| Hotline: 0983.970.780

Đầu năm ‘dậm đất’ chợ Gò

Chủ Nhật 22/01/2023 , 15:26 (GMT+7)

Mới 6 giờ sáng mùng 1 Tết tôi đã ‘dậm đất’ chợ Gò, ngỡ mình đi sớm, nào ngờ đã có người đi chợ Gò ‘mua lộc’ đầu năm từ sau giao thừa…

Nô nức chợ Gò

Vừa qua khỏi trung tâm hành chính huyện Tuy Phước (Bình Định), tôi đã thấy dọc 2 bên đường san sát những gian hàng bán “lộc xuân” đầu năm. Gọi là gian hàng cho oách, chứ thật ra đó chỉ là những chiếc bao được trải dưới đất để phân định phần đất của mỗi người bán. Bên trên những chiếc bao bày bán những món hàng rất “không giống ai”, như muối, gạo, quả cau, lá trầu, rễ, vôi, đu đủ, quả sung, rau muống… Đây là những món nông sản mà theo dân gian ấy là “lộc xuân”, người đi chợ mua để lấy lộc đầu năm, cầu mong bình an, thịnh vượng trong năm mới.

Người dân nô nức đi chợ Gò mua 'lộc xuân' đầu năm. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân nô nức đi chợ Gò mua “lộc xuân” đầu năm. Ảnh: V.Đ.T.

Cứ ngỡ những người bán “lộc xuân” chỉ có phụ nữ, nào ngờ có cả thanh niên. Nhìn chàng trai đang bày ra chiếc bao được trải bằng phẳng dưới nền đường những chiếc đĩa xốp được bọc nhựa bài bản, bên trong có trầu, cau, muối, vôi, rễ… rồi rôm rả mời chào khách hàng đến mua. Hỏi ra thì biết, chàng thanh niên này tên Lê Văn Thảo (42 tuổi) hiện ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, Bình Định), dẫu ở xa hàng chục cây số nhưng anh Thảo vẫn lặn lội về đây bán “lộc xuân”. Do ở xa, nên sau giao thừa, mói 1 giờ sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 mà anh Thảo đã chở hàng về chợ Gò bày bán, bởi sau giao thừa đã có người đi chợ “mua lộc”.

Vừa bày biện hàng, Thảo vừa vui vẻ chia sẻ: “Ông bà xưa có câu “Đầu năm hái lộc cầu duyên/Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”, hoặc “Đầu năm mua muối/Cuối năm mua vôi”. Do đó, ngày đầu năm người dân thương đi chợ Gò mua các món muối, gạo, lá trầu, quả cau, rễ, vôi… để cúng ông bà tổ tiên xin lộc đầu năm. Mua muối là để cầu xin gia đạo có sự mặn mòi, trầu cau là để xin sự gắn bó keo sơn của đời sống vợ chồng, gạo là để cầu xin năm mới no đủ… Tôi đi bán “lộc xuân” không phải để kiếm lời, mà cũng là để kiếm cho mình chút “lộc” năm mới cho gia đình”.

Cụ Nguyễn Thị Quảng, người đầu tiên bán hàng tại chợ Gò trong Tết Quý Mão 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ Nguyễn Thị Quảng, người đầu tiên bán hàng tại chợ Gò trong Tết Quý Mão 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Giải thích vì sao phải bỏ những món hàng vào đĩa xốp để bán, điều khác biệt nhất trong phiên chợ Gò, anh Thảo cho biết thêm: “Tôi cho hết các món “lộc xuân” chủ đạo như muối, gạo, cau, trầu, rễ… vào cái đĩa thành “combo” để bán cho gọn, lại khỏi bụi bặm, đưa lên bàn thờ cúng kính cũng trang trọng. Mỗi đĩa có giá 20.000 đồng. Mặc dù người đi chợ Gò mua “lộc xuân” không bao giờ trả giá, nhưng người bán không vì thế mà bán đắt, vì nếu ở phiên chợ Gò mà “chặt chém” là chính người bán sẽ mất “lộc”.

“Người đi chợ Gò không chỉ là người dân địa phương, mà cả dân ở thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn đến mùng 1 Tết cũng tập trung về chợ Gò mua “lộc”. Nhiều phiên chợ có hàng ngàn người khách, tôi bán “lộc xuân” theo “combo” vừa hợp vệ sinh vừa tiện lợi nên có nhiều khách mua”, Thảo bộc bạch.

Nghe chuyện của anh Lê Văn Thảo, tôi cứ ngỡ anh là người bán “lộc xuân” sớm nhất của chợ Gò, nào ngờ khi trò chuyện với cụ bà ngồi trước “gian hàng” lộc xuân gần nơi UBND huyện Tuy Phước sẽ tổ chức Hội xuân chợ Gò, tôi mới biết chính cụ bà mới là người bán “lộc xuân” sớm nhất tại phiên chợ này.

Anh Lê Văn Thảo, 1 trong những 'đấng mày râu' hiếm hoi bán lộc xuân tại chợ Gò. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Lê Văn Thảo, 1 trong những “đấng mày râu” hiếm hoi bán lộc xuân tại chợ Gò. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ bà là Nguyễn Thị Quảng (82 tuổi) ở tận xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, Bình Định). Từ hồi còn con gái, cụ Quảng đã bán “lộc xuân” tại chợ Gò. Tết Quý Mão 2023 này, mới 8 giờ tối 30 tháng Chạp cụ đã thuê xe ôm với giá 200.000 đồng chở gánh hàng cùng cụ vào chợ Gò để “xí” trước chỗ bán tốt nhất. Đêm ấy cụ Quảng thức trắng, để vừa qua giao thừa là đã bán mở hàng cho người đi mua lộc. Nhờ người mở hàng “nhẹ vía”, lại được ngồi ở nơi thuận lợi có nhiều khách qua lại nên đến 8 giờ sáng mùng 1 Tết cụ đã bán khá nhiều hàng. Qua 1 đêm thức trắng, nhưng trên gương mặt cụ bà Nguyễn Thị Quảng tôi không hề thấy chút mệt mỏi. Tôi hỏi vì sao cụ thức đêm giỏi vậy, cụ móm mém trả lời rất đơn giản: “Tết mà!”.

Chợ Gò, nét văn hóa đặc trưng

Anh Nguyễn Văn Bình (48 tuổi), ở phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) sáng mùng 1 Tết lặn lội lên tận thị trấn Tuy Phước đi chợ Gò mua trầu, cau về cúng lấy lộc. Anh Bình chia sẻ: “Theo phong tục ông bà để lại, năm nào tôi cũng cũng đi chợ Gò để mua trầu, cau về cúng lấy lộc đầu năm. Chợ Gò là phiên chợ truyền thống nên đến kỳ là bà con bày hàng ra bán, người mua theo lệ đi chợ mua. Tôi đi chợ không chỉ để mua lộc đầu năm mà còn để hòa mình vào dòng chảy lịch sử”.

Theo ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, từng thời điểm lịch sử khác nhau, phiên chợ Gò luôn hiện hữu trong tiềm thức của người dân huyện Tuy Phước.

Chợ Gò đông đảo người mua lộc đầu năm. Ảnh: V.Đ.T.

Chợ Gò đông đảo người mua lộc đầu năm. Ảnh: V.Đ.T.

Theo truyền thuyết, vào năm 1799, dưới thời vua Cảnh Thịnh, quân Nguyễn Ánh xua binh tấn công Quy Nhơn, đe dọa trực tiếp đến thành Hoàng Đế, nơi Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng vương. Đầu năm 1800, 2 dũng tướng của triều Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh mang 3 vạn quân vào Quy Nhơn nghênh chiến.

Sông Hà Thanh, đoạn gần Trường Úc (huyện Tuy Phước) dẫn ra đầm Thị Nại được các tướng lĩnh Tây Sơn chọn làm nơi đặt tổng hành dinh, bởi nơi này có 1 bên núi, 1 bên sông, đoạn giữa là 1 gò đất rộng và bằng phẳng. Binh lính đóng quân ở đây ngoài một ít là người địa phương, phần lớn là người đàng ngoài. Chính vì vậy, để binh lính khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp Tết và xoa dịu những mất mát khổ nhọc của dân bản địa, các tướng triều Tây Sơn tổ chức nhiều trò chơi dân gian cho binh lính giải trí ngay trên bãi thao trường trên gò đất Trường Úc vào sáng mùng 1 Tết.

Người đi chợ Gò mua lộc đầu năm không bao giờ trả giá. Ảnh: V.Đ.T.

Người đi chợ Gò mua lộc đầu năm không bao giờ trả giá. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân quanh vùng thấy thế cũng nô nức kéo đến góp vui với quân lính với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bình Định là cái nôi của nghệ thuật tuồng, bài chòi, bởi thế nên buổi giao lưu càng xôm tụ, làm ấm lòng các binh sĩ xa nhà trong những ngày Tết. Cứ thế, hàng năm các gia đình binh sĩ theo lệ đến nơi đây thăm chồng con. Có cầu ắt có cung, dân địa phương mang hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã, nơi đây trở thành Hội xuân Chợ Gò, mỗi năm chỉ mở hội 1 lần vào ngày mùng 1 tháng Giêng.

“Phiên chợ Gò vừa mang tính lịch sử, vừa mang bản sắc văn hóa đặc trưng của huyện Tuy Phước nói riêng và của miền đất Võ Bình Định nói chung, trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng mỗi khi Tết đến xuân về. Hiện nay, UBND huyện Tuy Phước đang phối hợp với ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận hội chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”, ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho hay.

Dù bán được hay không được, người bán lộc đầu năm tại chợ Gò luôn rạng rỡ nụ cười xuân. Ảnh: V.Đ.T.

Dù bán được hay không được, người bán lộc đầu năm tại chợ Gò luôn rạng rỡ nụ cười xuân. Ảnh: V.Đ.T.

Chợ Gò có từ thời Tây Sơn, suốt mấy trăm năm nay, chợ Gò chỉ vắng khách trong khoảng 10 năm trong cuộc kháng chiến chống Pháp của thế kỷ trước, vì người dân sợ máy bay oanh kích nên không dám họp chợ. Còn lại, chợ Gò năm nào cũng đông vui. Chợ Gò không chỉ có mua bán và xổ lô tô, trong thời gian họp chợ Gò còn có các trò chơi dân gian như múa lân, chọi gà, cờ tướng, đá cầu, đập niêu, kéo co…, nhiều bậc cao niên ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định) cho hay.

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Giáp pháp kỹ thuật nào giúp vận hành thủy điện, thủy lợi hiệu quả?

Hiện nay liên danh KIV - Weatherplus đã cung cấp các dịch vụ dự báo thời tiết có độ chính xác cao bằng việc ứng dụng công nghệ Nhật Bản tại một số hồ chứa.