| Hotline: 0983.970.780

Dân xứ Quảng... chạy lũ

Thứ Ba 08/11/2011 , 09:20 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào kết hợp với vùng áp thấp trên biển Đông khiến hầu khắp các địa phương ở Quảng Nam có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to...

Rạng sáng 7/11 lũ vừa rút xuống thì cả ngày hôm qua do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào kết hợp với vùng áp thấp trên biển Đông khiến hầu khắp các địa phương ở Quảng Nam có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to trên diện rộng. Thuỷ triều dâng cao, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn làm cho nhiều vùng hạ du ngập chìm trong biển lũ... 

Vừa khiêng 6 bao lúa chất lên cái gác nhỏ thì 15 giờ chiều qua 7.11 nước lũ đục ngầu ào vào nhà khiến mẹ con bà Nguyễn Thị Lan (thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) phải dắt díu nhau đi tá túc ở nơi cao ráo.

Bà Lan nói: “Nước dâng nhanh quá, nhà nằm sát sông Vu Gia, lại rất tạm bợ, nếu không di tản đến chỗ an toàn, lỡ đêm khuya lũ ngập nặng hơn thì làm răng trở tay cho kịp. Còn người, còn của mà”. Mưa tiếp tục nặng hạt, chập choạng tối, số người ôm gói chạy lũ ở những vùng trũng thấp của Đại Lộc càng nhiều hơn.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó trưởng phòng NN&PTNT kiêm thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện này cho biết, 17 giờ 45 phút chiều 7/11 mực nước lũ trên sông Vu Gia đã vượt mức báo động 3 khiến hàng loạt tuyến đường trọng yếu từ trung tâm hành chính huyện về các xã bị ngập hơn 1 mét, giao thông ách tắc nghiêm trọng. Đặc biệt, ít nhất 700 nhà dân đã bị lũ tràn vào, tập trung chủ yếu tại Đại Hòa, Đại Cường, Đại An...

Còn ở huyện Duy Xuyên, 18 giờ tối qua 7/11, tuyến ĐT610 từ Trà Kiệu đi Mỹ Sơn đã bị ngập 0,5-0,7 mét tại 2 điểm là Sũng Cá (xã Duy Trinh) và Cầu Cây Góa (xã Duy Châu) làm cho giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Không chỉ vậy, hầu như toàn bộ các tuyến đường liên xã, liên thôn của địa phương này cũng bị tê liệt. Ông Văn Bá Năm – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên thông tin, khoảng 250 nhà dân nằm dọc các triền sông trên địa bàn đã bị ngập lũ rất sâu. Theo ông Năm, chiều qua 7/11 nhiều trường học thuộc vùng đông của huyện đã cho học sinh nghỉ học...

Trao đổi với NNVN lúc 18 giờ 30 phút tối qua 7/11, ông Phạm Hữu Kinh – Phó trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn cho hay, ngoài hàng loạt khu dân cư trên địa bàn huyện bị lũ cô lập thì con đường huyết mạch ĐT 608 từ thị trấn Vĩnh Điện đi thành phố Hội An cũng đã bị ngập khoảng 0,5 mét nước khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng. Theo ông Kinh, những ai muốn về Hội An thì chỉ còn cách duy nhất là ra ngã ba Tứ Câu chạy xuống hướng UBND xã Điện Ngọc. Lũ đổ về với lưu lượng lớn làm cho một số tuyến đường trong khu phố cổ Hội An chìm trong nước, trong đó chủ yếu là phố Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học nằm dọc sông Hoài...

Tại huyện Quế Sơn, từ đầu giờ chiều qua 7/11, rất nhiều tuyến giao thông ở 3 xã vùng đông là Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2 đã bị ngập lũ 1-2 mét. Vì thế, người dân nơi đây phải đi lại bằng ghe nhỏ. Không chỉ vậy, ít nhất 150 nhà dân ở các khu vực thấp trũng của những địa phương này cũng chìm trong biển nước. Trước những diễn biến hết sức phức tạp của mưa lũ, lãnh đạo một số trường học thuộc 3 xã vừa nêu đã quyết định đóng cửa trong ngày hôm nay 8/11 để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh...

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết, mưa lũ cũng đã khiến 50 km đoạn đường ĐT616 nối huyện miền núi Bắc Trà My với huyện Nam Trà My xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn. Hàng nghìn khối đất đá trên đồi núi phía taluy dương đổ xuống đường, làm tắc nghẽn nghiêm trọng tuyến giao thông phía Nam Quảng Nam. Việc đi lại từ trung tâm hành chính huyện Bắc Trà My tới 4 xã Trà Ka, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Bui đã bị chia cắt hoàn toàn.

Ở phía Tây tỉnh này, mưa lũ cũng làm cô lập và chia cắt hoàn toàn tuyến đường từ trung tâm huyện Tây Giang lên 4 xã vùng cao là: Tr’Hy, Ga Ri, A Xan và Ch’Ơm. Tại huyện Nông Sơn, mực nước sông Thu Bồn đang lên rất nhanh, hầu hết giao thông trên địa bàn huyện miền núi này đều bị chia cắt, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn với mực nước ngập sâu từ 1 đến 3 mét...

Theo báo cáo nhanh của Ban Quản lý thủy điện Sông Tranh 2, lưu lượng nước về hồ trong ngày 7/11 hơn 4.000 m3/giây, vì vậy thủy điện đã xả lũ ở mức 2.500 đến 3.000 m3/giây. Thuỷ điện A Vương cũng đã chủ động xả lũ trước đó. BCH PCLB tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để có những phương án phòng chống hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương với phương châm 4 tại chỗ, kiểm tra và tổ chức di dời dân ở những vùng thấp trũng đến nơi an toàn...

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm