Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, cùng với đảo Phú Quý nằm cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý nên có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, những khu vực đang triển khai nuôi trồng thủy sản trên địa bàn hiện chủ yếu nằm ở ven bờ, ven đảo là những eo nhỏ, được che chắn gió bởi các mũi nhỏ nhô ra biển. Toàn tỉnh hiện có 7 khu vực biển đang triển khai nuôi trồng thủy sản, với tổng số 135 bè/3.029 lồng.
Cụ thể, huyện Tuy Phong có 3 khu vực biển gồm xóm 7, xã Vĩnh Tân; xã Bình Thạnh và thị trấn Phan Rí Cửa. Tại huyện Bắc Bình có 1 khu vực biển ở xã Hòa Thắng. Thành phố Phan Thiết có 1 khu vực biển tại phường Mũi Né; huyện Hàm Thuận Nam có 1 khu vực biển Mũi điện Kê Gà, xã Tân Thành và huyện Phú Quý có 1 khu vực biển tại Lạch Dù, xã Tam Thanh. Đối tượng nuôi chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận là các loại cá biển như: cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè quỵt, cá bè đưng và các loại tôm hùm, với tổng sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 300 tấn cá tôm. Điều thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản ở Bình Thuận nằm gần các bến cá nơi các tàu khai thác thủy sản cập bến nên nguồn thức ăn cá tạp phục vụ thủy sản nuôi rất dồi dào.
Tuy nhiên theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận nhìn nhận mặc dù tỉnh có bờ biển dài nhưng đa số là bãi ngang, có nhiều sóng, gió và không có các vịnh lớn, kín gió để phát triển mạnh nuôi biển. Trong khi đó, tình hình môi trường tại các khu vực nuôi biển luôn biến động, thiếu ổn định và trong quá trình nuôi, vào một số thời điểm điều kiện môi trường nuôi không thuận lợi. Đặc biệt, lồng bè nuôi của người dân đơn giản, theo kiểu truyền thống bằng vật liệu gỗ nên khi gặp bão, áp thấp nhiệt đới tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, thức ăn cho cá biển nuôi chủ yếu là cá tạp mặc dù rất dồi dào, song còn tồn tại những hệ lụy nhất định như làm suy giảm nguồn lợi biển, ô nhiễm môi trường, không chủ động vào mùa mưa bão…Lao động nuôi trồng thủy sản chưa được đào tạo, tập huấn mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho cá nuôi, cũng như nhận biết được các loại bệnh ở cá vẫn còn nhiều hạn chế và chưa xử lý triệt để.
Do đó để nâng cao năng lực cho người dân nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, theo ông Huỳnh Quang Huy, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện giao khu vực biển, cấp phép nuôi biển theo quy định của Luật Thủy sản hiện hành. Cùng với đó ứng dụng công nghệ khoa học trong nuôi biển bằng các giải pháp như: Tăng cường công tác phối hợp với các Trường đại học, các Viện nghiên cứu chuyển giao các quy trình sản xuất giống thủy sản, quy trình nuôi biển công nghiệp xa bờ đối với các đối tượng đã được nghiên cứu thành công, có giá trị kinh tế cao; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong quản lý hoạt động nuôi biển; Ứng dụng công nghệ quan trắc môi trường nuôi tự động, công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa trong nuôi biển công nghiệp xa bờ; Sử dụng các sản phẩm nuôi trồng thủy sản hữu cơ, thân thiện với môi trường để nuôi biển như: thức ăn viên công nghiệp, các chế phẩm sinh học, men vi sinh…
Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực nuôi biển bằng cách phối hợp với các Trường đại học tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi biển, phương pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản và kiểm soát môi trường nuôi. Cũng như phối hợp với các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đào tạo nhân lực nuôi biển công nghiệp xa bờ.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, hiện nay ngành nông nghiệp Bình Thuận đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu là duy trì, ổn định số lượng lồng nuôi ven biển, ven đảo như hiện nay và đánh giá điều kiện để tổ chức nuôi thí điểm theo quy mô công nghiệp xa bờ bằng công nghệ lồng tròn nhựa HDPE tại Phú Quý.