| Hotline: 0983.970.780

Đáng mừng công tác phòng chống đói, rét cho gia súc của bà con vùng núi

Thứ Ba 27/12/2022 , 13:56 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhờ chủ động chuẩn bị sớm phòng chống đói rét cho gia súc trước khi mùa đông về, đến nay, Trấn Yên (Yên Bái) chưa ghi nhận có trâu, bò bị chết do đói rét.

Hiện nay, rét đậm, rét hại đã và đang diễn ra nhiều nơi tại các tỉnh phía Bắc, trong có có tỉnh Yên Bái, đặc biệt là các tỉnh vùng cao. Rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Để bảo vệ cho đàn vật nuôi trong mùa đông này, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã tập trung triển khai nhiều phương án phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra.  

Anh Nguyễn Hồng Ca ở thôn Tân Thịnh xã Quy Mông bổ sung thức ăn tinh cho đàn bò

Anh Nguyễn Hồng Ca ở thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông bổ sung thức ăn tinh cho đàn bò. Ảnh: Thanh Tiến.

Gắn bó với nghề nông từ nhiều năm nay, con trâu đã trở thành vật nuôi không thể thiếu đối với đời sống và sản xuất của gia đình ông Trần Văn Thoan ở thôn Liên Thịnh (xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên). Hàng năm, trước khi bước vào mùa đông, ông Thoan đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện, các biện pháp nhằm đảm bảo cho đàn gia súc không bị ảnh hưởng do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra. Đồng thời tận dụng đầy đủ các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, cây ngô, trồng thêm cỏ voi để dự trữ thức ăn và tiêm phòng đầy đủ vacxin cho đàn trâu của gia đình.

Ông Trần Văn Thoan chia sẻ: “Nhà tôi có 10 con trâu, đã dự trữ đầy đủ rơm khô và thức ăn xanh cho đàn gia súc. Khi nào nhiệt độ xuống thấp, tôi sẽ che chắn chuồng trại và mang trâu về chuồng để nuôi nhốt, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô và nước muối ấm cho đàn trâu tăng sức đề kháng”.

Là một trong những hộ có thu nhập chính từ mô hình nuôi trâu, bò bán công nghiệp nên ngay từ tháng 10, bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Thịnh Hưng (xã Quy Mông, huyện Trấn Yên) đã chủ động gia cố lại chuồng nuôi và chăm sóc vườn cỏ voi của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Thịnh Hưng xã Quy Mông dự trữ thức ăn cho đàn trâu bò

Bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Thịnh Hưng, xã Quy Mông dự trữ thức ăn rất dồi dào cho đàn trâu bò trong những ngày giá rét. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Oanh chia sẻ: “Gia đình hiện đang phát triển mô hình nuôi trâu, bò với tổng đàn 20 con. Từ đầu tháng 10/2022, gia đình tôi đã chủ động sửa chữa, nâng cấp chuồng nuôi, sử dụng bạt quây kín, giữ ấm cho đàn trâu, bò. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất vườn và soi bãi để trồng thêm 5 sào cỏ voi; dự trữ thêm cám ngô để bổ sung tinh bột cho đàn trâu, bò trong mùa đông năm nay. Khi không khí lạnh tràn về, nhiệt độ giảm sâu, gia đình sẽ nuôi nhốt và sử dụng nguồn thức ăn dự trữ này bổ sung cho đàn trâu, bò”.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên, tổng đàn gia súc của huyện hiện có hơn 75.000 con, trong đó đàn trâu hơn 4.300 con, đàn bò gần 1.600 con, đàn dê gần 2.000 con, đàn lợn hơn 70.000 con… Để phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, UBND huyện Trấn Yên đã có công văn chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.

Nhờ đó, từ đầu mùa đông đến nay, trên địa bàn huyện chưa để xảy ra hiện tượng đàn vật nuôi bị chết do đói, rét. Bà Trần Thị hoàn Liên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: “Để thực hiện tốt công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, huyện Trấn Yên đã yêu cầu 100% các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền, vận động đến các hộ chăn nuôi thực hiện bắt buộc các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: 100% hộ chăn nuôi phải che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc, tăng cường thức ăn thô xanh, thức ăn tinh.

Cán bộ khuyến nông cùng bà Oanh tại chuồng nuôi trâu của gia đình

Cán bộ khuyến nông huyện Trấn Yên thường xuyên bám sát cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc. Ảnh: Thanh Tiến.

Cùng với đó, vận động nhân dân làm cây rơm, trồng thêm diện tích cỏ voi, ngô sinh khối. Vận động người dân tiêm phòng một số loại vacxin nhằm đảm bảo cho gia súc phát triển tốt nhất. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm rét hại để thông tin kịp thời cho người dân biết, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C phải nhốt gia súc trong chuồng, tuyệt đối không chăn thả ngoài trời; không cho trâu, bò cày kéo và bổ sung cho gia súc thức ăn và cho uống nước muối ấm...”.

Ông Phùng Tiến Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: “Hiện nay, đàn gia súc chính của xã có gần 4.000 con, chính quyền địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống đói rét cho đàn gia súc.

Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động dự trữ rơm khô, chăm sóc tốt các diện tích cỏ hiện có, chủ động che chắn chuồng trại cho đàn gia súc. Khi có rét đậm rét hại xảy ra, thì tuyên truyền nhân dân đun nước ấm rồi pha muối cho gia súc uống, bổ xung thêm thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo và đặc biệt là không thả rông gia súc”.

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.