| Hotline: 0983.970.780

Đạo!

Thứ Sáu 20/01/2023 , 06:45 (GMT+7)

Đạo là một khái niệm thấm đẫm văn hóa phương Đông, được coi là đỉnh cao của đường hướng và chuẩn mực, là sự phản ánh của các yếu tố chân, thiện, mỹ...

Tại Cúp bóng đá thế giới 2022 vừa qua, cho dù thắng hay thua, thì trước lúc ra về, các cầu thủ bóng đá Nhật vẫn dọn dẹp ngăn nắp phòng thay đồ; các cổ động viên Nhật vẫn ở lại nhặt sạch rác trên sân vận động. Được thua trong các trận cầu rồi sẽ bị quên lãng, nhưng cách hành xử của người Nhật, có lẽ, sẽ còn được ghi nhớ mãi.

Năm 2011, một thảm họa động đất, sóng thần khủng kiếp đã đổ ập xuống đất nước Nhật Bản, phá hủy nhiều thành phố, làng mạc và làm gần 16 ngàn người thiệt mạng. Giữa đống hoang tàn đổ nát, một người Nhật không còn nhà cửa để về, nhưng nhặt được tiền vung vãi vẫn sắp xếp gọn gàng và để lại bên lề đường. Không ai dám chắc là chủ nhân của những đồng tiền kia còn sống hay không. Nhưng người Nhật kia biết chắc chắn những đồng tiền đó không phải là tiền của mình. Hay một em bé người Nhật dù đói lả người, nhưng vẫn nhất quyết xếp hàng chờ đến lượt, chứ không chấp nhận việc được ưu tiên lên lấy thức ăn trước những người khác. Em bé này thấu hiểu tất cả mọi người đều đang đói như mình.

Cái gì đứng đằng sau cách hành xử cao đẹp đó của người Nhật? Phải chăng đạo nghĩa chính là câu trả lời thỏa đáng nhất ở đây?! Đạo ở đây là đường hướng, chuẩn mực. Nghĩa ở đây là nghĩa vụ, bổn phận. Đạo nghĩa là khái niệm chỉ dẫn về những nghĩa vụ của một con người.

Đạo là một khái niệm thấm đẫm văn hóa phương Đông. Theo nghĩa đen, đạo là con đường. Độc đạo là con đường duy nhất. Chủ đạo là con đường chính. Theo nghĩa bóng, đạo vừa là đường hướng, chuẩn mực dẫn dắt con người tới một mục tiêu hay lý tưởng nào đó, vừa là đường hướng, chuẩn mực của vạn vật. Người ta thường nói tới thiên đạo, nhân đạo, trí đạo, tâm đạo… rồi đạo đức, đạo Phật, đạo nghĩa…

Trong văn hóa Đông Bắc Á, đạo được coi là đỉnh cao của đường hướng và chuẩn mực, là sự phản ánh của các yếu tố chân, thiện, mỹ. Ngoài ra, đạo còn phản ánh bản chất tự nhiên của vạn vật.

Hiểu được đạo của lửa mới có thể tận dụng được sức mạnh của lửa và tránh được sự tàn phá của nó. Hiểu được đạo của nước mới có thể tận dụng được sức mạnh của nước và tránh được sự tàn phá của nó. Cái hay của đạo là các chuẩn mực và giá trị của đạo gắn cả với tâm linh. Và nhiều khi chỉ cảm nhận được bằng giác quan thứ sáu.

Đạo, chính vì vậy có sức mạnh điều chỉnh hành vi rất lớn. Đây cũng là lý do tại sao cha ông ta xưa luôn luôn coi đạo phải là nền tảng cho việc ứng xử của con người trong mọi mối quan hệ và mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vô đạo bị coi là thấp kém, đáng chê trách nhất.

Làm thầy thì phải theo đạo làm thầy. Làm trò thì phải theo đạo làm trò. Quan hệ giữa thầy và trò thì phải theo đạo thầy trò. Làm chồng thì phải theo đạo làm chồng. Làm vợ thì phải theo đạo làm vợ. Quan hệ vợ chồng thì phải theo đạo vợ chồng.

Từ khi người Việt chúng ta chuyển từ chữ tượng hình (chữ Nho) sang chữ tượng thanh (chữ Quốc ngữ), nhiều di sản được lưu giữ trên nền tảng của chữ tượng hình đã bị mai một, trong đó có kho tàng tư tưởng và minh triết liên quan đến đạo. Thêm vào đó, dưới ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa phương Tây, khái niệm đạo cũng bị những khái niệm như chủ nghĩa, học thuyết… ít nhiều lấn át.

Trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa, coi văn hóa là một lĩnh vực có vị trí quan trọng ngang hàng với kinh tế và chính trị, khôi phục lại những giá trị liên quan đến đạo có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng chính là cách để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Trước hết, về mặt nhận thức, đối với người Việt chúng ta, làm gì cũng cần phải có đạo. Theo khái niệm truyền thống, sự kết hợp hài hòa giữ các yếu tố pháp lý, đạo lý và chân lý chính là đạo của người Việt. Trong mọi công việc, trong mọi mối quan hệ chúng ta đều cần phải tìm kiếm sự hài hòa này. Nghĩa là phải tìm kiếm cho được đạo của vạn vật và hành xử tương ứng.

Nhân đây, tại sao văn bản pháp lý quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta lại được gọi là đạo luật? Phải chăng ban hành pháp luật thì cũng phải dựa trên nền tảng của đạo. Luật không dựa vào đạo rất dễ tạo ra áp chế, bất công và khó có được sự tuân thủ một cách tự nguyện. Đạo của luật nghĩa là sự hài hòa giữa tự do và điều chỉnh, giữa pháp lý, đạo lý và chân lý. Các quy phạm cấu thành đạo của luật tồn tại khách quan. Vấn đề là các nhà lập pháp phải có đủ anh minh để tìm kiếm thay vì chủ quan áp đặt ý chí của mình.

Trở lại với những ví dụ về đạo nghĩa của người Nhật, phải chăng nhờ có đạo, mà đất nước Nhật Bản trở nên hùng cường không chỉ năng lực vật chất, mà còn cả về năng lực tinh thần? Người Việt chúng ta cũng có đạo của mình. Phục hồi và phát huy các giá trị và minh triết của đạo cũng sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn lên trở thành một đất nước hùng cường và phát triển của Việt Nam ta.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

HLV Erik ten Hag: 'CĐV Man United tuyệt vời nhất thế giới'

Sau chiến thắng 3-2 trước Newcastle ở trận sân nhà cuối cùng mùa này, HLV Erik ten Hag của MU đã gửi lời cảm ơn tới người hâm mộ.

HLV Alexandre Polking hoàn tất mọi thủ tục gia nhập CLB Công an Hà Nội

HLV Alexandre Polking đã có mặt tại Việt Nam, chỉ còn chờ thời điểm thích hợp ký hợp đồng và ra mắt nhà ĐKVĐ V-League Công an Hà Nội (CAHN), dự kiến sẽ diễn ra trong tuần sau.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất