| Hotline: 0983.970.780

Dân vùng biên mê nông nghiệp sạch: [Bài 3] Người Bù Đốp thủy chung với hồ tiêu hữu cơ

Thứ Năm 05/12/2024 , 15:47 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Dù đối mặt với nhiều khó khăn do sâu bệnh và giá cả biến động, nhờ áp dụng mô hình hữu cơ, nhiều nông dân ở Bù Đốp vẫn thủy chung với cây hồ tiêu.

Đến huyện biên giới Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), không khó để bắt gặp các vườn hồ tiêu được trồng cách đây khoảng 20 năm nhưng vẫn xanh tốt và cho năng suất cao. Điểm chung là các vườn tiêu này đều được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học.

Mô hình canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững tại huyện biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững tại huyện biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên, tại ấp 5, xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp) sở hữu hơn 2ha hồ tiêu được trồng theo hướng hữu cơ. Điều đặc biệt là tuy được xếp vào diện "cổ thụ", đã trồng khoảng 20 năm nhưng vườn hồ tiêu của bà hiện vẫn xanh tốt, cho năng suất trên 3 tấn/ha.

Bà Liên cho biết, hơn 30 năm trước, gia đình bà vào xã Thanh Hòa lập nghiệp và gắn bó với cây hồ tiêu từ thời điểm đó. Khi mới bắt đầu trồng tiêu, đất đai ở đây đều khai phá từ đất rừng nên rất màu mỡ. Tuy nhiên sau một thời gian dài canh tác, do lạm dụng phân hóa học, đất bị ô nhiễm, cây tiêu bắt đầu bị bệnh và chết nhiều. Trong thời điểm giá hồ tiêu xuống thấp, nhiều người dân quay lưng với cây trồng này nhưng bà vẫn tin tưởng vào quy luật thị trường, kiên trì giữ vườn tiêu và tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng hữu cơ.

Theo đó, để tối ưu hóa chi phí sản xuất, bà tận dụng nguồn phân chuồng giá rẻ tại địa phương ủ với men vi sinh và chế phẩm sinh học để thay thế dần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học. Ngoài khâu phân bón, toàn bộ diện tích hồ tiêu được bà trồng bằng trụ sống để cây phát triển bền vững. Trong vườn, bà luôn để cỏ, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đất khỏe, cây hồ tiêu dần phục hồi và phát triển xanh tốt.

Dù được xếp vào diện 'cổ thụ' nhưng vườn hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ vẫn xanh tốt, cho năng suất trên 3 tấn/ha. Ảnh: Trần Trung.

Dù được xếp vào diện "cổ thụ" nhưng vườn hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ vẫn xanh tốt, cho năng suất trên 3 tấn/ha. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

“Nhờ sử dụng phân chuồng kết hợp chế phẩm sinh học, cây tiêu phát triển khỏe, đất đai ngày càng màu mỡ, môi trường trong lành, trong khi chi phí đầu tư thấp, cách thức sử dụng đơn giản, dễ thực hiện. Giá tiêu hiện nay đang tăng, mang lại niềm tin và động lực để nông dân tiếp tục phát triển cây tiêu”, bà Liên phấn khởi nói.

Tương tự, nhờ sớm chuyển sang hướng canh tác hữu cơ, gia đình ông Trần Văn Huân ở xã Tân Tiến không chỉ kiên trì với cây tiêu mà còn vươn lên khá giả.

“Trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ mang lại nhiều hiệu quả. Chi phí đầu tư giảm đáng kể (chỉ khoảng 45 triệu đồng/ha/năm) nhưng cây tiêu miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh chết nhanh, chết chậm. Năng suất và chất lượng vẫn được duy trì ổn định. Giá tiêu hữu cơ luôn cao hơn thị trường trung bình từ 30 - 40%, có những năm cao hơn đến 50%”, ông Huân chia sẻ.

Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Thuyên (giữa) cùng nhà nông bàn giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Thuyên (giữa) cùng nhà nông bàn giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, thời kỳ cao điểm, huyện có đến hơn 4.000ha hồ tiêu. Tuy nhiên, hiện toàn huyện chỉ còn gần 2.000ha hồ tiêu. Không chỉ cây tiêu mà tất cả cây trồng khác đều chịu tác động từ dịch bệnh và yếu tố giá cả thị trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện giảm mạnh trong thời gian qua.

Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Thuyên (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp) cho biết, để giúp các vườn tiêu phát triển bền vững, Trung tâm hàng năm đều xây dựng các mô hình trình diễn, đặc biệt là các mô hình phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ.

“Việc chuyển đổi canh tác sang hữu cơ đã phần nào lấy lại vị thế của cây hồ tiêu. Qua kiểm tra thực tế, hiện nay phần lớn những hộ canh tác tiêu hữu cơ đều có thu nhập rất ổn định, gắn bó lâu dài và có thể sống khỏe từ cây trồng này. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời để nhà nông chủ động sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững”, Kỹ sư Nguyễn Văn Thuyên khẳng định.

Xem thêm
Mô hình nuôi vịt siêu trứng của nông dân 8x tại An Giang

Từ một trang trại nhỏ ứng dụng thành công mô hình nuôi vịt siêu trứng, anh Võ Hữu Tín đã mở rộng thành 7 trang trại quy mô lớn với tổng đàn hơn 70.000 con.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.