân.

Được biết, hơn 2 tháng nay Thủy Nguyên chưa xuất hiện ổ dịch mới. Các hộ còn lợn về cơ bản là do cách ly tốt và dùng các biện pháp khử trùng chặt chẽ, nghiêm ngặt. Hiện tại toàn huyện còn hơn 10.000 con lợn.

Cùng với huyện Thủy Nguyên, các quận, huyện khác của TP Hải Phòng cũng đang tích cực triển khai các thủ tục để hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại.

Ngoài những mặt tích cực, khẩn trương trong công tác chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP ở Thủy Nguyên, một số nơi còn bất cập khi chính quyền trả tiền qua thẻ ATM. Tuy nhiên, hiện tại những vướng mắc đang được chính quyền sở tại và các cơ quan ban ngành xử lí, đảm bảo chi trả hết cho người dân trước ngày 10/10 đúng như chủ trương của thành phố.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.