Thế mạnh lớn nhất của người Mông ở bản Phiêng Ten đó là nuôi trâu bò vỗ béo. Đã 40 năm kể từ khi người Mông hạ sơn từ Cao Bằng về thôn Phiêng Ten, xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang nghề nuôi trâu, bò vỗ béo đã đồng hành cùng người dân. Hiện nay, thôn có 180 con trâu, bò nuôi theo hình thức vỗ béo. Nhờ nuôi trâu, bò vỗ béo, người dân đã giảm nghèo hiệu quả. Tính đến hết năm 2021, thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo và là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã Sinh Long.
Anh Lầu Văn Sông, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phiêng Ten cho biết, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo là thế mạnh để bà con trong thôn thoát nghèo. Cùng với đó, việc được nhà nước quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đã để phát triển sản xuất; đầu tư xây dựng hạ tầng kiên cố khiến việc canh tác, thông thương thuận lợi đã tạo thêm động lực để bà con vươn lên có cuộc sống tốt hơn.
Hỏi về bí quyết thoát nghèo của bản Mông là gì? Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lầu Văn Sông chia sẻ, đó là sự đồng lòng. Sự đồng lòng, đoàn kết của người Mông nơi đây đã giúp các nhà bảo nhau cách chăm trâu, bò khỏe, cách kết nối với thương lái mua trâu, bò cách xa bản Mông cả trăm km tận tỉnh bản để bán được giá; cách biết đưa người ốm trẻ em đến bệnh viện thay vì mời thầy cúng về đuổi ma…
Sự đồng lòng của bản Mông còn thể hiện ở phong trào xây dựng các công trình cộng đồng. Cụ thể như việc đăng ký làm 410m kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong năm nay được triển khai rất nhanh gọn. Dù phải mất 4 - 5 lần vận chuyển cấu kiện mới đến được tận chân công trình. Hay câu chuyện mở tuyến đường vào khu Tác Cống chỉ dài 290m phục vụ đi lại và sản xuất các hộ hiến đã đồng thuận hiến 1.200m2 đất sản xuất, đóng góp hpn130 triệu đồng để san lấp mặt bằng… để hoàn thiện.
Với 10 con trâu, bò nuôi theo hình thức vỗ béo, gia đình anh Lầu Văn Hồng là hộ có nhiều trâu, bò nhất ở Phiêng Ten. Anh Hồng cho biết, nhìn các hộ khác có nhiều trâu, bò, con cái có cuộc sống đầy đủ mình không thể không chạnh lòng. Bởi thế anh Hồng và vợ mình tích cực đi tham quan học hỏi cách nuôi trâu béo khỏe ở nhà hàng xóm và cả xã bạn, huyện bạn. Khi trong đầu có kiến thức, những luống cỏ mọc xanh đều mơn mởn trên mảnh nương của gia đình anh Hồng cũng là lúc đàn trâu, bò của gia đình anh đua nhau lớn và nhân rộng tổng đàn và cho anh thu cả trăm triệu đồng mỗi lứa bán.
Không chỉ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giỏi, anh Hồng cũng là hộ tiên phong trong việc đóng góp tiền, công sức trong xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng; tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi trâu bò vỗ béo cho bà con bản mình.
Ông Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long, huyện Na Hang cho biết, bản Mông Phiêng Ten là điển hình trong mọi phong trào của xã. Từ phong trào nuôi trâu bò vỗ béo phát triển kinh tế đến việc xây dựng hạ tầng giao thông và công tác giảm nghèo. Tinh thần đoàn kết và nỗ lực vươn lên của bà con là tấm gương để các thôn khác phải học tập. Ngoài chăn nuôi trâu bò, người bản Mông cũng đã phát triển trồng ngô, trồng cây gai xanh, trồng tre bát độ lấy măng… để phát triển kinh tế.
So với những địa phương khác trong tỉnh Tuyên Quang số đàn gia súc hay đời sống kinh tế của người dân thôn Phiêng Ten, xã Sinh Long, huyện Na Hang chưa phải điển hình. Nhưng với 1 thôn người Mông ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như Phiêng Ten đường giao thông cách trở, việc tiếp cận thị trường, khoa học kỹ thuật khó khăn thì quả là điển hình cho những nỗ lực của người dân nơi đây. Sức vươn của người Mông nơi đây sẽ là nguồn cảm hứng, độc lực cho những địa phương khác học tập, vươn lên cuộc sống khấm khá.