Bao ngày rong ruổi khắp nơi với hy vọng học lấy túi khôn của thiên hạ để làm giàu, vậy mà điểm cuối của con đường, Chu lại quay về bản với quyết tâm làm giàu từ chính quê hương mình.
Người nghĩ khác
Men theo lối mòn bạt ngàn hoa dại, tôi mới đến được ngôi nhà của Tráng A Chu (bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Những ngày đầu tháng 9, cả cao nguyên Mộc Châu vui như hội. Du khách ở khắp nơi nô nức đổ về đây. Gia đình Chu cũng bận rộn hơn mọi ngày. Từ sáng sớm vợ chồng Chu đã phải dậy nấu ăn cho du khách. Mọi việc cứ tất bật như thế cho đến khi trời tối mịt.
Chị Hàng Thị Sua, vợ Chu, vốn là cô gái Mông giỏi thêu thùa và đi nương, đi rẫy, nay nhờ sự học hỏi đã trở thành một phụ bếp giỏi của chồng. Ngoài việc nấu những món ăn truyền thống của dân tộc Mông, Sua đã biết làm các món ăn đặc sản của các vùng miền để đón khách.
“Em vui lắm, chưa bao giờ nghĩ vợ chồng mình lại có thể kiếm tiền ngay tại nhà mình mà không phải đi xa”, Sua chia sẻ.
Bên nồi thắng cố ngào ngạt, đưa hương thơm lừng, Chu múc từng bát để mời khách. Chu cùng du khách nâng chén rượu ngô thơm nứt chai mà lòng tràn đầy hứng khởi. Mấy chục du khách ngồi quây quần bên căn nhà sàn mới hoàn thành của Chu vừa thưởng thức món ăn, vừa thỏa sức phóng tầm mắt ngắm nhìn cao nguyên vào thu.
“Vui lắm anh ạ! Sự hài lòng của khách là niềm vui của vợ chồng em đấy. Lúc mới hoàn thành ngôi nhà này, em không tin là có nhiều người tìm đến vậy”, Chu không giấu nổi niềm vui.
Tráng A Chu
Khi du khách còn đang cảm nhận cái hay, cái thú khi thưởng thức sản vật của cao nguyên, bỗng trong không gian yên tĩnh vang lên tiếng sáo Mông trầm bổng. Ông chủ của ngôi nhà này là một cây sáo có hạng. Từng bài sáo như “Đêm trăng bản Mèo”, “Xuân về trên bản Mông”… cứ nối tiếp nhau ngân lên những âm thanh trong trẻo.
Tiếng sáo nhẹ và êm như ru con người ta trở về miền cổ tích yên bình. Tiếng sáo của chàng trai Mông đầy nhiệt huyết này tạo ấn tượng mạnh với du khách. Ai đã đến đây nghỉ một lần lại muốn quay trở lại.
Nói như Chu, mình ở nhà của người Mông, ăn đặc sản của dân tộc Mông và lấy chính tấm lòng của người Mông mà tiếp khách. Đó mới là lợi thế khi Chu mở ra điểm du lịch cộng đồng này.
Dám nghĩ, dám làm
Ngôi nhà sàn theo lối cổ của Chu mới hoàn thành được nửa năm khiến người dân trong bản ai cũng cho là việc làm không hợp thời. Ai đời cả bản đang phải đối mặt với miếng cơm, manh áo hàng ngày, giờ đổ cả nửa tỷ đồng vào đó thì chỉ có là người rỗi hơi.
Hơn nữa, cuộc sống của gia đình Chu cũng vô cùng khó khăn. Vợ dại, con thơ, bố thì bị bệnh thận. Ngày nào bố cũng phải đi viện chạy thận khiến gia đình Chu thêm khó. Trong khi đó nguồn thu của gia đình trông cả vào mấy mảnh nương.
Chu bảo, khi quyết định xây dựng khu du lịch cộng đồng này, anh cũng gặp vô vàn gian nan. Khó khăn không chỉ đến từ điều kiện địa lý mà còn đến từ tư tưởng cổ hủ của nhiều người. Bao năm qua, nếp nghĩ của nhiều người dân nơi đây không dám bước qua cái bậu cửa nhà mình. Làm gì cũng lo này, lo nọ rồi không làm được thì gièm pha người khác. Trước cả núi khó khăn như thế, Chu vẫn quyết tâm làm cho kì được.
Ngôi nhà sàn gần gũi với thiên nhiên của vợ chồng Chu
Nhà không có tiền thì Chu đi vay anh em họ hàng. Mỗi người cho vay một ít, gom hết cả bản cũng chỉ vay được một phần nhỏ của dự án. Chu kể, ngày mua được ngôi nhà sàn chắc chắn này, người bán nhà rất lấy làm vui lòng. Ông cụ bảo Chu hãy biết nâng niu và gìn giữ những thứ quý giá của dân tộc mình.
Những đêm trăng sáng, gió lạnh bủa vây cao nguyên, Chu thấy mình cô đơn kinh khủng trên hành trình thực hiện dự án làm du lịch cộng đồng. Chu mang sáo ra thổi cho vơi đi nỗi buồn và cũng là cách cân bằng lại cuộc sống. Tiếng sáo vi vu, âm vang như thôi thúc chàng trai người Mông vượt qua trăm núi, ngàn khe, vượt qua mọi gian khó để vươn lên.
Ngày ngày, Chu vẫn đi lên nương để trồng cây ngô, cây lúa đảm bảo đời sống gia đình. Tối về, anh đi khắp nơi vận động, đến cả ngân hàng trình bày ý tưởng để vay tiền dựng nhà.
Sự nỗ lực của chàng trai người Mông này được đến đáp khi Chu vay được tiền và còn vận động được anh chị em ruột hùn vốn để dựng nhà. Ngôi nhà gỗ của Chu đặc biệt hơn tất thảy những ngôi nhà trong bản. 8 hàng cột vững chãi được dựng lên sau vườn. Sàn nhà được lát gỗ dày và sạch sẽ. Mái lợp lá cọ tạo nên sự bình yên. Trên những hàng cột được lắp bóng điện lồng trong khúc tre rất mộc mạc mà sang trọng.
Cạnh đó là dãy nhà vệ sinh cũng được làm theo phong cách của các khu nghỉ dưỡng cao cấp, những vật liệu làm ra chúng gắn với thiên nhiên. Mái lợp bằng cây móc. Vách bằng những ống nứa được ngâm chống mọt ghép lại. Tất cả những vật dụng nhỏ nhất của ngôi nhà đều tạo ra vẻ hài hòa với không gian của miền cao nguyên.
Ngày khánh thành ngôi nhà này, Chu vui đến trào nước mắt. Bao công của, mồ hôi, công sức đã bồi đắp lên dáng vẻ hình hài của một ngôi nhà đón khách đến nghỉ. Thực ra, trước khi chuyển sang làm du lịch cộng đồng, Chu gặp được ông Bình - một người chuyên đi mở các tuyến du lịch cộng đồng miền Tây Bắc. Hai người gặp nhau, họ trùng ý tưởng.
Chị Sua vợ anh Chu giờ đã biết làm du lịch thay vì đi nương, đi rẫy
Ông Bình đã động viên và hướng dẫn Chu rất nhiều trong quá trình làm. Có một điều mà ông Bình nói đến giờ Chu vẫn lấy làm tâm đắc, đó là mình hãy khai thác chính thế mạnh từ phong tục, tập quán của dân tộc mình. Du khách đến với mình là họ muốn tìm hiểu về đời sống, nếp sinh hoạt của người Mông. Mình hãy làm những gì là của dân tộc mình.
Giờ đây, sau 6 tháng hoàn thiện ngôi nhà và cắm biển đón khách, hữu xạ tự nhiên hương, du khách tìm đến với gia đình Chu ngày một nhiều. Họ rất thích thú khi được đắm mình trong không gian của bản Mông. Người chủ thì thân thiện mến khách và nấu ăn rất ngon. Họ hài lòng với việc bài trí của ngôi nhà.
Đặc biệt là sự sạch sẽ từ thức ăn, đồ uống đến nơi nghỉ ngơi đã làm hài lòng những vị khách khó tính nhất. Nhiều du khách nước ngoài đến và “ngủ thăm” tại đây, họ nắm tay Chu và bảo “very good, very good” - rất tốt, rất tốt. Chu vui lắm, vì dự án của mình đã bắt đầu phát huy thành quả. Họ ở lại với gia đình rồi ăn những món ăn của người Mông như gà xương đen, thắng cố, su su cao nguyên…
Hướng mở cho cả bản Không chỉ du khách hay dân "phượt" tìm đến trú chân, các Cty lữ hành đã coi Chu là đối tác quan trọng. Họ dẫn khách đến ngày một đông. Đó là tín hiệu đáng mừng cho dự án của Chu. Từ khi Chu triển khai dự án du lịch cộng đồng đã bắt đầu được chính quyền địa phương quan tâm. Từ cái cổng chào, con đường vào bản cũng đã được làm kiên cố. Hai bên đường có hệ thống đèn điện chạy bằng năng lượng mặt trời do một đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. Chu còn vui mừng thông báo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã về khảo sát và tìm hiểu. Cách làm của Chu đã mở ra một hướng làm ăn mới cho bà con của bản Hua Tạt. Dự kiến, thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ hỗ trợ cho 5 gia đình dựng thêm 5 cái nhà nghỉ cộng đồng như của Tráng A Chu. |