| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau mặt báo chìm nổi bao nhiêu gương mặt buồn vui?

Thứ Tư 22/06/2022 , 10:17 (GMT+7)

‘Đằng sau mặt báo – Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945’ là ấn phẩm góp thêm tư liệu kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nghề báo có những đặc thù riêng biệt và độc đáo.

Nghề báo có những đặc thù riêng biệt và độc đáo.

Đằng sau mặt báo luôn có nhiều câu chuyện thú vị của người viết và người đọc. Đằng sau mặt báo không chỉ là những sự vụ mang tính hậu trường, mà còn phản ánh cá tính và nhiệt huyết của từng thế hệ nhà báo. “Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” của Trần Đình Ba, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, là một ấn phẩm như vậy.

Đằng sau mặt báo thấy được gì? Có thể hình dung, báo chí Việt Nam từ thuở ban đầu đến 1945 là một bức tranh rộng về không gian và dài về thời gian. Nhiều tờ báo được tái hiện chân dung đã từng xuất hiện trong lịch sử: Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tiếng dân, An Nam tạp chí, Hà thành ngọ báo… với sự phân chia lần lượt theo tiến trình thời gian từ nửa sau thế kỷ XIX đến 1945. Báo chí được phân theo khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Nhiều tờ báo ở hải ngoại được đề cập: Cao Miên hướng truyền, Công binh tạp chí. Mỗi tờ báo được tái hiện chân dung trên cơ sở hồi ký, ghi chép của người làm báo 1945 trở về trước; qua thực tế nội dung từ chính các tờ báo, tạp chí.

Cuốn sách có thể gọi là “những mảnh ký ức rời rạc về báo chí”, cụ thể ở đây là những nhật ký, hồi ký, là bài viết trên báo của những người đương thời, là những văn thi sĩ, nhà báo sống ở thời đó trực tiếp viết ra. Họ là những Trương Vĩnh Ký (Gia Định báo, Thông loại khóa trình), Đặng Thúc Liêng (Việt dân báo khai tông minh nghỉa [nghĩa], Trương Vỉnh [Vĩnh] Ký hành trạng…), Diệp Văn Kỳ (Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay)…; là Tản Đà (Giấc mộng lớn, An Nam tạp chí), Phạm Quỳnh (Nam Phong tạp chí), Nguyễn Văn Vĩnh (Đông Dương tạp chí)… và họ là Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (Phong hóa, Ngày nay), Thế Lữ, Anh Thơ (Từ bến sông Thương)… cùng nhiều tên tuổi khác đã hiện diện trong làng văn, làng báo dạo ấy. Thế hệ này kế tiếp thế hệ kia cùng nghiệp cầm bút, và không ít thì nhiều, đều đã ghi tên mình trên nhiều trang báo.

Trẻ trung hơn nhưng cũng có mặt trên văn đàn 1945 về trước, có thể kể đến Nguyên Hồng (Bước đường viết văn), Vũ Ngọc Phan (Những năm tháng ấy), Nguyễn Huy Tưởng (Đến với văn chương và cách mạng),Nguyễn Vỹ (Văn thi sĩ tiền chiến)… Lại tập tễnh bước vào nghề, hoặc siêng đọc siêng viết nhưng tuổi đời còn nhỏ, suy nghĩ còn nông, mà đã sớm yêu sách vở, báo chương, nên không ít thì nhiều có những ký ức liên đới tới báo chí thì có Vương Hồng Sển (Thú chơi sách, Sài Gòn năm xưa, Dở mắm)… Hạn hữu có trường hợp của nhân chứng sống từng viết báo những năm 1940 cũng được chúng tôi tận dụng khai thác thông tin dù rất ít ỏi. Đó là trường hợp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nay đã hơn 100 tuổi, từng viết bài trên báo Truyền bá.

Một nguồn tư liệu đáng chú ý không thể bỏ qua dù hạn chế, là từ những ghi chép của người Pháp như Louis Roubaud với Việt Nam, bi thảm Đông Dương, Claude Bourrin với Bắc kỳ xưa, Đông Dương ngày ấy (1898 - 1908)… đề cập đến những tờ báo Pháp ngữ như Le Courrier d’Haiphong, L’Avenir du Tonkin, Les Pages Indochinoise.

Cuốn sách tập hợp nhiều tư liệu bổ ích.

Cuốn sách tập hợp nhiều tư liệu bổ ích.

Cuốn sách của Trần Đình Ba cũng thông tin cơ bản tiến trình phát triển báo chí với sự ra đời của những tờ báo chữ Pháp, chữ Hán. Tiếp theo là sự xuất hiện của tờ Gia Định báo năm 1865, đánh dấu sự ra đời của báo chí tiếng Việt. Ban đầu chủ yếu là báo chí của chính quyền, phục vụ nhu cầu thông tin tin tức tới các địa phương, đăng các thông tư, nghị định, tin thời sự liên quan đến giá cả, mùa màng, chống phản loạn. Về sau báo chí tư nhân ra đời và có vị trí quan trọng trong làng báo với nhiều tờ báo chất lượng: Ngọ báo, Sài thành nhật báo, Trung lập, Đông Pháp thời báo…

Đồng thời, “Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” cũng dành một phần nội dung viết về những tờ báo ít thông tin, chỉ gặp trong ghi chép của người làm báo, hoặc qua mẩu tin giới thiệu trên báo đồng nghiệp. Một số tờ báo thuộc dạng này: Bulletin des Communes, Nam Kỳ Hoa kiều nhật báo, Công hội đỏ, Chớp bóng…

Báo chí được chia làm nhiều loại khác nhau. Có loại là kỷ yếu, tạp chí; nhật báo, tuần báo, nguyệt san… Về nội dung, có loại báo chỉ đơn thuần là văn nghệ: Tiểu thuyết thứ Bảy, Văn học tạp chí…; có loại báo mang tính thông tin, thời sự, bắt gặp chủ yếu ở các nhật báo: Hà thành ngọ báo, Tin mới, Tiếng dân, Sài Gòn…

Báo tồn tại nhiều dạng, có loại báo được thiết kế như sách mỏng: Thông loại khóa trình, Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san… có loại gọi là báo nhưng lại được viết tay, bắt gặp ở những báo bí mật, được làm trong tù Sơn La, Côn Đảo, do những người làm cách mạng thực hiện: Suối reo, Ý kiến chung…

“Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” đề cập tới cơ cấu, tổ chức bộ máy của một tờ báo với những chức danh cơ bản: Chủ nhiệm, Chủ bút, Quản lý, biên tập viên… Dẫn chứng nhiều ví dụ về kinh phí xuất bản báo, cách phát hành báo thông qua hệ thống đại lý khắp nước, thậm chí cả Đông Dương, đội ngũ người bán báo dạo ăn chiết khấu. 

Trong hoạt động báo chí, nhiều gương mặt ký giả có dấu ấn to lớn tới sự hình thành, phát triển báo chí Việt Nam được đề cập: Trương Vĩnh Ký, Hồ Văn Trung, Hoàng Tích Chu, Phan Khôi, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Ái Quốc... Phạm Quỳnh gắn tên tuổi với Nam Phong, Nguyễn Văn Vĩnh thì Đông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân văn… Thậm chí là cả những nhà làm báo là người Pháp: F.H. Schneider, chủ nhà in, chủ của những tờ báo Đại Nam đồng văn nhật báo, Đông Dương tạp chí; DeJean de la Bâtie, Quản lý báo La Cloche Fêlée; Ganosky, chủ báo La Voix libre…

Ngoài những câu chuyện về hậu trường nghề báo như kỹ thuật lấy tin, nhuận bút viết báo; giá bán báo; cách thức cộng tác báo... ““Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” xác định lại thời điểm ra đời, kết thúc của một số tờ báo mà những thông tin trong từ điển, thư tịch báo chí, hoặc sách báo chí trước đó bị sai lệch hoặc thiếu. Ví dụ Thanh Nghệ Tịnh Tân văn được thông tin kỹ thời gian hiện diện trong lịch sử báo chí Việt Nam; báo Cậu ấm kết thúc ở số 129 chứ không phải số 429…

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.