| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề cho LĐNT Thủ đô

Thứ Hai 10/10/2011 , 09:52 (GMT+7)

Thống kê cho thấy Hà Nội đang là đơn vị tiên phong so với nhiều địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước (31,1% so với cả nước là 13,3%).

Nông dân đa phần vẫn sản xuất theo kinh nghiệm từ thời cha, ông

Thống kê cho thấy Hà Nội đang là đơn vị tiên phong so với nhiều địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước (31,1% so với cả nước là 13,3%).

Tuy nhiên tỷ lệ lao động nông thôn của Thủ đô qua đào tạo được cấp chứng chỉ sơ cấp chỉ ở mức rất khiêm tốn, đạt chưa đến 16%. Hơn thế phân bố lao động qua đào tạo của Hà Nội không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng ngoại thành.

"Vùng trũng” trong đào tạo nghề thuộc về các huyện của Hà Tây cũ, nhiều nơi còn có tới trên 90% lao động chưa qua đào tạo như huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Ba Vì, Chương Mỹ... Khảo sát của cơ quan chức năng đã khẳng định số lượng lao động qua đào tạo, lực lượng có chất xám, tinh túy nhất chủ yếu tập trung trong mấy quận nội thành còn ngoại thành lao động rỗng tay nghề chiếm đa số với tỷ lệ khoảng 84%, chủ yếu đang ở độ tuổi từ 18-43.

Tình hình trên khiến xuất hiện nghịch lý ở vùng ngoại thành tuy lao động thừa nhiều nhưng chủ yếu là dạng lao động thô sơ, cơ bắp chứ hiếm có lao động trình độ, đạt đẳng cấp thợ lành nghề. Các nhà máy, xí nghiệp nếu về đây tuyển dụng cũng rất khó có thể sử dụng những lao động này vào bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Đông đảo lao động nông thôn Hà Nội vẫn đang sản xuất trong tình thế thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu áp dụng các tiến bộ, công nghệ mới mà chủ yếu vẫn bằng kinh nghiệm như cha, ông, cụ kị của họ từng làm. Năng suất lao động không cao, sản phẩm không tinh xảo, thu nhập thấp kém.

Giải quyết việc làm cho lao động ngoại thành trong xu thế ngày càng thiếu đất muốn khỏi bị hất ra ngoài công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thế nào? Cách tăng cường hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm của lao động nông thôn đồng thời tạo thu nhập khá và bền vững cho họ ra sao?

Giải bài toán với hàng loạt ẩn số đó, UBND TP Hà Nội vừa ban hành dự thảo “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Hà Nội đến năm 2020”. Có thể nói đây là xu hướng xã hội hóa việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo nghề một cách bền vững. Trong dự thảo đến năm 2015, mục tiêu sẽ nâng tỷ lệ lao động ở khu vực ngoại thành qua đào tạo lên 45% và đến năm 2020 là 70%.

Để đạt được tỷ lệ đó ước tính trung bình mỗi năm thành phố phải đào tạo nghề cho 62.000 lao động ngoại thành với các bước 2011-2015 đào tạo cho 310.000 lao động, bao gồm 79.000 người qua các trường lớp cao đẳng, trung cấp nghề, 57.000 người qua sơ cấp và loại hình đào tạo dưới 3 tháng là 174.000 người; bước hai 2016-2020 đào tạo nghề cho 310.000 lao động, riêng lao động qua các trường cao đẳng, trung cấp nghề được nâng lên 80.000 người, sơ cấp nghề 80.000 người và đào tạo dưới 3 tháng là 150.000 người…

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN- PTNT Hà Nội, khẳng định nông nghiệp Thủ đô sẽ có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, mục tiêu phải đạt giá trị thu nhập thực sự khác biệt trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Do đó cách làm của ngành nông nghiệp sẽ đi từ tập huấn phổ biến kỹ thuật, làm các mô hình trình diễn theo hướng chuyên sâu, chuyên đề.

Các ngành hàng có lợi thế của nông nghiệp đô thị sẽ được đưa vào tầm ngắm như bò thịt, bò sữa, nuôi cấy mô, hoa công nghệ cao, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, cây cảnh…Với các ngành nghề khác cũng phải đi theo hướng cái gì có thế mạnh mới làm, không đào tạo một cách chung chung, vô bổ trong ứng dụng.

 Những làng nghề thủ công nổi tiếng từ lâu trên đất văn vật như đục chạm, khảm trai, sơn mài, thêu, mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu... sẽ là hướng để các cơ quan đào tạo nghề nghiên cứu đưa vào giáo trình giảng dạy. Các nghề đó trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thử lửa bao phen nóng lạnh của thị trường mà vẫn giữ vững và cho thu nhập khá nên giờ cần một hướng đi bài bản hơn để phát huy hết sức mạnh.

Việc đào tạo nghề cần tránh xa vào phong trào, gò ép mà theo xu hướng lao động nông thôn cần nhu cầu nghề gì thì đào tạo. Thực tế có tình trạng phổ biến hiện nay là coi dạy nghề là một thứ làm cho qua chuyện, nhất là ở các vùng đang bị công nghiệp, dịch vụ, đô thị lấy nhiều đất. Bởi tính chất đối phó như vậy nên tiêu hết tiền đền bù, học hết các nghề rồi mà nông dân thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.

Do đó, đào tạo nghề cần liên tục, cần hệ thống, cần nghiên cứu tính thực tiễn, cung cầu của sản phẩm mà làm chứ không phải đào tạo để giải ngân, để cho qua thủ tục, trách nhiệm. Có làm được như vậy, một đồng tiền bỏ ra để tạo nghề sẽ đẻ ra nhiều đồng tiền trong sản xuất, mới thực sự tạo nền móng vững chắc cho Hà Nội bước vào công cuộc xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.