| Hotline: 0983.970.780

Đặt lọp cua đồng

Thứ Ba 13/11/2012 , 11:07 (GMT+7)

Nghề đặt lọp bắt cua ở ĐBSCL không biết có từ bao giờ. Đó là một nghề vất vả nhưng thu nhập cũng tàm tạm.

Nghề đặt lọp bắt cua ở ĐBSCL không biết có từ bao giờ. Đó là một nghề vất vả nhưng thu nhập cũng tàm tạm. Do tôm cá ngày một ít đi nên nghề này đang ngày càng có nhiều người tham gia, không ít người bỏ ghe, bỏ lưới đi đặt lọp bắt cua.

>> Miền Tây mùa nước nổi

CUA ĐỒNG LÊN HƯƠNG

Tháng 7 âm lịch, khi nước con sông Phú Hội chuyển từ trong sang màu gạch cua từ thượng nguồn bắt đầu đổ về dâng ngập những cánh đồng quanh xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, cũng là lúc hàng trăm người dân bắt đầu vào mùa bắt cua đồng.

Tôi đến nhà anh Đỗ Văn Quang ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông đúng lúc 2 vợ chồng anh đang ngồi cắm cúi đan lọp cua. Năm nay vừa tròn 50 tuổi và đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề bắt cua đồng, anh Quang kể: "Hồi trước, cá tôm nhiều nên cả xã này chỉ có vài chục hộ làm cái nghề bắt cua, chủ yếu bán cho các hộ nuôi cá. Nhưng càng ngày sản vật càng ít đi, cua cũng trở thành món ăn đồng quê khoái khẩu, cua trở nên có giá nên người ta đổ xô đi bắt. Bây giờ, cả xã có hàng trăm hộ làm nghề bắt cua, đan lọp rồi. Hồi xưa chỉ cần 6-7 chục cái lọp cua, đặt ở đồng nhà thôi, mỗi ngày kiếm 4-5 chục ký cua dễ như chơi. Bây giờ, nếu có xuồng máy, sang đồng bên Campuchia đặt thì nhiều. Còn ở đồng nhà phải đặt cỡ 200 cái mới mong kiếm được ngần ấy".

Nhìn anh Quang ngồi tỉ mẩn vót từng chiếc nan lọp tròn như chiếc đũa, tôi hỏi: “Làm cái này cũng kỳ công. Một chiếc lọp hoàn chỉnh giá bao nhiêu?”, anh đáp: “Ở đây người ta bán 37 ngàn đồng/cái. Mình mua nguyên liệu khoảng 15 ngàn đồng/cái, chưa tính công. Mình tự đan nên cũng đỡ được mớ tiền vốn”.


Vợ chồng anh Quang đang đan lọp cua

Tôi hỏi: “Mỗi ngày anh đặt lọp vậy kiếm được bao nhiêu?”, “Mấy năm trước kiếm có khi 3-4 trăm ngàn/ngày. Giờ cả 2 vợ chồng tôi làm cũng chỉ được khoảng 150 đến 200 ngàn/ngày. Vất lắm, 3 giờ sáng là phải thức dậy đi rồi, đến quá trưa mới về đến nhà. Anh nhìn tay chúng tôi mà xem, cua kẹp nát hết. Nếu sức khỏe tốt, có vốn sang thuê đồng bên Campuchia đặt lọp thì khá hơn”, anh Quang đáp. Theo chị Liễu, vợ anh Quang, thì: “Chỉ có người thu mua là sướng. Họ chỉ ngồi nhà mà mỗi ngày kiếm cả triệu bạc”.

Theo chỉ dẫn, không khó khăn gì, tôi tìm đến ngay vựa thu mua cua đồng của anh Trần Vũ Tuấn ở cách UBND xã Vĩnh Hội Đông không xa. Anh Tuấn cho biết, trung bình một ngày vựa gom khoảng hơn 1 tấn cua với giá 7.000 đồng/kg. Sau đó anh cho người bẻ lấy một càng to bán riêng giá từ 100-150 ngàn đồng/kg. Con cua sau khi đã bị lấy mất một càng to được cân lại cho các quán ăn, các cơ sở chế biến. “Như vậy một ngày chắc anh kiếm cả triệu nhỉ?”, tôi ướm hỏi. “Đâu có, vài trăm thôi. Mình thu mua làm sao để bà con đỡ thiệt thòi. Chứ ở đây toàn lối xóm không hà, làm vậy coi sao đặng”, anh Tuấn phân trần.

4 giờ chiều, khu vực trước cổng UBND xã Vĩnh Hội Đông trở nên ồn ào khi hàng chục chiếc ghe đi bắt cua từ cánh đồng Capuchia trở về. Cua đồng được mang từ xuồng lên từng bao, từng thùng. Ông Võ Văn Hải, ở ấp Vĩnh Phú, một thợ bắt cua từ 20 năm nay, bảo: “Từ đó đến giờ tôi sang đồng Campuchia đặt lọp là chính. Cua bên Campuchia vẫn nhiều lắm. Có những lọp nhắc lên nặng tay, cỡ hơn 20 con cua bên trong. Đặc biệt, cua bên đó mập hơn, cặp càng to như cua biển nên lái chuộng lắm, bao nhiêu cũng lấy. Bình quân mỗi lọp nửa ký cua. Tôi đặt 200 lọp nên mỗi ngày thu trên dưới 1 tạ cua. Với giá “xô” 7.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm”. Tôi ngỏ ý muốn theo đoàn ghe đi đặt lọp cua bên Campuchia, ông Hải chần chừ rồi bảo: “Cũng được. Đồng bên đó sát mình, nhưng anh đi chỉ mặc cho ấm chứ đừng mang mấy đồ điện tử theo, vì xuồng rất nhỏ, rất dễ dính nước”.

SANG NƯỚC BẠN BẮT CUA

3 giờ sáng, tôi bừng tỉnh khi nghe tiếng nói cười lao xao, đèn mở sáng choang, chuẩn bị một ngày đi bắt cua đồng xứ người. Dụng cụ bắt cua được mang xuống cùng với cơm nước để dùng cho một ngày làm mới. Chúng tôi xuất phát từ ngã ba sông Vĩnh Hội Đông. Đêm vùng biên khá lạnh. Chiếc xuồng phía trước xé nước lao nhanh khiến bụi nước tung mù như một cơn mưa nhỏ. Chừng 20 phút sau, những chiếc xuồng giảm tốc rồi dừng hẳn. Ông Hải cho biết cánh đồng này thuộc tỉnh Tà Keo của Campuchia. Do đồng bên này trũng hơn nên có thể đặt lọp cua quanh năm. Ông thuê 12 triệu đồng/năm.


Đội bắt cua đồng xã Vĩnh Hội Đông

Nhìn cánh đồng mênh mông, tối hun hút, tôi thắc mắc: “Thế này làm sao biết lọp nào của mình?”. Ông Hải cười: “Biết chứ. Mỗi người có cách làm dấu để biết cái nào của mình. Mà dù không làm dấu thì mỗi người cũng biết chỗ nào của mình. Nếu không biết chính xác vị trí thì khi cầm đầu dây lọp lên là biết ngay không phải của mình, thả xuống ngay. Làm nghề sông nước này không ai dám gian lận. Chưa kể đi làm ăn xứ người mà không đoàn kết, tương trợ nhau thì nguy. Chính vì thế, bao nhiêu năm nay chưa xảy ra chuyện gì đáng tiếc”.

"Toàn xã hiện nay có khoảng 120 hộ dân làm nghề đặt lọp cua quanh năm, tập trung nhiều nhất ở 2 ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động địa phương. Trong số các hộ làm nghề này, có 45 hộ nghèo - cận nghèo, nên nhu cầu vốn tương đối lớn. Vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết vốn vay ưu đãi cho 30 hộ (10 triệu đồng/hộ). Hiện chúng tôi đang khảo sát, đề xuất lãnh đạo huyện có hướng hỗ trợ vốn, nghề cho bà con”, ông Huỳnh Công Phương, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông.

Thông thường, mỗi luồng lọp cua có khoảng 100 chiếc. Mọi người cùng đóng tiền thuê như nhau, nhưng số lượng lọp lại tùy thuộc đồng vốn của mỗi người. Chính vì thế, có người mang theo 400 - 500 chiếc lọp, nhưng có người chỉ đầu tư được 100 lọp (ngót 4 triệu đồng) và không có xuồng, họ quá giang xuồng khác. Khi sang đến nơi họ phải lội bộ thả lọp vì hai luồng lọp của hai người không thể đi sát nhau.

“Nếu hôm nào trời ấm thì đỡ, chứ nếu trời lạnh, ngâm nước một hồi là tê cóng chân tay luôn”, anh Trần Minh Vỵ, một trong những người đang phải lội bộ đặt lọp nói. Mồi cua được chuẩn bị sẵn khá đơn giản, những món “khoái khẩu” của cua là ốc bươu đập dập vỏ và củ khoai mì cắt lát. Tùy vào lượng cua, mỗi luồng lọp có thể đặt suốt mùa, hoặc chỉ đặt vài hôm rồi dời đi nơi khác. Mỗi ngày, họ xuất phát lúc 3 giờ sáng, về đến bến lúc 15 giờ chiều.

Ở Vĩnh Hội Đông, điểm thu mua cua của ông Trần Văn Cứ lúc nào cũng tấp nập nhất. Ông Cứ bảo: "Thấy dân mình đặt lọp cua ngon ăn, dân bên đó cũng bắt chước sang mình mua lọp về đặt, rồi mang cua sang bán cho mình luôn. Tại bến nhà tôi mỗi buổi chiều có hơn 30 đầu xuồng trong xóm và bên nước bạn Campuchia sang cân cua. Tôi không chỉ đơn thuần là thu mua, mà còn là cầu nối cho 2 bên bán, mua. Mỗi khi có bạn hàng đến thu mua cua của ngư dân Campuchia, tôi đứng ra làm phiên dịch cho họ. Trung bình mỗi ngày tại bến này, tôi cân trên 3 tấn cua lớn nhỏ các loại. Mặt cua năm nay nhiều hơn năm ngoái, bà con làm ăn cũng kha khá".

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm